Khi đã lên kế hoạch cho một chuyến nghỉ dưỡng, những ngày mưa rả rích thật chẳng ưa gì, thậm chí nó khiến ta không muốn nhấc chân rời khỏi phòng. Có duy nhất một ngày, khi mà lạc bước ở các toà lâu đài phủ màu ẩm ướt, tôi mới thực sự ngỡ ngàng trước một Mercure Danang French Village Bana Hills, "ngôi làng Pháp” trong mù mây nước Việt.
Từ cửa sổ căn phòng của khu nghỉ, có một ban công nhỏ xinh được gọi là “Juliet’s Balcony”, nơi tôi đứng chiêm ngưỡng cả một ngôi làng Pháp mang đậm kiến trúc thế kỷ 19 gọn trong tầm mắt.
Trong lãng đãng mưa mù, làng Pháp hơn 100 năm trước như hiển hiện trước mắt với những biệt thự Pháp cổ kính rêu phong. Năm 1919, với mong muốn thoát khỏi những mùa hè khắc nghiệt ở Đông Dương, đặc biệt ở Trung Trung Bộ, đại úy thủy quân lục chiến Debay được giao nhiệm vụ thám sát dãy Trường Sơn để tìm một nơi nghỉ dưỡng, bán kính là 150km kể từ Đà Nẵng. Nhiều năm trời băng rừng, vượt suối thăm dò, đến tháng 4 năm 1901, đại úy và người của mình đã phát hiện "trong rặng núi của thung lũng Túy Loan có một địa điểm thiết lập nơi an dưỡng”. Đó là rặng núi vươn lên giữa hai nhánh sông chính của sông Bà Nà - Lỗ Đông, cách Đà Nẵng khoảng 25km.
Nhưng việc xây dựng một "Đà Lạt xứ Trung Kỳ" hay những ngôi nhà "bồi dưỡng sức khỏe" theo cách nghĩ của Debay khi ấy phải mất tới 18 năm mới trở thành hiện thực. Sau cuộc thăm thú 18 ngày ở Bà Nà, luật sư Beisson xin phép chính quyền Pháp tại Đà Nẵng chấp nhận cho phép ông được xây một ngôi nhà trên đỉnh Bà Nà với mục đích để ở vào năm 1918. Đây là dấu mốc quan trọng với Bà Nà bởi từ đây đã có nhà dân để sau đó, khách sạn đầu tiên với hai tầng và 22 phòng do thương gia Emile Morin làm chủ xây dựng và đưa vào sử dụng tháng 5 năm 1923. Cho đến những năm cuối thời Pháp thuộc, đã có tới 170 ngôi nhà nghỉ mát bằng gỗ giữa mây trời Bà Nà.
Trải qua 100 năm, thời gian và chiến tranh đã hủy hoại "thị trấn trên mây" của người Pháp trên đỉnh Bà Nà. Hiện chỉ còn duy nhất dấu tích Pháp là hầm rượu cổ Debay, nơi 14 người có địa vị nhất thời bấy giờ cất giữ những chai rượu quý được chuyển từ Pháp qua đường biển. Bà Nà thuở sơ khai với các dấu tích Gothic dần bị lãng quên cho đến khi Làng Pháp được tái hiện theo phong cách kiến trúc vào khoảng thế kỷ thứ 12, 13, 14 của nước Pháp bởi Tập đoàn Sun Group, từ năm 2007.
Hôm nay, khi gót giày gõ nhẹ trên từng viên đá lát đường bắt đầu từ quảng trường trung tâm với tấm bản đồ của khách sạn trên tay, tôi ngang qua những gì tinh hoa nhất, đẹp đẽ nhất của một thời xa xưa của nước Pháp. Bảy khu vực của làng Pháp đều có “chất riêng”, nơi có gần 500 phòng nghỉ, phân bổ tại 7 tòa nhà mang tên các thành phố nổi tiếng của nước Pháp như Hotel de Paris, Hotel de Lyon, Hotel de Bordeaux…
Trong lảng bảng sương mù lẩn khuất quanh những toà lâu đài đá, “Paris thu nhỏ” trong dáng hình của Khách sạn Làng Pháp đã thực sự chinh phục những ai muốn chọn nơi đây làm chốn nương náu trong những ngày “trên trời”. Hơn thế nữa, Mercure Danang French Village Bana Hills cũng biến những kỳ vọng tiếp nối di sản mà người Pháp để lại ở Bà Nà tròn trăm năm trước trở thành hiện thực. Giữa điệp trùng núi non hùng vĩ của Bà Nà, Mercure Danang French Village Bana Hills đã khẳng định một vị thế và giá trị của riêng mình, khi được trao Giải thưởng danh giá “Khách sạn lãng mạn nhất thế giới” bởi World Luxury Hotel Awards.