Lâu nay, người ta biết hồ Ba Bể phần nhiều là qua những câu chuyện cổ tích hoặc qua những bài tập đọc được học ở trong sách giáo khoa. Ai có điều kiện hơn thì có thể phượt vài chuyến lên trên đó. Ca dao có những câu ca ngợi hồ Ba Bể: “Bắc Kạn có suối đãi vàng/Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh” hoặc: “Ai lên Ba Bể mà xem/Động Puông Ba Bể, nơi tiên chơi cờ/Sông Năng nước chảy lững lờ/Đầu Đẳng thác trắng, đôi bờ cây xanh”.
Hồ Ba Bể là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và thế giới.
Hồ Ba Bể nổi tiếng vì nhiều lẽ. Nơi đây, phong cảnh rất hùng vĩ, thơ mộng… Trên đỉnh dãy núi đá cao chon von lại có một hồ nước rộng mênh mông. Hồ có chiều dài gần 11km, chiều rộng hơn 1km. Hồ sâu và phẳng lặng, mặt hồ trông giống như hình ảnh một con ngựa quỳ… Hồ gồm có ba cái bể rộng nối liền nhau, cùng thông với nhau nên người ta gọi là Ba Bể. Ba cái bể đó nguyên văn tiếng Tày là: Pé Lù, Pé Lầm, Pé Lèng. Sau này người ta đánh số, gọi là: Bể Một, Bể Hai, Bể Ba. Ở giữa hồ Ba Bể có các hòn đảo, đầy hoa phong lan, gắn liền với sự tích hồ Ba Bể, đó là đảo An Mạ (Yên Ngựa), đảo Pò Dả Mải (Bà Góa). Trên đảo Pò Dả Mải có tấm bia đá, khắc bài văn bia “Tam hải hồ sơn chí”… Phía trước đảo Pò Dả Mải là vách Đán Đeng (Núi Đỏ) cao vút chạm vào mây. Dưới chân vách Núi Đỏ là chỗ nước sâu nhất của hồ Ba Bể, độ sâu khoảng 45 mét.
Ở Ba Bể, từng ngọn núi, gốc cây, từng tảng đá, hòn cuội… cũng đều gắn với một sự tích rất ly kỳ. Mỗi loài cá tôm, mỗi loại ba ba hay rùa, giải, phượng hoàng đất cũng vậy. Đến Ba Bể ta sẽ cảm nhận được một thế giới như là chỉ có thần linh với mây trời. Trời ở đây rất thấp, đưa tay ra là chạm vào mây… Từ trái bưởi, hạt ngô, hạt gạo cũng như muôn vật ở đây đều gắn liền với thần linh và những điều kỳ ảo.
Có thể nói, thế giới ở hồ Ba Bể là thế giới duy linh! Xung quanh khu vực hồ Ba Bể, thuở xưa còn có ba hồ nữa, nay đã bị bồi lấp. Nguyên do là việc phát nương làm rẫy, đất đá trên núi bị mưa lũ xói mòn cuộn chảy đem xuống hồ. Đó là các hồ Pé Nản (Bể Nạn), Pé Vài (Bể Trâu) thuộc xã Khang Ninh và Pé Tàu (Bể Tàu) thuộc xã Cao Thượng, nay chỉ còn lại dấu tích là những bãi bồi để trồng lúa ngô…
Thông thường như các hồ nước ở những nơi khác là sông chảy vào hồ. Nhưng với hồ Ba Bể thì ngược lại, hồ chảy ra sông. Hồ Ba Bể chỉ tiếp nhận nước từ các con suối nhỏ nằm trong lưu vực đổ vào hồ… Về mùa mưa, các con sông ở xung quanh hồ Ba Bể dù lũ có to đến đâu thì hồ Ba Bể vẫn giữ nguyên mực nước. Có thể nói, hồ Ba Bể chính là một trung tâm của tự nhiên điều hòa mực nước của các con sông. Đến hồ Ba Bể, ta sẽ thấy ở đây bốn mùa nước biếc non xanh. Nước hồ Ba Bể xanh ngắt và trong văn vắt như nước mắt nàng tiên…
Tôi còn nhớ một lần, khi tôi đưa các học viên lớp bồi dưỡng của Trường viết văn Nguyễn Du về thăm quan hồ Ba Bể, mọi người cùng thốt lên đầy vẻ kinh ngạc: “Trời ơi, sao mà nước ở đây sạch và xanh trong đến thế”. Mọi người hôm ấy đều cùng lấy hai bàn tay vốc nước lên uống ừng ực và tấp vào mặt… Nhà thơ quá cố dân tộc Tày rất nổi tiếng là Nông Minh Châu đã từng viết về hồ Ba Bể: “Bầu trời xanh một, nước xanh hai / Chim phượng bay đôi, núi này ngọn khác”. Bay là là trên mặt nước hồ Ba Bể là những đàn phượng hoàng đất rất đẹp. Có lẽ, chỉ hồ Ba Bể mới có loài chim này. Nó cũng giống như những bầy chim sâm cầm mỗi khi người ta nói đến hồ Tây.
Có một lần tôi và nhà văn Tạ Duy Anh lên thăm hồ Ba Bể, may mắn được chuyện trò với một du khách người nước ngoài, hỏi ra thì ông ta là đại sứ của Bỉ tại Việt Nam. Ông ấy đã đến Ba Bể lần ấy là lần thứ 38, nhưng ông vẫn còn muốn được đến nhiều lần nữa. Theo ông đại sứ Bỉ thì là vì hồ Ba Bể quá đẹp và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ không nơi nào có được…
Tại một hội nghị ở Mỹ từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, hồ Ba Bể đã được xếp hạng là một trong hai mươi hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới và rất cần được bảo vệ.
Hiện nay hồ Ba Bể đã được công nhận là vùng ramsa của thế giới, là di sản của ASEAN, là danh thắng đặc biệt của quốc gia… Từ xa xưa hồ Ba Bể đã theo các câu chuyện cổ tích đi vào tâm thức của người Việt. Ngày nay, tiếng tăm của hồ Ba Bể càng được nhiều người trên thế giới biết đến. Hàng năm du khách đến thăm quan hồ Ba Bể rất đông, chủ yếu từ các nước phương Tây.
Hồ Ba Bể đẹp và nổi tiếng như vậy, nhưng đã được đầu tư xây dựng thành nơi đáng đến hay chưa? Thưa rằng, trên thực tế, hồ Ba Bể vẫn chưa được đầu tư để trở thành điểm du lịch quan trọng của tỉnh Bắc Kạn và của quốc gia.
Tôi còn nhớ vào năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, lúc đó tôi là cậu học trò cấp ba, được đi đón Tổng bí thư Lê Duẩn lên thăm. Phát biểu trong lễ mít tinh, Tổng bí thư Lê Duẩn nói, Trung ương sẽ xây dựng Ba Bể thành điểm du lịch quan trọng của quốc gia và sẽ xây dựng thị trấn Chợ Rã, trung tâm của huyện, thành thị trấn du lịch. Tôi còn nhớ mãi việc ông nhấn mạnh: Dứt khoát phải có nơi cho máy bay cất cánh. Sau đó, tôi thấy người ta đã san núi bạt đồi xuống thành một bãi rộng để làm sân bay… Nhưng cái thị trấn du lịch, đến bây giờ, vẫn chưa hiện ra. Cũng không có một dự án lớn nào được xây dựng. Thật đáng tiếc…
Hòn ngọc Ba Bể là thắng cảnh hùng vĩ nên thơ, cũng là một tài nguyên lớn. Tại sao, đã rất nhiều năm, ta lại bỏ quên một nguồn tài nguyên lớn như vậy.
Nếu hồ Ba Bể được đầu tư xứng đáng và xây dựng thành điểm du lịch danh tiếng thì chắc chắn nó sẽ đem lại nguồn lợi rất lớn cho cả nước. Đầu tư vào hồ Ba Bể chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Trước mắt là đầu tư làm đường giao thông trên bộ, đường thủy phi cơ, xây dựng các điểm vui chơi du lịch, đầu tư các phương tiện phục vụ du lịch, xây dựng văn hóa du lịch…
Đầu tư xây dựng, kết hợp với bảo vệ tốt thì chắc chắn hồ Ba Bể sẽ đem lại nguồn lợi vô tận cho đất nước mãi mãi về sau. Hồ Ba Bể không chỉ nổi tiếng là hồ nước rất đẹp, mà toàn bộ khu vực rừng núi bao quanh hồ, từ hàng chục năm nay, đã được xây dựng thành Vườn quốc gia Ba Bể…
Mùa xuân mới này, là một người con của dân tộc Tày, được sinh ra trên rừng núi vùng hồ Ba Bể, tôi xin chia sẻ lời mời gọi từ hồ Ba Bể, gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước: Hãy đến với hồ Ba Bể!
Chúng ta cùng thành công!