Khám phá

Lênh đênh “hồ trên núi”

Khám phá - 23:30, 13/08/2018 G8T+7 - Theo Thuỳ Linh/Báo đầu tư

Những khung hình tuyệt đẹp trong bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu” cùng những câu thơ bay bổng “Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba Bể/Trên cả mây trời trên núi xanh” của nhà thơ Hoàng Trung đã thôi thúc tôi tìm đến Ba Bể vào một ngày cuối tháng Tư nắng vàng rộn rã.

Ba Bể nhỏ, xinh và rất tình

Ba nhánh sông Pé Lù, Pé Lầm, Pé Lèng cùng tụ lại ở một điểm thuộc xã Nam Mẫu (Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) tạo nên hồ Slam Pé mà người Việt hay gọi là hồ Ba Bể. Nơi đây tụ hội đủ núi rừng sông suối, khí hậu trong lành mát mẻ, cảnh sắc mây trời hòa quyện nhịp nhàng không chỉ được xếp vào Top 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, mà còn được công nhận là vườn di sản ASEAN (2004).

Lên miền ngược khung cảnh bao giờ cũng tươi sáng, trong lành hơn phố thị. Những đồi chè, đồi ngô, đồi khoai sắn xanh mơn mởn. Những rừng cọ, rừng tre, guồng nước thong thả bên cối giã ven bờ. Những thửa ruộng bậc thang trải dài hút tầm mắt như công trình kỳ vĩ của vị kiến trúc sư tài ba nào đó… cứ thế vụt qua tầm mắt. Tất cả đều đẹp như tranh vẽ và hút ánh nhìn. Tôi không khỏi tò mò, cứ thò cổ ra ngoài cửa xe mà ngắm, mà nhìn no nê khung cảnh xanh mượt miền đồng rừng.

Sau 5 giờ ngồi xe thấm mệt, vào đúng lúc tôi muốn dừng lại nghỉ ngơi chút ít, thì hồ Ba Bể hiện ra trong màu xanh như ngọc lục bảo. Núi rừng dang tay một vòng ôm trọn trời đất gói lại vào bọc, tạo nên vùng hồ tách biệt với thế giới ngoài kia. Quanh hồ khung cảnh khá hoang sơ. Đếm đi đếm lại chỉ thấy vài chục nóc nhà mái ngói đã ngả màu đen lẫn vào màu xanh cây cỏ. Đa phần đều được sử dụng để làm homestay phục vụ khách du lịch.

Được một người bạn giới thiệu, tôi tìm đến Mr Linh’s homestay. Từ xa, homestay trông giản dị, gần gũi mà đậm chất văn hóa bản địa. Cơ sở vật chất ở mức ổn, sạch sẽ, tiện nghi cũng khá đầy đủ. Điểm trừ duy nhất là nhà vệ sinh phải dùng chung.

Một vài câu chuyện làm quà với gia chủ tên Linh, tôi thấy chàng trai trẻ này có nhiều trăn trở về cách làm du lịch của địa phương mình. Linh cho biết, việc làm du lịch tự phát đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và làng bản cổ xưa.

Nhiều nhà còn để chuồng trâu, chuồng lợn ngay gần khu nhà nghỉ. Rác thải, nước sinh hoạt, tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi… rất dễ gây tổn thương cho môi trường sinh thái xung quanh. Chưa kể, xuồng máy chở khách tham quan dùng động cơ diesel gây tiếng ồn quá lớn, làm mất đi vẻ tĩnh lặng của hồ nước, thảnh thơi tham quan của du khách. Cứ tiếp tục như vậy, hồ Ba Bể sẽ không thể tồn tại mô hình du lịch bền vững được.

Nhưng sự thay đổi nào cũng cần thời gian, cần công sức của một tập thể. Bản thân Linh thấy rằng, mình nên bắt đầu từ việc xây dựng homestay của mình thành mô hình điển hình, đáng học hỏi trước đã.

Mải đứng nói chuyện với cậu chủ thú vị này, tôi quên mất bữa trưa đã qua từ lâu, chỉ còn mì tôm là lựa chọn duy nhất. Ăn xong, tôi mượn một chiếc xe máy làm vài vòng quanh bản làng. Đường ở Ba Bể khá đẹp, nhiều dốc quanh co, nhiều cây rừng to lạ, đẹp mắt. Cảnh chiều ở bản bình yên và thanh cảnh. Khi thì trâu đằm nước, lúc thì thấy trẻ con leo trèo lên các cành cây rồi nhảy ùm xuống sông tắm. Rồi cả hình ảnh vài người đàn ông đang vác cuốc đi trên những con đường mòn quanh co để về nhà sau 1 ngày đồng áng.

Tuy nhiên, khi đi được 3 vòng quanh bản làng thì xe hết xăng, vì vậy, tôi phải quay về nhà nghỉ. Trước khi ra ngoài, tôi đã cẩn thận nhờ chủ nhà đặt vài món đặc sản địa phương cho bữa tối. Mâm cơm giản dị bưng lên gồm cá hồ nướng, rau dớn xào thịt bò, tôm chua, thịt chân giò luộc… Dịch vụ ăn uống ở Ba Bể còn nhiều hạn chế, vì đồ ăn phải phụ thuộc vào đồ mua được ở chợ, nên có những món như vậy đã là thịnh soạn rồi.

Chủ nhà giới thiệu cá hồ nướng là món ăn không thể không thử của mỗi du khách khi tới đây. Hồ Ba Bể là nơi trú ngụ của khoảng 50 loài cá nước ngọt, trong đó có những loài cá rất quý hiếm như cá cóc Ba Bể, cá anh vũ, cá chiên… Các loại cá này đánh bắt tự nhiên, kích thước không lớn, nhưng hương vị lại thơm nồng hấp dẫn, có thể ăn cả thịt, xương lẫn đầu.

Món tôm chua ăn kèm với thịt luộc cũng rất đưa cơm. Tôm này do người dân bắt tươi ở hồ, ăn không hết đem muối vào lọ dự trữ. Loại tôm chua này tôi từng thưởng thức ở Đà Nẵng, nhưng hương vị khác biệt hoàn toàn so với ở đây. Có lẽ là nhờ chén rượu ngô cay nồng lẫn vào vị chua ngọt của thịt tôm tạo nên cảm giác lâng lâng, ngọt ngào mà êm ái.

Cơm no rượu say, nằm xuống chiếc đệm trắng phau thơm mùi lúa mới từ bản làng thổi vào, tôi ngủ đến quên cả đất trời.

Buổi sáng thức giấc đã gần 7 giờ sáng. Ngoài kia, Ba Bể nhẹ nhàng, tinh khôi như chốn bồng lai với màn sương mỏng tanh bao phủ cả mặt hồ kỳ ảo. Khoảnh khắc ấy thật chẳng dễ gì quên được, mà phôi pha trong tâm trí những ai đã từng lênh đênh trên viên ngọc quý Ba Bể giữa núi rừng Đông Bắc này.

Nơi thiên nhiên và huyền thoại hòa cùng một dòng chảy

Lịch trình ngày thứ hai của tôi đương nhiên toàn các hoạt động thăm quan khám phá Ba Bể. Nhờ có anh chủ nhà nhiệt tình, hiếu khách, mà chúng tôi thuê được một chiếc xuồng máy giá rẻ với người lái thuyền kiêm hướng dẫn viên du lịch là người bản địa “xịn”.

Hành trình khám phá Ba Bể bắt đầu từ bến tàu Buốc Lốm. Con thuyền nhẹ lướt trên mặt hồ xanh phẳng lặng. Giờ mới thấy, thiên nhiên quả là có bàn tay kiến tạo tài tình. Dù nằm trên núi giữa lưng chừng đất trời lại có nhiều hang động và kẽ nứt thoát nước khổng lồ xung quanh, nhưng Ba Bể vẫn cứ tồn tại hàng triệu năm như một sự nhiệm màu.

Đến ngã ba sông Năng, tôi tận mắt được thấy hai nhánh sông với hai màu khác biệt hòa vào nhau. Màu xanh biếc và màu đỏ nặng phù xa. Anh lái thuyền cho biết, dù sông Tà Hán và Chợ Lên có đổ nước đục vào, thì Ba Bể vẫn trong xanh soi được cả bóng cây suốt 4 mùa. Cứ như nước đã được lọc ngay từ cửa sông vậy. Thế nên, hồ này mới được mệnh danh là “Thiên nhiên đệ nhất hồ”.

Qua ngã ba, sông Năng trôi lặng lẽ. Lòng hồ thắt lại rồi mở ra một vùng mênh mông. Càng đi vào sâu hồ Ba Bể càng đẹp và hút hồn. Cũng núi, cũng cây, nhưng có nơi trông giống vịnh Hạ Long nhấp nhô sóng, có nơi lại thoáng ánh vàng lay mặt nước hồ Tây, hay rủ bóng liễu hồ Gươm.

Hai bên bờ có khi là những lớp rừng nguyên sinh, những ngọn núi đá vôi ẩn trong mây phủ. Có khi là đồng cỏ xanh chạy theo vách núi làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đám trâu bò. Có khi là vài nếp nhà sàn nương mình dưới tán cổ thụ dùng dằng buông rễ, thấp thoáng bóng áo chàm xanh của cô gái Tày. Thỉnh thoảng lại thấy một cánh cò trắng nơi góc đảo xanh, lọ mọ kiếm ăn. Cảnh quan vừa quen vừa lạ, gợi bao cảm xúc thi vị.

Qua mỗi khung cảnh, anh lái thuyền lại kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện huyền thoại. Khi thì là câu chuyện về một con quái vật giận dữ đã quất chiếc đuôi khổng lồ xuống đất đứt thành ba khúc, tạo nên ba hồ nước liền nhau. Khi thì là chuyện về một người phụ nữ góa nghèo khó, nhưng giàu lòng nhân hậu đã cưu mang bà lão bệnh tật chính là rắn thần giả dạng đến báo tin lũ lụt. Hai mẹ con theo lời nên thoát trận đại hồng thủy, còn dùng thuyền vỏ trấu cứu giúp mọi người. Câu chuyện cổ tích nào tôi nghe cũng thật đẹp!

Trôi nổi một hồi, con thuyền rẽ nước ghé vào động Puông nổi tiếng với vòm hang đá vôi ngày đêm nhỏ những giọt “mồ hôi”, rả rích qua thời gian tạo thành thạch nhũ. Đúng là “nước chảy đá mòn”. Dòng sông Năng hiền hòa như thế mà xuyên cả đá núi nghìn tuổi oai hùng để mở đường cho dòng nước tiếp tục xuôi chiều tìm về Ba Bể.

Khi thuyền xuôi nhẹ vào động, tiếng gió va đập vào vách đá tạo nên những âm thanh như tiếng đàn đá lẫn vào tiếng đàn dơi đang ríu rít gọi bầy. Ánh sáng từ bên ngoài len vào cửa hang, chiếu rọi vào những cột nhũ lô nhô muôn hình tạo nên sắc thái vô cùng sống động.

Ngoài động Puông, Ba Bể còn có rất nhiều hang động nổi tiếng như động Hua Mạ, động Nàng Tiên…, hay các địa danh như như điểm du lịch Kim Hỷ, suối Thác Giềng, Ao Tiên với truyền thuyết nàng tiên xuống tắm, thác Đẩu Đẳng với sự kiến tạo đầy ngẫu hứng của tự nhiên…

Hai ngày lênh đênh ở “hồ trên núi”, cảnh sắc “trên cả mây trời trên núi xanh” của Ba Bể khiến tôi chợt nghĩ đến ý thơ: “Khi Ba Bể ngủ, hồ Đại Lải thức. Giữa thế kỷ này ta đổi canh nhau” của nhà thơ Hải Bằng. Điều này có thể lắm chứ!

Bạn đang đọc bài viết Lênh đênh “hồ trên núi” tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục