Về cơ bản, kiến trúc xanh là khái niệm xoay quanh việc sử dụng nhân tố môi trường – khí hậu – cảnh quan vào trong xây dựng và tối ưu hoá nguồn tài nguyên sẵn có qua thiết kế kiến trúc và bài bố nội thất. Kiến trúc xanh sẽ giúp các nhà đầu tư và chủ sở hữu bất động sản trong nhiều mặt bao gồm tăng cường hiệu quả và sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước sạch, giảm thiểu rác thải, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và vận hành. Từ đó mang lại lợi ích lâu dài cả về môi trường lẫn kinh tế, một nước đi không thể từ chối cho các doanh nghiệp.
Kiến trúc xanh tập trung vận hành 5 tiêu chí chính đó là vị trí, năng lượng, kiến trúc, chất lượng và xã hội.
Khi lựa chọn địa điểm đặt móng cho một công trình du lịch, nghỉ dưỡng, chủ sở hữu nên để tâm đến môi trường xung quanh, đảm bảo rằng sau khi hoàn thiện, công trình sẽ không mang lại tác động xấu đến hệ sinh thái của khu vực. Sự hài hoà về cảnh quan cũng như con người đem đến một cảm giác gần gũi, thư giãn và sẽ được đón nhận tích cực hơn bởi cả người địa phương và khách du lịch.
Trong quá trình triển khai thi công, nên thiết lập một hệ thống quản lý và giám sát ô nhiễm rác thải, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Cùng với đó là các biện pháp phòng ngừa, xử lý thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau khi hoàn thành, các doanh nghiệp cần có những động thái phục hồi cảnh quan sinh thái như cấu tạo cây xanh, nguồn nước, vi sinh vật, và cải thiện khí hậu. Sử dụng công nghệ để bảo toàn thiên nhiên và nâng cao giá trị chung của toàn khu vực. Điều quan trọng là phải tập trung vào việc phát huy các yếu tố tự nhiên sẵn có thay vì sử dụng nguồn cung nhân tạo, từ đó tăng cường khả năng phát triển vững bền tương lai.
Đúng với cái tên của nó, mục tiêu của tiêu chí thứ 2 là tối đa hoá năng lượng thiên nhiên. Bằng việc khai thác và sử dụng thông minh tài nguyên đất, nước, ánh sáng tự nhiên, và không khí gió, một loạt các tác nhân tiêu cực đến môi trường sẽ bị hạn chế như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, và hiệu ứng nhà kính. Nên hoạch định phương án triển khai cụ thể nhằm tiết kiệm và tăng cường sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Cùng với đó là sự áp dụng hợp lý công nghệ từ khâu thiết kế cho đến thi công để giảm thiểu chi phí, tiêu hao năng lượng. Kiến trúc xanh chính là sự giao thoa hài hoà giữa thiên nhiên và công nghệ, tự nhiên và nhân tạo, tương sinh cộng sinh.
Chủ sở hữu loại hình bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cùng lúc hưởng lợi trực tiếp từ việc tiết kiệm, gián tiếp từ hệ quả môi trường tích cực, và xa hơn nữa là mang lại cảm giác gần gũi thiên nhiên cho khách hàng du lịch.
Như đã viết, kiến trúc xanh chính là sự kết tinh hoàn hảo của tự nhiên và nhân tạo. Khi kết hợp các giá trị truyền thống với kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm mà ta nhận được là một mối quan hệ bội tăng. Điển hình trong việc dung hợp thông minh này là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, một trong những người đi đầu phong trào và đã đạt giải thưởng kiến trúc xanh 2018 với tác phẩm nhà vòm Sơn La Dome.
Những công trình bất động sản nghỉ dưỡng thường có quy mô lớn, vì vậy nên việc áp dụng công nghệ xanh vào thiết kế và thi công sẽ dễ dàng và mang lại hiệu quả rõ rệt hơn rất nhiều so với chung cư hay nhà ở tư nhân. Không những thế, nó còn đem lại một vẻ đẹp mỹ thuật cũ mà lạ, quen mà mới cực kì kích thích trí tò mò của khách du lịch. Phối hợp thành công bảo tồn và kế thừa đặc trưng truyền thống với kiến trúc đương đại sẽ giúp hướng cộng đồng tới việc trân trọng các giá trị văn hoá và làm tăng thêm tình yêu thiên nhiên cho cả những trái tim khô cằn nhất.
Kiến trúc xanh không chỉ đem đến ảnh hưởng tuyệt vời cho môi trường ngoại vi mà còn tạo ra hiệu ứng thanh lọc cho không khí bên trong công trình. Những nguồn năng lượng tự nhiên cần được nghiên cứu kĩ lưỡng để đưa ra các giải pháp nhằm tận dụng triệt để những lợi ích chúng mang lại. Một vài phương án bài trí nội thất có thể kể đến như hướng cửa sổ, cửa thông gió tự nhiên, tiểu cảnh; phương thức bố cục không gian như hình vòm, sử dụng sự phản chiếu ánh sáng, giếng trời.
Những điều chỉnh này nên đặt yêu cầu về sức khoẻ và tiện nghi cuộc sống con người làm trọng tâm, phục vụ nhu cầu sinh hoạt khoẻ mạnh cho cư dân của công trình xanh.
Khi xây dựng công trình xanh, các nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu cần đáp ứng cả chứng nhận xây dựng và chỉ tiêu xã hội. Sự phát triển này cần được hoạch định dài hạn trên con đường gìn giữ và nuôi dưỡng môi trường bằng việc đạt được các chứng chỉ quốc tế, đồng thời bảo tồn các truyền thống văn hoá, nhân văn của khu vực sở tại.
Hiện nay, trên thế giới có 3 phương pháp đánh giá công trình xanh chính đó là BREEAM của Tổ chức Nghiên cứu Xây dựng Anh Quốc, Thách thức Kiến trúc xanh GBC do Bộ Tài Nguyên Thiên nhiên Canada, và LEED đề ra bởi Uỷ ban Kiến trúc xanh Hoa kỳ. Những thước đo này làm cho khái niệm “công trình xanh” trở nên rõ ràng hơn đối với các kiến trúc sư – những người chịu trách nhiệm thiết kế chính cho công trình của mình.
Cùng lúc đó, các giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng cộng đồng và cả những nhu cầu vật chất cá nhân cũng cần được tôn trọng và bảo vệ. Sự hài hoà cũ mới, cá nhân và toàn thể, phát triển và môi trường là yếu tố quan trọng nhất của phát triển bền vững, nguồn gốc cho những sáng kiến thời đại và tiêu biểu trong đó chính là “kiến trúc xanh”.