“Miền đất hứa” của thị trường golf
Không quá đột phá trong việc tạo nên làn sóng mạnh mẽ cho thị trường golf khi vừa bắt đầu, nhưng Hà Tĩnh được đánh giá là “miền đất hứa” với nhiều tiềm năng có thể phát triển bộ môn thể thao này về cả số lượng và chất lượng.
Hà Tĩnh đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng giao thông ven biển kết nối với các vùng du lịch, kinh tế trong và ngoài nước; điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chú trọng phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, với lợi thế là tỉnh thành có khá nhiều biển, đa số là những bãi biển hoang sơ, trong lành chưa được khai thác nhiều, trong đó có biển Xuân Thành, nơi sân golf đầu tiên của Hà Tĩnh toạ lạc, cũng trở thành một trong những lý do thu hút khách du lịch, chơi golf.
Hà Tĩnh hiện có 1 sân golf 18 lỗ, thuộc Dự án khu du lịch biển và sân golf Xuân Thành (Nghi Xuân) do Công ty cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 1.465 tỷ đồng, được cấp phép xây dựng vào tháng 2 năm 2008 và chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 4 năm 2017 với quy mô diện tích là 114.5ha tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Toàn bộ khu dự án được thiết kế xây dựng với 3 phần chính: Sân golf được xây dựng theo quy chuẩn quốc tế 18 lỗ, trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó và tổ hợp nhà nghỉ, khách sạn.
Sự kết hợp đa dạng giữa sân golf, nghỉ dưỡng và giải trí là điểm nổi bật của sân golf Xuân Thành, giúp tăng thời gian lưu trú của khách chơi golf.
Nhận thấy nhiều tiềm năng phát triển golf tại Hà Tĩnh, nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu có kế hoạch "xuống tiền" với một số dự án sân golf kết hợp nghỉ dưỡng.
Mới đây, văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 293TB-VPCP ngày 14/8/2018 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý về chủ trương bổ sung 2 sân golf tại Khu du lịch Thiên Cầm và sân golf của Công ty cổ phần Crystal Bay tại TP. Hà Tĩnh vào quy hoạch đầu tư sân golf cả nước. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc bổ sung 2 sân golf trên vào quy hoạch hệ thống sân golf cả nước theo quy định.
Được biết, trước đó Công ty CP Tập đoàn FLC đã đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Khu du lịch Thiên Cầm với quy mô khoảng l.000ha, trong đó có 1 sân golf 36 lỗ với diện tích khoảng 150ha tại khu vực đất cát ven biển thuộc địa bàn thị trấn Thiên Cầm.
Ngoài ra, Công ty CP Crystal Bay đề xuất Dự án Công viên trung tâm và khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại TP. Hà Tĩnh với quy mô khoảng 200ha, trong đó có 1 sân golf 18 lỗ với diện tích khoảng l00ha thuộc địa bàn phường Văn Yên.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Hà Tĩnh cho biết, golf không chỉ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người chơi mà còn là kênh thu hút du lịch cho nhiều địa phương trên cả nước. Những năm gần đây, Hà Tĩnh có tốc độ phát triển khá nhanh, đặc biệt là tại Khu kinh tế Vũng Áng đã có hàng nghìn người nước ngoài, hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia trên thế giới đến kinh doanh, đầu tư. Đây sẽ là tiềm năng lớn cho môn thể thao “quý tộc” cũng như phát triển du lịch.
Đón đầu tiềm năng và cơ hội đó, từ những nhóm thành viên nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh đã tập hợp và thành lập Hội Golf Hà Tĩnh. Đến nay, Hội Golf Hà Tĩnh có gần 100 hội viên, trong đó trên 50% là doanh nhân con em Hà Tĩnh sinh sống, làm việc tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
“Đặc biệt, golf sẽ là môn thể thao đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, là bước đệm quan trọng để đưa vào hoạt động thành công các sân golf đang được triển khai đầu tư trên địa bàn; giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhiều người tham gia Hội Golf Hà Tĩnh ngoài việc giao lưu thể thao còn có mục đích tìm kiếm cơ hội đầu tư trên lĩnh vực du lịch – khách sạn tại Khu kinh tế Vũng Áng”, ông Thanh chia sẻ thêm.
Cần “mở đường” cho golf phát triển
Có thể đánh giá là “chưa có gì” trong tay, việc mang golf đến gần hơn với người dân cũng như phát triển bộ môn thể thao này để tạo thành “cú đấm lớn”, đối với tỉnh Hà Tĩnh, phía trước vẫn còn nhiều gian nan.
Tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng môn golf cũng đang gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển. Đối với đại bộ phận người dân, golf còn quá mới mẻ. Phần lớn người dân chưa biết về những ưu thế của golf so với các môn thể thao khác.
Đặc biệt, rào cản về mặt tâm lý trong cộng đồng xã hội cũng là nhân tố kìm hãm sự phát triển của môn thể thao này. “Nhiều người nghĩ golf là môn thể thao tốn kém, chỉ dành cho những người giàu có. Tuy nhiên, mọi người không biết cũng như bao môn thể thao khác, golf tốn kém đến đâu là tùy thuộc vào người chơi” - ông Nguyễn Ngọc Thanh cho hay.
Gần như là “mảnh đất hoang”, giai đoạn hiện nay, golf ở Hà Tĩnh phát triển còn chậm. Không thể phủ nhận những lý do khách quan như: thu nhập của người dân mặt bằng chung còn thấp, doanh nghiệp đa số là nhỏ, lẻ… Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư e dè khi đầu tư vào nơi này sẽ không thành công bởi đây là sự mạo hiểm quá lớn. Ngân sách để xây dựng một sân golf cũng như cơ sở hạ tầng kèm theo là con số không hề nhỏ, hơn nữa lại để đầu tư cho một vùng đất còn “nghèo”, thật sự là việc khiến nhiều người trăn trở.
Trao đổi với PV, ông Ngô Đức Huy – Chủ tịch Hiệp hội Golf Hà Tĩnh chia sẻ: “Việc phát triển bộ môn thể thao golf đem lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả du lịch cho tỉnh nhà. Muốn đạt được như thế, cần mở đường cho golf phát triển. Phải có những chủ trương, thúc đẩy phát triển du lịch, bất động sản”.
Trong thời gian tới, tiếp tục mời gọi, phân tích cho nhà đầu tư thấy tiềm năng phát triển golf vẫn là chiến lược được ưu tiên. Bên cạnh đó, phát triển mạnh du lịch cũng là việc quan trọng không kém. Đồng bộ golf với du lịch cũng như để hai thứ này hỗ trợ cho nhau là điều mà tỉnh Hà Tĩnh đề cao.
Chính vì thế mọi rào cản và định kiến về golf cần phải được nhanh chóng phá bỏ. Chúng ta cần nhìn nhận golf là một ngành kinh tế “nghiêm túc”, nếu thành công có thể mang lại lợi nhuận cao, cơ hội cho tỉnh nhà phát triển nhanh, cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân với mức lương xứng đáng.