Theo báo cáo mới nhất của Grant Thornton Việt Nam, lượng khách du lịch ở Việt Nam tăng kỷ lục trong 2 năm qua, theo đó, từ năm 2016 đến 2017 khách nội địa tăng từ 72 triệu lượt lên 86 triệu lượt, tương ứng 19%; khách quốc tế tăng 29%.
Còn theo báo cáo mới nhất 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,89 triệu lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Các đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo lượng khách nước ngoài sẽ tiếp tục tìm đến Việt Nam, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.
Du lịch tăng trưởng mạnh - "chìa khóa" của bất động sản nghỉ dưỡng
Chỉ trong vài năm gần đây, nhiều TP ven biển tại Việt Nam đang thay đổi chóng mặt. Phú Quốc, Quy Nhơn, Sầm Sơn.... những khu vực hoặc hoang sơ về du khách hoặc nghèo nàn về hạ tầng đã nhanh chóng lột xác chỉ trong 2-3 năm để trở thành những điểm du lịch sầm uất. Rất nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã hiện diện để tạo dựng nên những khu resort, khách sạn, condotel sang trọng đẳng cấp thế giới, đi kèm với đó là những công trình giải trí tiêu chuẩn quốc tế như vườn thú Safari, du thuyền, cáp treo và trong tương lai sẽ có thêm các khu casino trị giá hàng tỷ USD.
Với sự bùng nổ của du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng đang thực sự "hái ra tiền" và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Grant Thornton Việt Nam, cho biết "theo xếp hạng sao, giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao năm 2017 tiếp tục tăng nhẹ lên 75,2 USD, tương đương với tốc độ tăng 1%. Khách sạn 5 sao có giá phòng phục hồi sau sự sụt giảm năm 2016, đạt 107,6 USD, tương ứng mức tăng 4,2%. Công suất phòng được cải thiện với tăng trưởng khoảng 5% cho cả hai hạng (4,8% với 4 sao và 5% với 5 sao)".
Lợi nhuận hấp dẫn và ổn định
Mới đây, một số báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường cho thấy bất động sản nghỉ dưỡng đang bị tác động theo đà chững lại chung của thị trường.
Dù nguồn cung condotel và biệt thự nghỉ dưỡng đang tương đối dồi dào nhưng lượng giao dịch giảm, chỉ sôi động cục bộ ở từng dự án. Theo dự báo thì khả năng trong ngắn hạn, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vẫn trong xu thế chững, tình hình giao dịch chưa thể khả quan.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, xét về dài hạn, hoạt động kinh doanh tốt của ngành khách sạn và du lịch khiến bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng hàng đầu trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang không còn hấp dẫn: chứng khoán lao dốc, chung cư đi xuống, còn đất nền thì giảm nhiệt...
Với các thị trường sôi động về condotel như Hạ Long, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và đặc biệt là Nha Trang (Khánh Hòa) nơi tập trung rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường này sẽ vẫn là phân khúc sôi động bậc nhất trong năm 2018. Hiện tại, hầu hết các dự án căn hộ nghỉ dưỡng trên thị trường đều đưa ra mức cam kết lợi nhuận dao động phổ biến khoảng 8%-12%/năm trong vòng 5-10 năm, mang lại lợi nhuận ổn định và hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Về khả năng dư thừa nguồn cung, vấn đề này được đánh giá là khó xảy ra với những con số tăng trưởng ấn tượng của du lịch hàng năm.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, ngành kinh doanh bất động sản Việt Nam tăng trưởng 4,12%, cao nhất cùng kỳ trong 4 năm trở lại đây.
"Nhà đầu tư nếu có ý định tiếp cận thị trường bất động sản du lịch - giải trí, nên càng sớm càng tốt. Mặc dù được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng dự báo trong tương lai, đặc biệt là tại những vị trí đắc địa, loại hình bất động sản này sẽ ngày càng trở nên có giá", GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận.
Việc tạo ra điểm nổi bật, lợi thế cạnh tranh cho dự án để thu hút người mua từ các nhà phát triển cũng là yếu tố được DKRA Việt Nam cho là chìa khóa để bứt lên trong cuộc đua bất động sản ven biển trong thời gian tới.