Tiềm năng golf Việt Nam
Cùng với sự hội nhập quốc tế hơn 30 năm, môn thể thao gofl ở Việt Nam cũng đã phát triển. Từ chỗ golf Việt Nam chưa có tên trên bản đồ golf thế giới, đến nay, cả nước hiện có hơn 60 sân golf đi vào hoạt động và gần 100 sân golf nằm trong quy hoạch xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có đến vài chục sân tập golf tại các tỉnh, thành phố. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên vốn có, cùng với mức thu nhập bình quân ngày càng tăng cao, Việt Nam cần có quy mô và tốc độ phát triển golf mạnh mẽ hơn nữa để sánh kịp với các nước khác trong khu vực và thế giới.
Ông Daniel Levine, chuyên gia xu hướng toàn cầu, chia sẻ: “Golf đúng là một thứ có thể mang mọi người lại gần nhau. Điều tuyệt vời của golf là nó không dựa trên bất kỳ ngôn ngữ nào. Mọi người từ những nơi khác nhau, với những nền văn hoá khác nhau vẫn có thể chơi cùng nhau. Đó cũng là một trong những lý do mà người ta chọn du lịch để thử sức với các sân golf mới. Vậy nên, golf đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của ngành du lịch”.
Với nhu cầu không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới cũng tăng cao, sân golf sẽ là mảnh ghép quan trọng hoàn thiện mô hình du lịch chuỗi bao gồm nghỉ dưỡng và giải trí. Không những thế, golf còn là sản phẩm của hội nhập hoá và ham muốn thể hiện vị thế, uy danh, sự giàu có, và cả thị hiếu. Vậy nên, sân golf sẽ thực sự nâng tầm cho một khu resort nghỉ dưỡng, thể hiện rằng tất cả du khách ở đây sở hữu một đẳng cấp nhất định, phân biệt với các khu du lịch thông thường khác. Từ đó, thúc đẩy khách hàng đến và chi nhiều tiền cho các khu du lịch và dịch vụ đi kèm với sân golf. Tầng lớp thượng lưu là một mảnh đất màu mỡ, nhưng golf, truyền thông và hội nhập mới là hạt giống, là phân bón ươm mầm cho ngành du lịch nẩy nở.
Ông Herman Yeo, chia sẻ về tiềm năng du lịch golf của Việt Nam: “Các bạn có tài nguyên đất rộng lớn. Điều đó cho phép xây dựng nhiều sân golf hay là nhiều sân chơi bổ ích khác nữa. Nếu tôi lựa chọn đầu tư vào nhà đất Việt Nam, và các bạn có nhiều sân golf đẹp, điều đó sẽ thúc đẩy tôi chọn mua một căn biệt thự an dưỡng cho tuổi già, hoặc có thể là một ngôi nhà thứ hai để du lịch hoặc đầu tư. Tôi tin rằng sân golf chắc chắn sẽ nâng tầm và nâng giá cho một khu bất động sản”.
Khác với các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á, tài nguyên đất dồi dào cùng đường biển dài luôn là lợi thế của Việt Nam. Chẳng phải tự nhiên mà Việt Nam được trao giải thưởng golf Châu Á 2017, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Điều này để thấy rằng đất nước đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên bùng nổ về golf.
Bài toán trong xây dựng sân golf
Theo Tạp chí golf Digest (Mỹ), một sân golf với 20 lỗ cần khoảng 150.000m3 nước sạch để duy trì mỗi tháng, tương đương với mức nước sử dụng của gần 20.000 hộ gia đình. Kèm theo đó là các loại hoá chất để nuôi dưỡng cỏ, giữ chúng ở một độ dày và độ ẩm lý tưởng cho việc chơi golf. Hoá chất khi được sử dụng sẽ ngấm vào đất và thải ra theo đường nước. Vì vậy cần có những phương pháp trung hoà hoá chất để bảo vệ chất lượng đất, cũng như hệ thống đào thải để tránh việc hoá chất được chảy vào các nguồn nước như sông, suối. Chưa kể đến việc sân golf cần mặt bằng rộng, thay vì cây xanh phủ bóng. Việc này đòi hỏi phá rừng, mất đi một lượng lớn thực vật, bóng râm, hệ sinh thái để thay vào đó là mặt bằng hút nước. Từ đó tăng khả năng sạt lở đất, gây nguy hiểm đến khu vực dân cư sinh sống xung quanh, nhất là với khí hậu nhiệt đới ẩm nhiều mưa như ở Việt Nam.
Khi được hỏi về việc phát triển sân golf và bảo vệ môi trường, ông Kelvin Wong, nhà môi giới và là chủ tịch của Resource Real Estate Service, Mỹ, chia sẻ: “Ví dụ như ở Hawaii, rất nhiều đất hay rừng được dành riêng cho người dân địa phương nơi đây. California cũng như vậy. Chúng tôi không chào bán toàn bộ tài nguyên đất rừng của mình cho các nhà bất động sản quốc tế. Mà sẽ có những phần đất dành riêng cho các nhà phát triển nội địa, và người quốc tế sẽ chỉ được đầu tư thôi. Mọi công trình đều phải tuân thủ hướng dẫn chỉ đạo tổng thể được đề ra bởi chính phủ. Còn các nhà xây dựng nội địa hiểu rõ việc tuân thủ cũng như hậu quả nếu đi sai với các chỉ đạo này.”
