Ngày nhỏ đi học tôi ấn tượng mãi về cái sự “rừng vàng biển bạc” có trong sách giáo khoa và được thày cô giảng giải kỹ lưỡng để nói về sự giàu có của nước Việt. Lớn lên có chiến tranh, vào bộ đội sống trong rừng, hiển nhiên tôi hiểu thế nào là rừng vàng. Một dịp khác tôi sẽ viết về rừng, còn hôm nay xin được chạm chút ít đến biển.
Biển trong tâm khảm của tôi là tất cả những gì tươi đẹp nhất của dải đất hình chữ S. Đời tôi không ít lần đi dọc dài ven biển. Từ cửa Bắc Luân (Móng Cái) kéo đến biển Đất Mũi (Cà Mau) vòng sang Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang) là trọn vẹn cung đường bờ biển. Với đường bờ biển dài 3260km, các đảo và chừng 1.000.000 km2 diện tích biển tính từ các vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là vùng diện tích biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Trong đời người dân Việt, có lẽ chỉ số ít người vùng cao, vùng sâu, vùng xa là chưa có cơ duyên đặt chân đến biển còn thì ai cũng không chỉ một lần được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên thần của biển. Mùa nóng nực còn gì vui sướng hơn được vùng vẫy trong làn nước trong xanh mát lạnh với những ngọn sóng trùng trùng lớp lớp. Những ai từng được đi tàu ra đảo hẳn sẽ ngợp trong mênh mang sóng nước và thấy mình thật bé nhỏ trước trùng khơi bao la.
Nhưng cái sự bạc vàng của biển hiểu theo nghĩa thông dụng có lẽ lại nằm trong lòng đại dương. Cũng cái ngày thơ dại ban đầu ấy của tuổi thơ, tôi đã thuộc nằm lòng câu “chim, thu, nụ, đé” là những loài cá ngon đặc trưng của biển. Nói đến biển là nói đến những sản vật muôn đời đại dương dành cho con người. Nguồn thủy sản vô tận là cảm hứng về ẩm thực, là những lợi ích kinh tế to lớn và thiết thực. Trong bữa cơm của người Việt không thể thiếu được vị của biển. Nước mắm, tôm, cá, cua, mực, sò, ốc... nhiều lắm. Tôi dám khẳng định rằng không có một người dân Việt nào kể cả những người chưa một lần thấy biển lại không được hưởng đặc ân từ những sản vật biển ban tặng.
Biển của ngày hôm nay còn là những gì chúng ta khai thác để mang về những giá trị kinh tế. Nhiều và lớn lắm. Nào là dầu, là khí, là những đặc khu kinh tế biển hiện đại, là những công trình đồ sộ, những vùng dân cư biển trù phú. Đó còn là những bãi biển lừng danh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tôi có dịp đi đến những vùng biển quốc tế, nhưng thú thật không đâu đẹp bằng biển của đất nước mình. Liệu có nơi nào sánh được biển của Vịnh Hạ Long thắng cảnh thế giới và những vùng biển nổi tiếng khác. Không phải là sự tự tôn dân tộc mà thật sự biển chỉ tính dọc theo chiều dài bãi bờ đã là những gì tinh túy nhất của thiên nhiên của tạo hóa dành cho nước Việt.
Mấy năm gần đây, tình yêu biển với riêng tôi càng tăng khi tôi thực hiện trọn vẹn mấy cuộc xuyên Việt biển bằng những phương tiện khác nhau. Tôi đã sững sờ, đã ngây ngất trước những dốc núi quanh co ven biển miền Trung. Từ một đỉnh núi cao phóng tầm mắt ra trời mây, biển nước thấy rưng rưng về vẻ đẹp diệu kỳ huyền bí của biển. Những địa danh Trà Nóc, Vân Đồn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cửa Đại, Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Né, Long Hải, Cần Giờ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc... đã trở nên thân thương và là ký ức khó có thể quên trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Tôi cũng đã không ít lần đến những cảng biển cho dù chỉ là của một thôn, một xã, một vùng biển. Những đoàn tàu ăm ắp thủy sản cập bờ. Sự nhộn nhịp ấm no của biển đãi đằng dâng trào xúc cảm.
Biển là thế. ‘’Rừng vàng, biển bạc’’ chỉ là một cách nói thuần túy về sự giầu đẹp. Thực tế đó là những thế mạnh biển cả mang lại không thể đong đếm. Nhưng ngoài thụ hưởng, chúng ta đã đối xử với biển thế nào? Chưa bàn đến chủ quyền ở những vùng biển đảo bị ngoại xâm nhòm ngó, xâm chiếm. Nội chỉ chuyện làm biển đau ở một vài tổ hợp kinh tế như thép, nhiệt điện... bằng xả thải độc đã là câu chuyện thật buồn.
Tháng 7/2016 tôi có chuyến độc hành đạp xe xuyên Việt. Vào đúng lúc xảy chuyện chôn lấp chất thải của Formosa ở Kỳ Anh. Trước đó bằng sự xả thải ra biển, Formosa đã bức tử một dải biển bắc miền Trung. Cá chết, biển nhiễm độc, ngư dân điêu đứng, du lịch đóng cửa. Tôi đã chứng kiến sự hoang tàn của những vùng biển mà trước đó là những nơi sầm uất tên tuổi. Lúc đạp xe dọc biển Nhật Lệ, nhìn suốt cả chiều dài mấy cây số những khách sạn, biệt thự, nhà nghỉ ngơ ngác, vắng hoe và bãi tắm không một bóng người dù đang mùa hè, tim tôi đã quặn thắt nỗi đau biển chết. Chưa hết, vết thương Formosa còn tươi ròng, mới nguyên người ta đã lại định biến biển Cà Ná đẹp như mơ thành một đại công trường thép. Thép cần nhưng cá cần hơn. Tôi cùng nhiều đồng nghiệp văn chương, báo chí đã lên tiếng để bảo vệ biển. Còn may áp lực của dư luận đã khiến những người định làm thép Cà Ná phải chùn tay, dừng bước. Đâu đó dọc theo bờ biển, có không ít những nhà máy nhiệt điện và những công trình công nghiệp, mà nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì đây cũng là những tác nhân làm đau biển. Vẫn biết khai thác tiềm năng biển để xây dựng phát triển đất nước bằng công nghiệp là việc phải làm, nhưng để đánh đổi lợi ích bằng cách như Formosa đã làm thì đó thực sự là tội ác.
Đi biển nhiều, nhìn những vùng biển đẹp bị cát cứ, chia chác không theo một quy hoạch đồng bộ nào, tôi thấy tiếc vô cùng. Có đất nước nào được biển ưu đãi như đất nước chúng ta. Chỉ cần có một chiến lược nhất quán, ưu tiên cho du lịch biển đã là nguồn lợi khổng lồ. Tôi tin dù muộn nhưng hướng phát triển đô thị du lịch biển sẽ được những nhà hoạch định chính sách nhìn ra và thực thi trong một tương lai gần.
Thật tự hào về biển Việt giàu có và đẹp đẽ. Yêu biển, bảo vệ biển, giữ biển đẹp, biển yên, biển trong lành để không hổ thẹn với cha ông về những di sản quý báu tiền nhân để lại. Biển bạc, đúng thế, yêu biển xiết bao....