Chuyển động

PGA Đức Phạm: Cánh cửa rộng mở cho thị trường đồ chơi golf

Chuyển động - 23:30, 03/03/2019 G3T+7 - Minh Phương

Trong giới golf Việt Nam hiện nay, Đức Phạm là một cái tên quen thuộc với giới golf thủ cả nghiệp dư và giới chuyên nghiệp. Ông là người Việt duy nhất hiện nay đã trở thành PGA Australia (thành viên Hiệp hội chơi golf chuyên nghiệp Australia), đồng thời cũng là chuyên gia cao cấp của Titleist (Hãng cung cấp thiết bị golf tốt nhất thế giới) tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nền golf Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, PGA Đức Phạm cho rằng thị trường dụng cụ, thể thao và phụ kiện golf cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

PV: Xin chào ông Đức Phạm, được biết ông bắt đầu chơi golf từ ngót 20 năm trước. Theo đánh giá của ông, nền golf của Việt Nam thời điểm đó so với hiện tại có những thay đổi như thế nào ?

PGA Đức Phạm: Tôi bắt đầu chơi golf từ khoảng những năm 2000. Lúc đó ở Việt Nam có rất ít sân golf hoạt động và người chơi golf cũng không nhiều, người trẻ thì vô cùng ít. Thế mà đến nay, cả nước đã có vài chục sân. Số người chơi tăng lên rất nhiều, đối tượng chơi đa dạng, không chỉ tập trung ở giới doanh nhân và giới siêu giàu. Người chơi chỉ cần đầu tư một bộ gậy 20 - 30 triệu đồng, thêm một khóa học tầm chục triệu là đã có thể bắt đầu. Sau đó, mỗi buổi tập cũng chỉ tốn tầm 100 - 200 nghìn đồng, bằng chi phí một buổi đi đá bóng. Nếu so với nhiều thú chơi khác như xe cộ, nhiếp ảnh,… thì chi phí đó có thể coi là rẻ.

PV: Những năm gần đây, nền golf ở nhiều quốc gia mạnh như Mỹ, Pháp, Úc… đã có dấu hiệu thoái trào, người chơi golf dần ít đi, liệu golf Việt Nam có bị ảnh hưởng, thưa ông? 

PGA Đức Phạm: Hãy coi đó là dấu hiệu tốt. Bởi khi golf ở các nước lớn thoái trào, các thương hiệu sẽ tập trung vào những thị trường mới đang lên, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Nhiều golf thủ nước ngoài cũng sẽ tìm đến đây để trải nghiệm cảm giác mới mẻ. Cùng đó, nhu cầu về trang thiết bị, dụng cụ, thời trang và đồ phụ kiện golf sẽ ngày càng tăng lên, kéo theo thị trường kinh doanh các mặt hàng này trở nên sôi động.

Sân golf Diamond Bay.

Sân golf Diamond Bay.

PV: Vậy theo ông, ở thời điểm này, thị trường các mặt hàng phục vụ cho việc chơi golf ở nước ta liệu đã được coi là phát triển?

PGA Đức Phạm: Cần tách biệt mảng thiết bị với mảng còn lại. Thiết bị golf là mặt hàng rất chuyên biệt, là một khía cạnh khác của golf. Có thể nói, hiện nay ở Việt Nam, các thiết bị chuyên dụng còn rất ít. Lý do là bởi chúng có giá cao. Chẳng hạn như một máy phân tích kỹ thuật chơi golf có giá tới 500 - 600 triệu đồng, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng hết chức năng của máy. Vì vậy các sân golf thường không đầu tư các loại máy móc này. Dần dần những người có không gian tập riêng ở nhà càng nhiều, họ có thể tự mua máy móc thiết bị để tập. Nhưng thị trường cho thiết bị golf chưa thể coi là lớn.

Về mảng còn lại, bao gồm dụng cụ, thời trang và phụ kiện thì khác. Chỉ nói riêng về dụng cụ, ở Việt Nam hiện các thương hiệu lớn đã có nhà phân phối chính hãng và thông thường là các nhà phân phối độc quyền. Thế nên người chơi sẽ có nhiều sự lựa chọn đảm bảo, uy tín. Sự cạnh tranh giữa các nhà phân phối sẽ khiến giá mặt hàng giảm xuống, người chơi có lợi hơn.

