Theo báo cáo thị trường giao dịch bất động sản Việt Nam quý III/2018 của Hội Môi giới bất đống sản Việt Nam, trong quý hầu hết ở các vùng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đều không có nguồn cung mới chào hàng, ngoại trừ ở Nha Trang chỉ có duy nhất một dự án mở bán lần đầu ra thị trường, đó là dự án Lanuna. Lượng giao dịch trên cả nước về sản phẩm condotel trong quý chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.
Bên cạnh đó, giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đã được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 – 50 triệu/m2, thậm chí có những dự án có giá trên 70triệu/m2. Ở mức giá cao này nhà đầu tư khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng.
Trước đó, theo DKRA Việt Nam, trong quý III/2018, thị trường đón nhận 1 dự án mới mở bán, cung ứng 42 căn condotel, bằng 2% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 32 căn (khoảng 76%), bằng 4% so với quý trước. Sức cầu của thị trường khá thấp, ngoại trừ 1 số dự án nổi bật ở Khánh Hòa. Số liệu thống kê từ đơn vị này, trong quý III/2018, nguồn cung trên thị trường sơ cấp đến từ những dự án trước đó và tập trung vào các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Nam.
DKRA Việt Nam dự báo, trong ngắn hạn, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ không có nhiều khởi sắc và sức cầu cũng không thay đổi. Nguồn cung condotel và biệt thự nghỉ dưỡng có thể sẽ tăng trong thời gian tới và tập trung chủ yếu ở những địa phương quen thuộc như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận.
Mặt khác, tại báo cáo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của CBRE, đơn vị nghiên cứu này cũng cho rằng, một lượng lớn các sản phẩm condotel sẽ sớm được bàn giao và sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn với các nhà đầu tư cho thuê. Tính tới thời điểm này, nguồn cung lũy kế của condotel tại 4 thị trường lớn gồm Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đã lên tới 30.000 căn, trong đó, khoảng 90% đã tiêu thụ hết. Tuy nhiên, theo CBRE, so với những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á như Phuket (Thái Lan), tổng số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất lớn.
Theo ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành của CBRE Hotels Châu Á - Thái Bình Dương, một số tranh chấp đã xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư về hiệu quả lợi nhuận của các chương trình cam kết lợi nhuận ở các thị trường phát triển hơn như ở Thái Lan và Australia. Theo ông, các dự án có chất lượng tốt, được xây tại vị trí phù hợp, có tiềm năng du lịch thì khả năng hút khách sẽ vẫn cao, kể cả khi không có các chương trình cam kết lợi nhuận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội nhận định: “Ở Việt Nam chúng ta gọi là condotel và officetel là mới nhưng trên thế giới, sản phẩm này đã có rất lâu rồi. Nếu nói về pháp lý rõ ràng hay không, ảnh hưởng đến giao dịch ra sao thì người dân yên tâm vì giao dịch cho condotel và officetel thời gian tới sẽ tăng tốt hơn. Condotel vẫn là sản phẩm nghỉ dưỡng rất hấp dẫn. Trước mắt do có 1 số yếu tố mới khiến, giao dịch có thể chậm hơn”.
Theo ông Thanh phân tích, Condotel thực ra rất hấp dẫn, tiềm năng lớn. So với lợi thế tự nhiên tại Việt Nam, condotel còn rất nhiều tiềm năng lớn, không chỉ với khách nội địa, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, Condotel hiện nay vẫn vướng mắc về vấn đề pháp lý. Nếu pháp lý rõ ràng, người dân yên tâm, giao dịch Condotel sẽ tăng tốt hơn.
“Tôi lưu ý là giá bán cũng như cam kết lợi nhuận của Condotel có những tiềm ẩn. Giá bán không phải trên giá thành mà là giá bán chủ đầu tư đưa ra đi cùng với lợi nhuận kì vọng. Một số dự án chủ đầu tư cam kết lợi nhuận, loanh quanh 10% là rất khó. Đây là những điều chúng tôi lưu ý những người quan tâm đến Condotel”, ông Thanh khuyến cáo.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, lượng giao dịch Condotel đang bị chậm lại, có sự giảm so với thời gian trước đó, chứ không phải là bị chững lại. Ở đây phải hiểu rằng, dù giao dịch có giảm nhưng vẫn có khoảng gần 1.000 sản phẩm Condotel vẫn được giao dịch thành công trong quý III. Condotel tạo ra cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế du lịch Việt Nam. Mục tiêu phát triển kinh tế du lịch mà Chính phủ đã vạch ra là nền kinh tế mũi nhọn mà chúng ta không có một hạ tầng cơ sở dịch vụ đặc biệt là hạ tầng lưu trú thì chúng ta không sẽ không phát triển được.
"Ở thời điểm này, chúng tôi muốn khuyến nghị các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản là những dự án đã được cấp, được cho phép triển khai cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án và đưa các dự án vào vận hành khai thác và vận hành khai thác thế nào cho có hiệu quả, tạo ra hệ thống hạ tầng cho kinh tế du lịch là việc rất cần thiết. Các chủ dự án ở Việt Nam cũng còn có những hạn chế thua kém quốc tế ở mặt khai thác, quản lý, vận hành. Theo đó, cần tăng cường mạnh hơn trong liên kết, liên doanh với các, doanh nghiệp có kinh nghiệm ở các thị trường nước ngoài để tạo ra 1 chất lượng dịch vụ tốt”, ông Thanh nhấn mạnh.