Sở hữu nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau như: Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong… cùng với khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, Quảng Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch mạo hiểm…
Những năm gần đây, bên cạnh du lịch biển, phát triển du lịch miền núi cũng được xác định là hướng đi chủ đạo của tỉnh Quảng Nam nhằm đa dạng hóa điểm đến, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Năm 2017, tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đạt gần 51.000 lượt, gấp 2,3 lần so với năm 2013, chiếm khoảng 1% tổng lượt khách tham quan, lưu trú toàn tỉnh. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2013 - 2017 đạt khoảng 23,2%/năm. Doanh thu từ dịch vụ du lịch khu vực miền núi năm 2017 đạt 36 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2013.
Sở hữu nhiều thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, địa hình phong phú, bản sắc văn hóa đa dạng, tuy nhiên, thời gian qua, du lịch miền núi vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Bên cạnh những hạn chế như sản phẩm du lịch đơn điệu, nguồn nhân lực thiếu và yếu, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong quản lý, hỗ trợ phát triển du lịch miền núi chưa chặt chẽ, đồng bộ; nhận thức về phát triển du lịch của người dân chưa cao thì chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, đầu tư cho du lịch miền núi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển là yếu tố khiến du lịch miền núi khó phát triển.
Theo ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, để phát triển du lịch miền núi, khó nhất là nguồn lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, khách sạn…). Do đó tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong đầu tư chứ địa phương không thể đủ điều kiện và nguồn lực.
Trước tình trạng đó, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã xây dựng Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam đến năm 2025, đang chờ UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua.
Đề án sẽ có 20 điểm du lịch của 9 huyện miền núi được hỗ trợ kinh phí thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch; lập quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch nhằm thu hút đầu tư; đầu tư hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Mục tiêu Đề án đến năm 2025 du lịch miền núi sẽ đón 600 nghìn lượt khách, tổng thu nhập từ hoạt động du lịch khu vực ước đạt 1.200 tỷ đồng, thu hút 4.500 lao động.
Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, Đề án sẽ chính thức triển khai từ năm 2019 – 2025, tổng kinh phí khoảng hơn 120 tỷ đồng.