Trước đây, thương hiệu thường chuyên về một mảng. Nhưng ngày nay, các hãng ngày càng có nhiều dòng sản phẩm tương đồng về giá và chất lượng. Do đó ở cùng một mức tiền, golf thủ có rất nhiều sự lựa chọn. Tương tự, các mặt hàng thời trang và phụ kiện golf cũng sôi động không kém.

PV: Theo quan sát của ông, thị trường dụng cụ golf ở Việt Nam hiện nay có đa dạng chủng loại và thương hiệu bằng các thị trường lớn khác hay chưa?

PGA Đức Phạm: Mặt hàng ở Việt Nam hiện nay có thể coi là cũng không thiếu loại gì. Trong trường hợp cái gì chưa có ở trong nước thì nhà phân phối cũng dễ dàng đặt từ nước ngoài về bởi dụng cụ golf không quá cồng kềnh, vận chuyển khá đơn giản.

Tuy nhiên, chúng ta có một đặc điểm hơi khác thị trường các nước phương Tây. Văn hóa của chúng ta là văn hóa phương Đông nên gắn liền với ngôn ngữ thiết kế của các hãng châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Nếu đồ của Mỹ rất mạnh về công nghệ để hỗ trợ cho người chơi thì đồ của Nhật lại mang nhiều tính văn hóa hơn, rất tinh tế và sử dụng chất liệu hiếm, được làm tỉ mỉ và thậm chí là thủ công. Chính vì vậy, các golf thủ Việt Nam thường thích các sản phẩm xuất xứ Nhật Bản.

(Ảnh minh họa: Bộ gậy golf)

(Ảnh minh họa: Bộ gậy golf)

PV: Điều đó có đồng nghĩa với việc golfer Việt Nam “chuộng” hình thức hơn các yếu tố kĩ thuật khi lựa chọn dụng cụ chơi golf?

PGA Đức Phạm: Đồ Nhật thiên về sự tinh xảo không có nghĩa là không tốt. Tuy nhiên, mức giá thông thường bao giờ cũng cao hơn so với đồ Mỹ hoặc các nước phương Tây. Chẳng hạn, một bộ gậy của những người trong top 100 - 200 trên thế giới (phần đông dùng gậy Mỹ) có khi chưa đến 100 triệu đồng, nhưng 100 triệu đồng chỉ mua được dòng rẻ nhất đối với gậy xa xỉ của Nhật. Thẳng thắn mà nói, ở Việt Nam, những người chơi tốt một chút hoặc chuyên một chút, sẽ ít khi lựa chọn gậy Nhật.

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn về yếu tố kĩ thuật trong dụng cụ golf, cụ thể nó tác động như thế nào tới việc chơi golf?

PGA Đức Phạm: Dụng cụ golf thường được chia thành hai dòng sản phẩm, cho người chơi chuyên nghiệp và người chơi nghiệp dư. Đồ cho người chơi chuyên nghiệp thường không có quá nhiều công nghệ, bởi golf thủ có thể làm sẵn nhiều thứ. Ví dụ, công nghệ về thiết kế khoang kép ở đầu gậy làm cho gậy ít rung lắc khi người chơi đánh lệch tâm, nhưng người chơi chuyên nghiệp thì có mấy khi đánh lệch tâm. Ngược lại, họ hay sử dụng những dòng gậy đơn giản về thiết kế là mặt gậy mỏng và dung tích không lớn để có thể sử dụng chuyên cho việc biến hóa đường bóng. Nhưng người mới chơi lại cần một chiếc gậy ít rung lắc và có cán nhẹ. Mà cán nhẹ thường làm bằng chất liệu graphite (carbon than chì) đắt tiền hơn cán thép - loại cán mà dân chuyên thường dùng. Thế nên đừng nghĩ cứ đồ cho dân chuyên nghiệp là đắt còn đồ cho người chơi nghiệp dư là rẻ.

PV: Với các thương hiệu đã có mặt ở Việt Nam, ông đánh giá mặt bằng chung về chất lượng sản phẩm của họ như thế nào?

PGA Đức Phạm: Nếu kể top trên thì có thể nói tới Titleist, TaylorMade, Honma, Ping, còn các hãng bình dân hơn thì có Callaway, Mizuno, Cobra… Giá tiền mỗi bộ gậy dao động từ 20 - 30 triệu đồng cho tới khoảng 100 triệu đồng hoặc hơn, tùy vào túi tiền của người mua. Giá tiền khác nhau nhưng đồ của các hãng bình dân cũng vẫn rất tốt nếu biết lựa chọn.

Cỏ nhân tạo sân golf.

Cỏ nhân tạo sân golf.

PV: Theo đánh giá của ông, golf thủ Việt hiện nay, bên cạnh các loại dụng cụ, có chịu chi cho các mặt hàng thời trang và phụ kiện golf hay không?

PGA Đức Phạm: Đã chơi golf thì chắc chắn ai cũng muốn có chút cá tính khi ra sân, nhất là golf thủ nữ. Các chị em ra sân sẽ thích mình nổi bật một chút, nên với họ, thời trang không bao giờ là đủ. Nhiều khi ra sân, quần áo không chỉ là quần áo, mà còn là cái gì đó để thể hiện hình ảnh trước mặt bạn bè nữa. Với các golf thủ nam thì có phần đơn giản hơn.

PV: Ông có lời khuyên nào về cách lựa chọn dụng cụ khi mới bắt đầu chơi golf?

PGA Đức Phạm: Thứ nhất, bao giờ bạn cũng cần một bộ gậy, kèm theo đó là găng và giày chuyên dụng để một buổi tập có thể diễn ra như một golf thủ. Nếu bạn không có găng hay đi dép, đi giày thể thao thì cảm giác sẽ không được trọn vẹn lắm. Khi mới chơi, tôi khuyên các bạn không nên mua đồ đắt tiền quá. Bởi người mới chơi có thể chưa thể hiện được hết năng lực của họ, chẳng hạn về tốc độ. Buổi đầu, bạn có thể chỉ đánh được 50 yard nên chỉ cần mua bộ gậy nhẹ. Nhưng sau vài buổi, bạn có thể đánh được xa hơn, lúc đó bộ gậy lại thành nhẹ quá. Vì vậy nếu được, hãy mượn bạn bè dụng cụ để tập trước. Sau một thời gian biết được tốc độ của mình đến đâu hãy mua, chưa muộn. Hoặc bạn có thể tìm tới một số trung tâm uy tín có sẵn gậy cho người chơi thử, có chuyên gia tư vấn để tập. Gậy cũ hay mới đều được, quan trọng là phải phù hợp.

Thứ hai, hãy tránh mua lẻ một gậy. Nhiều người cho rằng cứ mua một gậy trước để ra sân tập đã rồi mua bộ đầy đủ sau. Người chơi chỉ mất vài buổi để tập một gậy đó thôi, sớm muộn gì cũng phải tập hết các gậy còn lại. Lúc ấy mới lo đi tìm các gậy còn lại thì mất thời gian mà cũng không tiết kiệm được chi phí, vì giá bán cả bộ bao giờ cũng được ưu tiên. Còn nếu muốn mua 1 bộ gậy đầy đủ của hãng khác thì gậy lẻ mua ban đầu lại trở thành đồ thừa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Về PGA Đức Phạm:

Bằng cấp

  • 2008: Cử nhân ngành Tài chính – Quản lý Thể thao ĐH Griffith (Australia)
  • 2011: Thành viên PGA Australia
  • 2016: Chứng chỉ TPI cấp 3 (Titleist Performance Institute)

Công việc hiện tại:

  • Giám đốc Trung tâm đào tạo golf Pure Performance
  • Chuyên gia kĩ thuật của Titleist Club Fitting tại Việt Nam
  • Giám đốc điều hành Golf Land

Một số thành tích khi thi đấu golf:

  • Tham dự Asiad 2010
  • Tham dự giải Faldo Series Asia Grand Final 2007, 2008 (tư cách VĐV đội tuyển Nghiệp dư Quốc gia), Faldo Series Asia Grand Final 2012, 2013 (tư cách HLV đội tuyển Quốc gia)
  • Vô địch các giải golf: PGA International Golf Institute Championships 2008, PGA International Golf Institute Order Of Merit 2008
  • Á quân Vietnam Masters 2017
Bạn đang đọc bài viết PGA Đức Phạm: Cánh cửa rộng mở cho thị trường đồ chơi golf tại chuyên mục Chuyển động của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục