Giữa lòng vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới có một cộng đồng thủy cư tồn tại lâu đời bằng nghề chài lưới ở Cửa Vạn, cách bến tàu du lịch thành phố Hạ Long khoảng 20km đường biển.
Cùng với làng chài Cửa Vạn, các điểm đến khác cũng được Bright Side đề xuất gồm Làng chài ở Kaliningrad (Nga), thị trấn San Gimignano (Tuscany, Ý), quần đảo Faroe, làng Gásadalur (Đan Mạch), làng Reine (Lotofen, Na Uy), làng Bibury (Anh), làng Giethoorn (Hà Lan), làng Pariangan (Indonesia), Longji (Trung Quốc), làng Monsanto (Bồ Đào Nha), làng Hallstatt (Áo)…
Theo Bright Side, làng chài Cửa Vạn là điểm đến lý tưởng dành cho những ai đang tìm kiếm sự yên bình và muốn hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Làng chài Cửa Vạn nằm tại xã Hùng Thắng, TP. Hạ Long, nhiều năm qua đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Không phải là một làng chài nằm trên đất liền, đây là làng chài nằm lênh đênh giữa sóng biển, tựa vào núi trong vịnh Thiên Đường.
Làng vốn có nguồn gốc từ 2 làng chài cổ là Trúc Võng và Giang Võng, nằm bên bờ vịnh Hạ Long. Theo lời những người dân bản địa, do nằm trong một vùng núi đá sừng sững, có lối ra vào giống như chiếc cửa, nên gọi là "Cửa" và chữ "Vạn" mang ý nghĩa là dân vạn chài.
Trên thực tế, ngôi làng chài này không phải lần đầu tiên lọt vào một danh sách thế giới. Cuối tháng 3 vừa qua, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel+Leisure cũng đã đề xuất Top 16 thị trấn ven biển xinh đẹp nhất thế giới, trong đó có làng chài Cửa Vạn của Việt Nam.
Năm 2014, làng Cửa Vạn cũng được tạp chí du lịch Travel+Leisure vinh danh trong danh sách 16 điểm đến ven biển đẹp nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 9. Ngoài ra, website du lịch Journeyetc.com bình chọn đây là 1 trong 16 làng chài đẹp nhất thế giới và ví von nó như một viên ngọc ẩn quyến rũ của vịnh Hạ Long. Tiêu chí để chọn ra những ngôi làng là chúng phải cổ kính, có vẻ đẹp duyên dáng và lưu giữ được nền văn hóa truyền thống đặc trưng.
Còn trong phóng sự 13 trang về Hạ Long của phóng viên Olivier Frébourg (tạp chí Air France, Hãng hàng không Pháp, số 7/2004), ông đã dành một đoạn miêu tả Cửa Vạn thật ấn tượng: "Cuối cùng thì bên trái hòn Con Cóc, núp sau hòn Ngọc Bích, ngôi làng Cửa Vạn bất chợt hiện ra như một hang hải tặc. Các ngôi nhà thẳng hàng, giống như những con tàu sẵn sàng tấn công. Làng Cửa Vạn có 800 cư dân. Cách đây một thế kỷ, dân chài đã tề tựu trong cái vũng khổng lồ này để tránh bão. Mãi đến năm 1988, Cửa Vạn mới biến thành một chuỗi những ngôi nhà nổi dựa vào nhau, mỗi nhà đều giương lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Cửa Vạn nằm lọt trong cái ô vuông "bằng vàng" được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Mỗi ngôi nhà đều được dựng lên trên những thùng bằng nhựa tổng hợp làm nền cho sàn gỗ mỏng như cái hộp diêm. Một cái neo to tướng ngăn không cho chúng trôi dạt đi".
Gần 20 năm sau, số dân Cửa Vạn đã tăng hơn nhiều ngàn nhân khẩu so với năm 2004, khi Olivier Frébourg đến đây. Làng chài là cộng đồng thuỷ cư lâu đời và duy nhất còn tồn tại đến bây giờ với tất cả những nét đặc thù của người dân vùng biển, từ phương thức kiếm sống đến đời sống văn hóa và sinh hoạt hằng ngày. Ngày làm việc của những ngư dân làng chài thường bắt đầu từ khoảng 2h sáng, khi trên bờ vẫn còn đang say giấc. Họ thả mồi, giăng lưới giữa sóng nước bao la. Khi mặt trời mọc cũng là lúc họ mang những mẻ cá còn tươi lên bờ. Ở đó có những thương lái đã chờ sẵn. Sau cuộc mua bán diễn ra rất chóng vánh, người dân làng nổi lại trở về, chuẩn bị bữa ăn trưa và nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục nhưng mẻ lưới mới.
Chỉ vài tiếng lênh đênh trên biển Hạ Long là đến làng chài, bù lại những đứa con ruột thịt của làng đang làm hướng dẫn viên tại Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn sẽ chèo thuyền đưa bạn đi thăm đời sống thủy cư nơi đây. Có thêm thời gian, ông chủ của các chuyến tàu đánh cá đèn ban đêm, thuyền câu mực sẽ tạo điều kiện cho những ai ham khám phá và phiêu lưu lênh đênh một đêm giữa biển trời Hạ Long.