Khi đưa vào triển khai thi công sân golf, các nhà đầu tư nên nghiên cứu để thực hiện sát sao với đánh giá tác động môi trường của Tổng Cục môi trường. Tránh gặp phải trường hợp đang thi công lại phải tạm dừng để được đánh giá, gây chậm tiến độ, độn phí thi công. Ngoài ra cũng cần chú ý đến những ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực dân sinh xung quanh. Những hiện tượng phun trào, sạt sở, đổ vỡ là có thể xảy ra và người phải chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ chính là người dân địa phương. Điều nay gây nên tiếng xấu cho tập đoàn, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và phát triển thương hiệu.
Chưa kể đến bài toán kinh tế cho các nhà thầu khi lựa chọn đầu tư loại hình sân golf. Chi phí đầu tư ban đầu là rất cao cho một mô hình chỉ có thể phục vụ thị trường ngách là giới thượng lưu. Khiến cho thời gian hoàn vốn kéo dài, rất lâu mới bắt đầu thu được lợi nhuận. Các nhà đầu tư không có cách nào khác ngoài nỗ lực thị trường hoá bộ môn golf. Ngoài việc tổ chức các giải đấu mang tầm cỡ quốc tế, chủ sỡ hữu cũng nên nghĩ đến việc xây dựng những sự kiện dành cho gia đình và các nhóm bạn bè. Đây chính là cách thức hiệu quả để kích cầu, phủ lấp những khung giờ trống của sân mà không làm giảm đi uy danh của toàn bộ khu resort, như những chính sách giảm giá. Đưa bộ môn golf đến gần hơn với công chúng và biến nó trở thành một trào lưu, một xu hướng sẽ giúp thu hút không chỉ golf thủ mà cả các du khách hiếu kỳ đến nghỉ ngơi, cùng lúc sử dụng các dịch vụ của khu du lịch.
Golf - Mảnh ghép hoàn hảo của bất động sản du lịch
Tuy rằng khi xây dựng sân golf, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách và trách nhiệm, nhưng thành quả đạt được lớn hơn rất nhiều so với các khó khăn đó. Một sân golf đứng riêng sẽ hấp dẫn khách du lịch nước ngoài, nhưng nếu biết kết hợp thì sẽ là mảnh ghép hoàn thiện cho mô hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trọn gói. Và cũng là khuyến khích đầu tư hưu trí cho giới nhà giàu nước ngoài, những người muốn sở hữu một căn nhà nghỉ dưỡng thứ 2 cho tuổi già.
Ngoài ra, đây còn là cơ hội hội nhập kinh tế giữa các nước. Sở hữu một sân golf tầm cỡ sẽ cho phép doanh nghiệp tổ chức các sự kiện quốc tế. Người chơi golf ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Anh rất hứng thú với golf Việt Nam và chắc chắn sẽ giành thời gian tham gia các sự kiện này. Nó sẽ mang lại thu nhập cho địa phương, danh tiếng và truyền thông miễn phí cho đất nước. Khi được hỏi về tiềm năng hội nhập dựa trên nền tảng golf, ông Kelvin Wong nhấn mạnh: “Đây là một điểm tốt để bắt đầu. Các nhà kinh doanh, đầu tư đều thích chơi golf, thậm chí họ có thể vừa chơi vừa trao đổi công việc. Tôi có thể thấy các nhà môi giới địa ốc sang Mỹ để đầu tư nhà đất với mục đích xây dựng hay giải trí. Phát triển bất động sản và phát triển sân golf là mối quan hệ tương sinh tương hỗ. Và điều tương tự có thể áp dụng với Việt Nam. Với nền bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang trên đà phát triển của các bạn, việc xây dựng các sân golf, sân tennis hay những loại hình giải trí tượng tự là rất phù hợp với mô hình du lịch đa dạng, trọn gói”.
Có thể thấy, thế giới đã đi trước một bước trong việc kết hợp sân golf vào các khu resort. Khi đặt bên cạnh các bạn bè láng giềng như Singapore, Philippines hay Malaysia, Việt Nam có những lợi thế đắc địa ở khía cạnh đất đồng bằng cũng như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Sẽ thật đáng tiếc nếu không thể tận dụng ưu thế này, đưa đất nước trở thành lựa chọn số 1 khu vực Đông Nam Á cho loại hình du lịch kết hợp chơi golf. Sân chơi nghỉ dưỡng đang vô cùng bão hoà khi tất cả người chơi đều tận dụng hội nhập hoá nhằm đẩy mạnh dịch vụ du lịch. Để có thể vượt lên khỏi đám đông, Việt Nam thật sự cần có một đặc tính du lịch độc đáo, và golf rất có thể là câu trả lời cho bài toán này.