Khám phá

Về Bạc Liêu thăm làng nghề dệt chiếu

Khám phá - 06:05, 12/08/2023 G8T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Mỗi lần qua thị trấn Ngan Dừa, ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh những chiếc chiếu xinh xắn vừa rời khung cửi, nằm hong mình dưới nắng và câu ca trong bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu.

Dù chiếu cói Ngan Dừa không nổi tiếng khắp “Nam Kỳ Lục Tỉnh” như chiếu cói Cà Mau, nhưng đôi chiếu bền, đẹp đã là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình biết bao thế hệ vùng sông nước miền Tây.

Là vùng đất thuận lợi cho cây lác, nguồn nguyên liệu chính này giúp người dân ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) phát triển nghề dệt chiếu từ bao đời nay.

Nằm trong địa phận thuộc dòng chảy của con sông Hậu, Ngan Dừa là vùng trũng bị nhiễm phèn - điều kiện rất thuận lợi cho việc trồng cây lác, nguồn nguyên liệu giúp người dân làm chiếu và cũng tiết kiệm được chi phí khi làm chiếu.

Bàn tay của người phụ nữ ở làng nghề dệt chiếu truyền thống Ngan Dừa khéo léo phối hợp chuồi từng sợi lác vào chiếc go rồi dập xuống nhịp nhàng.
Cây lác (còn gọi là cói) được vận chuyển về Ngan Dừa từ khắp các nơi trong vùng. Đây là loại cây thân thảo, mềm, xốp, mọc hoang nơi đầm lầy hoặc trồng trên ruộng chua phèn.

Ấn tượng đầu tiên khi đến làng nghề dệt chiếu truyền thống Ngan Dừa là hai bên đường phơi toàn là lác và cả những chiếc chiếu mới tinh còn thơm mùi. Toàn thị trấn có khoảng 15 dòng tộc với hàng trăm hộ chuyên sống bằng nghề làm chiếu, trong đó tập trung nhiều nhất là ở ấp Thống Nhất.

Để làm ra một chiếc chiếu Ngan Dừa, cần phải trải qua nhiều công đoạn với sự tỉ mẩn và miệt mài của người thợ. Đầu tiên là chẻ lác, công đoạn đòi hỏi sự khéo léo vì cọng lác yếu và mềm nên rất khó chẻ nhỏ ra làm nhiều sợi. Nhưng chỉ với một cây dao nhỏ, qua tay người thợ, một cọng lác sẽ nhanh chóng được chẻ làm 5 - 6 sợi đều tăm tắp.

Lác nguyên liệu sau được đem phơi khô, rồi tùy nhu cầu chiếu trắng hay chiếu màu mà người thợ nhuộm cho phù hợp. Cuối cùng, công đoạn quan trọng nhất là công đoạn dệt, thường phải có 2 người phối hợp với nhau: Một người chuồi, sắp xếp từng sợi lác theo từng màu vào go, người kia thì thoăn thoắt dập, úp, ngửa thân go rồi xoay trái, xoay phải bẻ bìa để khít từng sợi lác. Theo nhiều thợ dệt chiếu lâu năm, do thổ nhưỡng đất và nước tại Ngan Dừa trong lành nên cọng lác chẻ ra luôn trắng ngần, đẹp mắt, chiếu Ngan Dừa nhờ đó càng trở nên bền, đẹp.

Vào làng nghề dệt chiếu truyền thống Ngan Dừa, ấn tượng đầu tiên là hai bên đường phơi toàn là lác.
Những bó lác nguyên liệu sử dụng để dệt chiếu…
… sau khi được đem phơi khô, sợi lác được chẻ làm hai, phơi một nắng rồi nhuộm phẩm bốn màu: đỏ, xanh, vàng, tím. Sự khéo léo của người thợ là phối kết những sợi cói đã nhuộm để dệt nên hình hoa lá và những chữ Nho (thường là Phước, Lộc, Thọ) trên tấm chiếu.

Bình quân mỗi người ở Ngan Dừa trong một ngày có thể dệt được 4 đến 5 đôi chiếu chợ (chiếu hàng) hoặc 2 đôi chiếu đặt (đặt riêng theo yêu cầu, có chất lượng tốt, dày dặn và kín kẽ hơn). Tuy nhiên, khó và kỳ công nhất là dệt chiếu bông có chữ “Trăm năm hạnh phúc”, “Vu quy” hay chữ “Song hỷ” dành cho các cặp vợ chồng mới cưới khi phải mất 2, 3 ngày mới dệt được một đôi.

Đến Ngan Dừa, bạn sẽ thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím... Từ những bụi lát mọc hoang trên những bãi đầm, người dân Ngan Dừa dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp, tạo ra thương hiệu chiếu nổi tiếng bao đời.

Chị Nguyễn Thị Tám (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) sắp xếp từng sợi lác theo từng màu vào go khi dệt chiếu.
Công đoạn dệt thường cần 2 người phối hợp với nhau nhịp nhàng và hình ảnh những người phụ nữ tỉ mẩn chuồi từng cọng lác mỏng manh, tiếng go dập cọc cạch đi dọc cái thị trấn vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu này.
Nghề dệt chiếu Ngan Dừa hiện đang phát triển khá mạnh khi toàn thị trấn có khoảng 15 dòng tộc với hàng trăm hộ chuyên sống bằng nghề làm chiếu, trong đó tập trung nhiều nhất ở ấp Thống Nhất.
Dệt xong, chiếu được “tém” bốn biên chiếu bằng vải điều, gọi là may biên. Lại phơi thêm vài nắng nữa cho chiếu khô ráo, thơm tho trước khi chào bán.
Mai Ninh

 

Bạn đang đọc bài viết Về Bạc Liêu thăm làng nghề dệt chiếu tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục