Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Minh Thông cho biết, Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với hơn 2.600 di tích lịch sử, danh thắng; có sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc; tài nguyên thiên nhiên ưu đãi với 82km bờ biển, có khu dự trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới… Tuy nhiên, du lịch Nghệ An chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Năm 2017, Nghệ An đón 5,6 triệu lượt khách thì có đến hơn 2 triệu lượt khách chỉ đến tham quan, chứ không lưu trú. Cùng với đó, khách quốc tế chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng hơn 109.000 lượt khách.
Dịch vụ du lịch cũng là bài toán khó khi hiện nay, du lịch Nghệ An gần như chưa có dịch vụ ban đêm, khách lưu trú qua đêm không có điểm đến giải trí, khiến nguồn thu từ dịch vụ du lịch hạn chế.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tổng thể trình độ phát triển du lịch Nghệ An hiện tại đang ở đẳng cấp thấp, đơn điệu, ít loại hình du lịch đẳng cấp, hấp dẫn; tính “ăn sẵn” trong hoạt động du lịch cao… Tầm nhìn chung của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Nghệ An nói riêng đang có vấn đề, ngay cả khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tìm hướng đi cho golf từ phát triển du lịch
Theo ông Nguyễn Danh Nam, phó phòng quản lý Thể dục Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1 sân golf (18 hố) ở xã Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, do Công ty cổ phần Golf biển Cửa Lò đầu tư hơn 1.527 tỷ đồng, diện tích 133ha. Sân golf Cửa Lò trong những năm qua chỉ khai thác theo mùa vụ, hoạt động vào những tháng mùa hè với số người chơi cũng không nhiều.
Tổng thư ký Hội golf Nghệ An đánh giá, dù có vị trí khá thuận tiện nhưng chất lượng sân golf Cửa Lò còn kém do chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm. “Chúng tôi vẫn luôn mong muốn sẽ có nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể phát triển golf một cách xứng tầm”, Tổng thư ký Hội golf Nghệ An chia sẻ.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020 cần phát triển bền vững theo các hướng sau:
Phát triển bền vững sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ven biển, kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái làng quê, du lịch golf, giải trí,... nhằm tạo sự đa dạng trong hoạt động du lịch; tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn...
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ trong các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách theo đúng chuẩn mực và hệ thống tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Từ đó, để thị trường golf bùng nổ từ phát triển du lịch, dựa trên định hướng phát triển du lịch bền vững hướng tới các thị trường có khả năng chi trả cao, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nghệ An cần tập trung vào các giải pháp:
Thứ nhất, ban hành chính sách cởi mở, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi… nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có thu hút đầu tư nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch golf.
Thứ hai, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch golf để hút khách du lịch trong và ngoài nước, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch.
Thứ ba, tăng cường liên kết giữa các sân golf trong tỉnh với nhau và với các sân golf trong nước để tạo ra các tour du lịch golf chuyên nghiệp…
Thứ ba, tiếp tục đề xuất chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch trong việc nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, nhất là khách du lịch đến từ các quốc gia được coi là các thị trường gửi khách du lịch golf lớn tới Việt Nam.
Thứ tư, phát triển các loại hình du lịch tàu biển, nghỉ dưỡng cao cấp, casino, caravan... kết hợp chơi golf nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, kéo dài được thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch golf. Bên cạnh đó, cần cần thiết phải có một sân bay quốc tế đúng tầm để phát triển du lịch và có thể kết nối đến các thị trường golf trọng điểm.
Nghệ An sẽ còn nhiều việc phải làm để golf du lịch trở thành một thị trường ngách thật sự mạnh mẽ, mang lại doanh thu cao, tăng trưởng với tác động đến du khách, tạo cơ hội việc làm và cơ hội cho các điểm đến.
Đầu năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương quy hoạch đầu tư xây dựng thêm 3 sân golf trong quần thể các dự án của 3 tập đoàn FLC, Vingroup và Mường Thanh. Cụ thể, UBND tỉnh đồng ý cho tập đoàn FLC sẽ triển khai xây dựng sân golf 18 lỗ trên diện tích khoảng 88,6ha; tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng trong Dự án Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Thứ hai là dự án xây dựng sân golf tại khu vực Bàu Sen, thuộc phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò do Tập đoàn Vingroup đầu tư, dự kiến hạng mục sân golf 18 lỗ với diện tích 86ha. Sân golf thứ 3 được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương quy hoạch là sân golf 18 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế với diện tích đất 65ha với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng trong dự án Khu du lịch sinh thái Mường Thanh tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu do Khu sinh thái Mường Thanh - Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn đầu tư. |