Những lò nung gốm quanh năm ở một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng giờ đã tắt lửa nhưng còn đó một làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) yên ả bên sông Cầu. Về Thổ Hà là về với những ngõ xóm hun hút cùng những bức tường loang lổ mảnh vỡ của thời gian ấy, mang đầy hoài niệm.
Có lẽ tôi cũng như bất kỳ người cầm máy nào khác đều từng ít nhất một lần về làng Thổ Hà “sáng tác”. Trong mắt những người mới tìm đến nghệ thuật nhiếp ảnh, Thổ Hà là ngôi làng điển hình của châu thổ sông Hồng, tuyệt đẹp và đủ đầy góc độ chọn lựa cho người mới vào nghề cầm máy.
Đó là những ngày cũ của năm 1997, khi lắp cuộn phim đen trắng đầu tiên và quyết theo nghiệp phóng viên ảnh, cậu sinh viên Khoa Báo chí năm thứ hai là tôi chọn Thổ Hà làm nơi đến. Khi đó, làng vẫn còn nguyên nét thuần hậu của vùng quê xứ Kinh Bắc. 36 kiểu của cuộn phim duy nhất ngày ấy chụp, một số ảnh đã chọn tham gia các triển lãm, số khác in trên nhiều tờ báo và có lẽ nhiều nhất là hình ảnh chụp những con ngõ nhỏ, lớp học nơi đình làng, giờ một số xuất hiện trong phóng sự này.
Hơn 20 năm đã trôi qua, giờ thì các cô, cậu bé trong những lát cắt hai màu đen và trắng chụp ngày đó hẳn đã trạc tuổi người cầm máy năm 1997 và đã ra khỏi cánh cổng làng mà lớn lên. Khi thực hiện phóng sự này, tôi vẫn mong ký ức tuổi thơ của các nhân vật trong những bức ảnh sẽ gặp lại mình, những nhân vật bình dị nhất trong cuộn phim đầu tiên của một phóng viên ảnh.
Với ba mặt giáp sông Cầu, Thổ Hà ngày đó như một hòn đảo. Tôi đến làng trên con đò nhỏ cập bến Chùa trước cửa đình. Trong làng, trục đường chính chỉ một con đường duy nhất, từ đó, các nhánh nhỏ tỏa vào từng ngõ nhỏ. Thứ âm thanh ấn tượng nhất khi đó là tiếng ủn ỉn không ngớt của những chú lợn nuôi, theo bước chân len lỏi vào từng con ngõ nhỏ. Hồi ấy, những lò nung gốm lửa quanh năm đã tắt và người làng Thổ Hà sống bằng nghề làm bánh đa. Các phụ phẩm của nghề này như nước gạo, bã bột… dùng để nuôi lợn. Những chú ỉn sống trong những ngôi nhà xây sát với ngõ khiến âm thanh và thứ mùi khó quên trên những con ngõ dài hun hút ấy cứ ám ảnh mãi sau này.
Cùng âm thanh và mùi là màu, một tông đỏ của thứ gạch cũ kĩ mòn vẹt, trơ ra thần thái trên tường của những ngôi nhà, dọc theo ngõ nhỏ heo hút. Các bức tường xếp đều chằn chặn một thứ sành đỏ nâu hay đen bóng, của tiểu sành phế phẩm, của chum vại vỡ và mảnh gốm bỏ đi. Người Thổ Hà vốn nổi tiếng với nghề làm tiểu sành ngày còn đỏ lửa trong những lò nung gốm nên những mẻ hỏng hay vỡ đều được sử dụng dạng phế phẩm. Đó là lý do mà các bức tường nhà, bậu cửa, chân giường, đâu đâu cũng có vật dụng dành cho giới âm thế này.
Cùng với sự thịnh vượng của nghề gốm một thời, các nghệ nhân dân gian của Thổ Hà cũng đã để lại cho hậu thế một quần thể xóm làng thuần Việt. Công trình cổ hiện vẫn còn đó ở Thổ Hà với ba di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước công nhận là Đình, Chùa, Văn Chỉ; cùng với đó là gần hai chục tấm bia đá ghi chữ nho ở cả hai mặt, cổng làng, bốn ngôi Điếm của bốn xóm và một số ngôi nhà cổ.
Trong rất nhiều di sản của Thổ Hà, dân ca quan họ là thứ dễ khiến du khách say đắm nhất. Bằng lối chơi giản dị của lề lối cổ xưa, các liền anh, liền chị nơi đây đã tạo nên chất riêng theo lối cổ. Để thưởng thức một canh quan họ đúng nghĩa phải về Thổ Hà nghe liền anh, liền chị hát chay không có nhạc đệm và cảnh hát chào bạn trên sông. Khi đó, bạn đã là "khách đến chơi nhà", không chỉ "rót nước pha trà" mà có cả những câu hát thắm đượm nghĩa tình của người quan họ.