Trải nghiệm

Kỳ 4: "Lượn" đèo, ngắm cả một trời bồng bềnh mây trắng

Trải nghiệm - 06:30, 09/11/2019 G11T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Qua thị trấn Đồng Văn, trời quang dần, mây mù dâng lên che kín núi. Bắt đầu từ đây lên tận đỉnh Mã Pì Lèng và hẻm vực Tu Sản, hai chiếc xe bán tải cứ lầm lũi đi trong mù, mây biến ảo từng phút, từng giờ.

Khi kỳ thứ 3 của "Photo travel: Miền đá nở hoa" ra mắt bạn đọc, trong tiết se lạnh cuối thu miền Đá, tôi đã quyết định quay lại Hà Giang cùng một nhóm những người thích khám phá vùng đất đầy mê hoặc này. Hai ngày đầu chuyến đi, mưa rơi tầm tã nhưng sang ngày cuối cùng, chúng tôi có một sáng chủ nhật được "tổ đãi" với những tầng mây trắng bồng bềnh, phủ lên cung đường mang tên Hạnh Phúc, đoạn từ Đồng Văn sang Mèo Vạc.

Để chinh phục những cung đường đèo cheo leo, thậm chí bị sạt lở, hoặc bé như sợi chỉ vắt vẻo theo các vách núi đá trùng điệp của Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi cần lắm một chuyến đi dài ngày. Tột Bắc, nơi phên dậu Tổ quốc thực sự không dễ chinh phục nếu bạn có khoảng thời gian quá ngắn, đặc biệt khi lên 4 huyện vùng cao gồm núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Tuy nhiên, các “phượt thủ nhí” trong nhóm không thể nghỉ thêm ngày học nên chúng tôi vẫn quyết lên đường trong 3 ngày cuối tuần, thời điểm rất đông các phượt thủ mọi miền đổ về Hà Giang.

Có những ngày đặc biệt mây mù bao phủ trên cung đường mang tên Hạnh Phúc, đoạn từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Mặc khách lãng du ồn ào check-in, chụp ảnh, hai mẹ con người Mông với chiếc váy nhiều màu, đong đưa, vẫn mải miết cuốc bộ xuống chợ phiên Mèo Vạc.
Thường ngày, những dãy núi đá như thạch trận nhưng sau cơn mưa bỗng nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp chồng lên nhau trong mây vờn tỏa, khiến du khách chạm ngõ thiên đường trong tầm mắt.

Hai ngày đầu mưa rơi rả rích, cả cung đường lẫn bầu trời miền Đá chìm trong màu xám xịt và lạnh lẽo. Trong tiết trời không ủng hộ cho những khuôn hình ấy, chúng tôi vẫn kịp lang thang giữa bao la miền đá, nơi “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” ở Sủng Là, Sà Phìn, Lũng Cú… của huyện Đồng Văn. Nổi bật giữa thạch trận đá tai mèo là hoa thun tu và cúc cam, những loài hoa mỗi năm chỉ nở một mùa mà vẫn thắm sắc ngày gió mưa.

Chủ nhật, ngày cuối cùng của chuyến lãng du, từ Motel Hoa Đá nằm ngay ngã ba Dinh nhà Vương, Sà Phìn và Lũng Cú, chúng tôi lái xe ngược lên mê cung đá Mèo Vạc. Qua thị trấn Đồng Văn, trời quang dần, mây mù dâng lên che kín núi. Bắt đầu từ đây lên tận đỉnh Mã Pì Lèng và hẻm vực Tu Sản, hai chiếc xe bán tải cứ lầm lũi đi trong mù, mây biến ảo từng phút, từng giờ. Thoảng hoặc, cơn gió mạnh thổi những đám mây trôi về phía cuối trời, lộ ra những vách núi hùng vĩ, mang vẻ đẹp thật dữ dội. Khi đó, trong tầm mắt từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng thu trọn cả một trời bồng bềnh mây trắng, ta mới ngỡ như chạm ngõ thiên đường và cảm nhận được hết vẻ đẹp của miền Đá.

Cách thị trấn Đồng Văn vài kilomet là điểm check-in đầu tiên giữa mây trời của cậu bé dân tộc Mông chỉ với 5.000 đồng/người. Những áng mây lúc này đang nằm ngay dưới chân núi. Đứng ở đây sẽ được chiêm ngưỡng một màn trình diễn mây, lúc ban đầu trôi rất nhẹ từ dưới chân núi, lượn tròn theo ngọn núi và di chuyển lên đỉnh núi rồi vụt bay theo gió trời.
Cầm lái trên cung đường Hạnh phúc đoạn từ Đồng Văn sang Mèo Vạc trong bồng bềnh mây trắng là trải nghiệm không thể nào quên ở miền Đá gây nhiều thương nhớ này…

Hơn 1.000km đi và về (318km cung đường Hà Nội - Hà Giang và 185km Hà Giang - Mèo Vạc), trong 3 ngày, tôi và nhóm của mình đã ngang qua những ngày mưa tầm tã, mù mịt đường đèo hiểm trở, những khúc cua tay áo, móng ngựa quanh co. Về Hà Nội lúc 3 giờ sáng trong ngày cuối cùng của chuyến đi, các bố mẹ vẫn kịp ngồi nơi công sở, các con vẫn kịp lên lớp như mọi thứ hai thường nhật. 

Trong khoảng thời gian hữu hạn, bằng ý chí và quyết tâm lên đường của mỗi thành viên ham mê dịch chuyển, chúng tôi đã có thể chinh phục miền Đá với những trải nghiệm thật phiêu lưu và mạo hiểm. Khi hỏi lần sau có đi nữa không, những câu trả lời đều là “có” từ người lớn đến con trẻ, bởi phải đi nữa chứ, chúng tôi mới có đủ thời gian để khám phá nhiều hơn miền Đá gây biết bao thương nhớ này. 

… như Elias Oani và nhóm bạn của cậu, những sinh viên người Pháp đang học đại học tại TP.HCM dừng xe nhờ chụp khuôn hình kỷ niệm trong bồng bềnh mây trắng nơi đỉnh đèo.
Khi có ánh mặt trời, những tia nắng xuyên qua áng mây, cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh và khuôn hình của du khách nhí không thể bỏ qua những khoảnh khắc đó.
Nơi ngắm trọn những áng mây bồng bềnh phiêu lãng, phủ kín những ngọn núi, con đường ở đỉnh Mã Pì Lèng…
… là mỏm đá được nhiều du khách quốc tế coi là nguy hiểm nhất thế giới, chìa ra hẻm vực cách nơi dừng chân ở đỉnh Mã Pì Lèng vài trăm mét.
Sông Nho Quế trong làn mây mờ ảo. Mây tan cũng rất nhanh, nếu không có duyên thì sẽ rất khó gặp được cảnh mây ở nơi này.
Những áng mây bồng bềnh phiêu lãng ngang hẻm vực Tu Sản, nơi dòng sông Nho Quế tĩnh lặng uốn mình chảy qua những vách núi hùng vĩ giữa đất trời.
Con đường Hạnh Phúc giờ trở thành con đường mơ ước một lần được đến của bao người, khi bên phải là núi, bên trái là vực cùng những áng mây cuộn tròn, tưởng chừng như giang cánh tay ra là chạm vào được.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ 4: "Lượn" đèo, ngắm cả một trời bồng bềnh mây trắng tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục