Khám phá

Khám phá hồ nước ngọt với dãy núi đá vôi niên đại hơn 450 triệu năm

Khám phá - 06:08, 22/08/2022 G8T+7 - Tùng Dương

Hồ Ba Bể dài 8km, rộng 3km nằm trên độ cao 145m so với mặt nước biển, bao quanh là những dãy núi đá vôi cổ có niên đại hơn 450 triệu năm. Gọi là Ba Bể bởi hồ được tạo thành bởi ba nhánh sông lớn hợp lưu mà thành.

Ngày xưa, mỗi khi xuân về là nhân dân ở vùng Chợ Rã - Bắc Kạn lại mở hội. Theo truyền thuyết vào năm đó, khi dân làng đang vui trong Hội thì xuất hiện một bà lão ăn mày rách rưới, đến từng nhà xin ăn nhưng mọi người đều xua đuổi, suốt cả buổi mà bà không xin được gì ăn. Cuối cùng, bà đến một ngôi nhà ở cuối làng có hai mẹ con nghèo sinh sống, họ mời bà lão vào nhà tiếp đãi tử tế.

Sáng hôm sau, bà lão ăn mày kia mới nói thật mình là Tiên ở trên trời xuống để thử lòng dân làng và báo cho biết hai ngày nữa ở đây sẽ có trận lụt lớn. Bà Lão dặn nếu thấy nước lên thì hai mẹ con hãy chạy lên ngọn núi Năm Mẫu cao phía Tây mà tránh.

Quả nhiên như lời bà lão dặn, nước dâng lên ngập trắng vùng, duy chỉ có hai mẹ con người đàn bà kia sống sót, sau đó họ làm nhà trên đỉnh núi và dân cư ở nơi khác dần kéo về thành một ngôi làng đông đúc. Thung lũng bị ngập nước hóa thành ba cái hồ rộng lớn nên có tên là Hồ Ba Bể từ đó.

Vườn quốc gia Ba Bể rộng 7.611ha, hiện có hơn 3.000 người thuộc các dân tộc Tày, Mông, Dao sống trong 15 thôn bản thuộc vùng lõi của vườn

Từ Chợ Rã, con đường quanh co lượn theo sườn núi đưa chúng tôi đến với Hồ Ba Bể, hai bên đường là làng mạc của bà con dân tộc Tày, những thửa ruộng, nương ngô xanh mướt dưới ánh nắng chiều vàng nhẹ. Qua một đoạn đường rừng đã thấy thấp thoáng bến thuyền phía cuối chân dốc.

Con thuyền du lịch trôi nhè nhẹ trên mặt nước tiến sâu vào lòng hồ, từng làn sương mỏng bốc lên lảng bảng khiến cho khung cảnh nơi đây thêm huyền ảo. Vách đá vây quanh hồ được tô điểm bởi nhiều sắc lá cây rừng thành những mảng màu đỏ, vàng và những chùm hoa phong lan đung đưa trong gió dưới ánh nắng sớm. Những cây cổ thụ mọc cao vút mang trên mình vô số dây leo. Từng đàn khỉ truyền cành đi kiếm ăn cắn nhau chí chóe.

Gần một giờ đồng hồ, thuyền đưa chúng tôi đến động Puông, đây là một động lớn cao vài chục mét nằm trong lòng một quả núi đá vôi thông ra hai đầu. Trong lòng động vô số những nhũ đá với nhiều hình thù như voi, ngựa, đống vàng, đống bạc… Thuyền qua động Puông đến Ao Tiên, đây là một hồ nhỏ nằm trên đỉnh núi cao hơn mặt hồ vài chục mét, nơi đây có những phiến đá tự nhiên to và phẳng một cách kỳ lạ.

Tương truyền xưa kia nơi đây các nàng Tiên trên trời xuống vui đùa vào những đêm trăng sáng. Trên mặt hồ, thỉnh thoảng lại thấy cảnh những cô gái Tày trong tấm áo chàm xanh nhẹ tay khua mái chèo trên con thuyền độc mộc, một đặc trưng của đồng bào nơi đây. Thuyền được đẽo từ một cây gỗ dài, hẹp và chỉ đủ chỗ cho một người ngồi đi lại trên hồ.

Bản Pác Ngòi, Pó Lù nằm ngay bên bờ hồ là nơi sinh sống của đồng bào Tày. Bà con ở hai bản này sinh sống bằng nghề chài lưới trên hồ và làm du lịch. Ngồi bên bếp lửa nhà sàn, thưởng thức bữa tối với những món cá hồ nướng than củi chấm muối tiêu, canh rau rừng ngọt mát, nhấm nháp chút rượu được cất bằng men lá trong tiết trời se lạnh giữa bốn bề núi rừng khiến cho tôi như đang lạc vào một thế giới khác. Thanh bình và yên tĩnh, chỉ có tiếng của dòng thác Đầu Đẳng đang tuôn trào nơi cuối bản.

Hồ ở độ cao khoảng 145m so với mặt nước biển

Hồ Ba Bể được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Cambri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m² và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.

Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là 1 trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký "Quyết định số 1419/QĐ-TTG" xếp hạng Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bản Pác Ngòi, Pó Lù nằm ngay bên bờ hồ là nơi sinh sống của đồng bào Tày. Bà con ở hai bản này sinh sống bằng nghề chài lưới trên hồ và làm du lịch
Khách du lịch bơi thuyền trên Hồ Ba Bể
Sương sớm trên Hồ Ba Bể
Những hòn núi đá nhỏ nổi trên mặt Hồ Ba Bể
Người dân mưu sinh trên hồ
Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới
Thuyền đưa du khách đi thăm Hồ Ba Bể
Rừng mọc trên vách đá Hồ Ba Bể
Bạn có thể nghỉ trọ tại các nhà sàn người Tày tại Pác Ngòi, Pó Lù với giá 100 nghìn đồng/người
Những vách đá với nhiều hình lạ mắt
Dòng thác Đầu Đẳng đang tuôn trào nơi cuối bản Pác Ngòi
Cửa vào động Puông, đây là một động lớn cao vài chục mét nằm trong lòng một quả núi đá vôi thông ra hai đầu
Người dân trong bản giao thông đi lại đều bằng thuyền
Ao Tiên. Xung quanh hồ là quần thể du lịch Ao Tiên, đảo Bà Góa, động Puông, thác Đầu Đẳng...
Đảo Bà Góa nổi tiếng trên Hồ Ba Bể
Hoàng hôn dát vàng trên mặt Hồ Ba Bể
Bản Pác Ngòi nơi có thác Đầu Đẳng
Khách du lịch ăn cơm tại bản Pác Ngòi với các món cá đánh bắt từ Hồ Ba Bể
Chợ ở Hồ Ba Bể là nơi bà con người dân tộc mua bán các sản phẩm địa phương
Các sản vật địa phương

 

Bạn đang đọc bài viết Khám phá hồ nước ngọt với dãy núi đá vôi niên đại hơn 450 triệu năm tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục