Ngôi sao đang lên
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 vừa được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 67/136 lên 63/140.
Như vậy so với các nước ASEAN khác, Việt Nam đã tăng trưởng cao nhất trong khi hàng loạt “gã khổng lồ” trong ngành du lịch chứng kiến sự tụt hạng: Singapore đã giảm 4 bậc, Malaysia giảm 3 bậc so với năm 2017.
Đây cũng là thành tích nối dài chuỗi dấu ấn mà du lịch Việt Nam liên tiếp tạo ra trong thời gian qua như xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất hay giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” 2018 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới WTA trao tặng.
Phân tích cụ thể hơn, Báo cáo của WEF chỉ ra tốc độ bứt phá của Việt Nam đến từ sự cải thiện của độ mở quốc tế (tăng 15 bậc), trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số yêu cầu visa (tăng 63 bậc). Khả năng cạnh tranh về giá cả cũng tăng 13 bậc lên vị trí 22/140.
Đáng chú ý là các chỉ số về hạ tầng của Việt Nam đã thay đổi khá tích cực so với năm 2017: hạ tầng vận tải hàng không tăng 11 bậc và hạ tầng dịch vụ du lịch tăng 7 bậc. Việc tích cực thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tại những tỉnh thành nhiều tiềm năng du lịch đã thúc đẩy hệ thống cơ sở vật chất, sản phẩm của ngành du lịch thay đổi diện mạo nhanh chóng. Khi các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế gia tăng, năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng được củng cố đáng kể.
“Chìa khóa” mới cho ngành du lịch
Chỉ trong gần một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam đã và đang hình thành các quần thể nghỉ dưỡng tích hợp đầy đủ tiện ích theo mô hình “all in one”, biến chuyến đi của du khách trở nên thú vị và đặc biệt hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các khu lưu trú chất lượng, quy hoạch đồng bộ hạ tầng vui chơi giải trí, mua sắm… cho khách du lịch, các nhà đầu tư lớn như FLC Group, Vingroup, Sun Group… còn hướng đến kết nối nhiều lĩnh vực, tạo nên hệ sinh thái điểm đến như một điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, hệ sinh thái điểm đến cần đảm bảo các yếu tố: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, dịch vụ giải trí, dịch vụ mua sắm, sản phẩm du lịch chiến lược...
Những hệ sinh thái hoàn chỉnh như vậy vừa tăng sức hút cho điểm đến, vừa tăng doanh thu cho ngành du lịch bởi sự hấp dẫn của các tiện ích và sự thuận tiện khiến du khách không ngại ngần rút hầu bao để trải nghiệm.
Đơn cử như hệ sinh thái du lịch đến từ Tập đoàn FLC, với sự kết hợp của hãng hàng không riêng Bamboo Airways, đóng vai trò kết nối các điểm đến du lịch tiềm năng cùng hệ thống quần thể nghỉ dưỡng FLC Hotels & Resorts và hệ thống sân golf trên khắp cả nước.
Bằng cách tạo ra sự liên kết giữa các dịch vụ khép kín, hệ sinh thái theo mô hình này được đánh giá là vừa cung cấp trải nghiệm trọn gói, vừa mang đến cho khách hàng chi phí tiết kiệm có thể lên đến 50% so với việc sử dụng các dịch vụ đơn lẻ.
Bên cạnh đó, việc tích hợp nhiều tiện ích như hệ thống nhà hàng – quán bar, sân golf, các vườn thú bán hoang dã hay những trung tâm hội nghị quốc tế… vào một điểm đến như mô hình quần thể của FLC cũng là động lực để thúc đẩy du khách quay trở lại nhờ sự phong phú trong lựa chọn giải trí và mang đến những trải nghiệm mới mẻ. Ngoài ra, không đóng khung trong hệ thống giải trí sẵn có, doanh nghiệp này cũng thường xuyên tạo sức hút cho điểm đến bằng những chương trình ca nhạc, carnival hay lễ hội văn hóa.
Sự xuất hiện của chuỗi quần thể đồng bộ như FLC đã góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhanh chóng. Tại Thanh Hoá, chỉ trong 4 năm, lượng khách đã tăng gấp đôi, từ 4,5 triệu lượt năm 2014 lên gần 8,5 triệu lượt khách năm 2018. Hay tại Bình Định, doanh thu du lịch trong vài ba năm gần đây tăng từ vài trăm tỷ lên con số hàng ngàn tỷ đồng. Cả hai địa phương này đều có những sự thay đổi khá tích cực về dòng khách cao cấp sau khi hai khu quần thể tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại địa phương được xây dựng là FLC Sầm Sơn (2015) và FLC Quy Nhơn (2016).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đối với khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch gắn với các chủ đề như làm đẹp, thể thao… khi đã yêu thích một điểm đến nào đó thì họ sẽ quay lại nhiều lần. Do đó, các hệ sinh thái hoàn thiện được kỳ vọng sẽ phát triển các loại hình du lịch cao cấp như du lịch golf, du lịch MICE, thu hút dòng khách hạng sang nhằm hướng đến tăng trưởng cả về chất chứ không chỉ về lượng.
Dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng và sự thấu hiểu sâu sắc về ngành du lịch, những hệ sinh thái đồng bộ gắn bó chặt chẽ với từng bước chuyển mình của du lịch Việt. Trong bối cảnh dư địa phát triển du lịch còn rất lớn, kết hợp chiến lược đầu tư bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể trỗi dậy để trở thành một cường quốc du lịch trong tương lai gần.