Khám phá

Thẳm xanh chân núi Ba Vì

Khám phá - 23:39, 28/07/2018 G7T+7 - Nhà thơ Hoàng Việt Hằng

Sẽ có một sớm mai thức dậy bạn sẽ thấy tiếng chim ríu rít trong sương, ấy là ám ảnh của ký ức sau chuyến đi về sườn núi Ba Vì ven Kinh đô Thăng Long với thẳm xanh mây trắng.

Ba Vì không chỉ có núi, có rừng quốc gia còn lưu giữ biệt thự rêu phong hoang phế, có thảm lá khô, rồi có hồ Suối Hai, có đảo Ngọc bên đồng lúa trĩu hạt mùa gặt. Nhưng Ba Vì còn nổi tiếng với chè xanh Ba Trại làm nên một thương hiệu trà Hà Nội vừa có vị ngọt, vừa có vị thơm của đất suối ngàn đời.

Bao lâu nay người tiêu dùng chỉ quen với mấy thương hiệu nức tiếng trà Tân cương, Đại từ Thái Nguyên, trà Tả Xùa shan tuyết Yên Bái, trà 1 cánh Shan tuyết Hà Giang. Nhưng giờ đây, trong trí nhớ của người sành trà, có thêm tên trà xanh Ba Trại! Gương mặt của nông thôn thời kỳ đổi mới Ba Trại đi lên từ trà xanh, trong tương lai gần là điểm đến của khách du lịch phương xa. Nơi đây có hàng ngàn ha trà đã giúp người dân chăm lo cho con cái ăn học, và xây dựng nhà cửa đẹp đẽ khang trang cũng từ thu hoạch cây chè. Có thể nói về cây chè đầu tiên vào những năm 1956; hồi đó có mấy người Mường ở núi Ba Vì đem giống chè xuống trồng ở Ba Trại, mới đầu, chỉ cốt để có trà pha uống trong gia đình hàng ngày.

Sau này cây chè cứ lan rộng ra cả làng; rồi đến năm 1990 cây chè bán ra thị trường cũng phập phù không đủ sống cho người trồng chè dù đã nhân rộng vườn xa hơn các loại cây ăn quả khác. Ở trong làng , nông dân Nguyễn Huy Hùng, người trồng trà lâu năm đã giãi bầy như vậy. Cùng đứng vững phát triển nghề trồng chè thường hiệu Ba Trại còn có tên gia đình anh Đặng Văn Tráng, Bùi Văn Hưng, Nguyễn Văn Sỹ, và Nguyễn Văn Dũng… Những nông dân trồng chè vốn chịu khó học hỏi, và đầu tư máy xao chè, cho chất lượng ngon hơn, chè giữ hương, để với khỏi tầm tây quê nhà, đi ra chợ thôn, chợ huyện, đi ra thị trường gần cột cờ Hà Nội và các tỉnh ven đô. Với chè xanh thương hiệu Ba Trại, và loại bột trà xanh sản xuất để làm sản phẩm chuyên đắp mặt nạ làm đẹp da cho phụ nữ đã bán chạy trên thị trường chè Ba Trại hiện nay.

Trời xanh, nắng thuận tại Ba Vì, nhưng vào mùa sương giáng, tháng 11 trở đi, theo nhận xét anh Nguyễn Huy Hùng thì chè xanh uống ngon nhất. Chè Ba Trại có nhiều đơn đặt hàng và phần lớn là khách quen, chè Ba Trại cũng hữu xạ tự nhiên hương, chứ các khoản như quảng cáo và tiếp thị thì người nông dân Ba Trại còn rụt rè, khiêm tốn lắm. Với họ cứ khách quen đặt mua, và hàng tháng đến ngày hái chè, nhà dân Ba Trại vẫn bán ra đủ đơn đặt hàng, và đủ sống. Nhờ sản phẩm chè xanh nhiều, trong làng nhiều ngôi nhà khang trang, sân phơi rộng rãi, làm nên một nông thôn đổi mới của làng chè Ba Trại.

Nhưng Ba Vì còn nhiều điểm đến khác nữa, cho du khách thập phương với nhiều sản phẩm không chỉ có trà xanh Ba Trại, sữa tươi, sữa dê tươi và bánh sữa Ba Vì. Các loại đặc sản đồng quê nức tiếng từ thị trấn Tây Đằng đi qua nhiều vùng hồ, sông suối núi Tản cũng làm nên gương mặt ẩm thực rừng núi pha loãng đồng bằng, món ngon không dễ nơi nào sánh được.

Từ vùng bạt ngàn chè xanh, bạn sẽ đi thăm khu di tích lịch sử K9, đá chông, leo núi, thăm nhà tưởng niệm, và nơi xưa Bác Hồ từng làm việc; nơi có những hồ nước lặng và bạt ngàn cây xanh. Hồ cá xưa Bác nuôi vẫn còn đó. Rồi bạn rẽ sang hồ Suối Hai không xa, có thể vào bản thăm nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao, và nhất là làng thuốc nam ở Ba Vì vô cùng nổi tiếng với cách chữa bệnh dân gian, những vị thuốc gia truyền; đó có thể là một ngày khác, chuyến du lịch kết hợp với mua thuốc nam chữa bệnh của nhiều người có như cầu thiết thực cho sức khỏe của mình.

Rồi bạn có thể rẽ ngay xuống vườn quốc gia Ba Vì, rẽ ngay vào rừng vắng thăm ngôi nhà cổ rêu phong với những thảm lá khô bao ngày ngủ quên trong rừng.

Sẽ có một sớm mai thức dậy bạn sẽ thấy tiếng chim ríu rít trong sương, ấy là ám ảnh của ký ức sau chuyến đi về sườn núi Ba Vì ven Kinh đô Thăng Long với thẳm xanh mây trắng.

Bạn đang đọc bài viết Thẳm xanh chân núi Ba Vì tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục