Chuyển động

Bất động sản nghỉ dưỡng núi: "Cơn gió lạ"

Chuyển động - 03:55, 25/08/2018 G8T+7 - Thục Anh

Trong khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển đang dần bão hòa, thì loại hình bất động sản nghỉ dưỡng núi được đầu tư mạnh mẽ. Giới đầu tư đánh giá đây là loại hình vô cùng tiềm năng để khai thác.

Xu hướng chuyển dịch từ biển lên núi

Vài năm trở lại đây, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng núi đang ngày càng trở thành lựa chọn của nhiều khách du lịch.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đầu tư rất mạnh cho mô hình nghỉ dưỡng núi. Hằng năm, Mỹ, Pháp và các nước châu Âu khác đầu tư hàng tỷ USD vào phát triển mô hình bất động sản nghỉ dưỡng núi và thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Riêng tại Georgia - đất nước có diện tích chủ yếu là địa hình núi - thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm nhờ loại hình du lịch nghỉ dưỡng này. Theo báo cáo của tổ chức kiểm toán quốc tế Ernst & Young, chi tiêu tiềm năng của du khách vượt hơn 300 triệu USD.

Hiện tại, bản đồ du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam không chỉ lan dọc theo dải bờ biển mà còn có xu hướng di chuyển lên khu vực miền núi, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Flamingo Đại Lải. Ảnh: Internet.

Flamingo Đại Lải. Ảnh: Internet.

Sapa - “kinh đô nghỉ dưỡng” do người Pháp khai phá từ đầu thế kỷ XX, nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, có ngọn Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương - là vùng đất du lịch đặc trưng của miền núi phía Bắc Việt Nam. Theo thống kê từ cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, Sapa thu hút 2,5 triệu lượt khách trong năm 2017 (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016). Dự kiến đến năm 2020, Sapa đón khoảng 4 triệu lượt khách và năm 2030 là 8 triệu lượt.

Dự báo nhu cầu lưu trú tại Sapa đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 10.000 phòng, năm 2030 có trên 25.000 phòng, trong đó khoảng 3.000 phòng khách sạn từ 3 sao trở lên.

Dự án Sapa Jade Hill. Ảnh: Internet.

Dự án Sapa Jade Hill. Ảnh: Internet.

Theo thống kê từ cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, lượng du khách đến Sapa năm 2020 dự kiến đạt 4 triệu người và tăng lên 8 triệu người vào năm 2030.

Ngoài ra còn hàng loạt những vùng đất với tiềm năng du lịch núi đang trở thành tâm điểm hút khách du lịch trong vài năm trở lại đây như Tam Đảo (Hà Nội), Đại Lải (Vĩnh Phúc), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Tràng An (Ninh Bình)....

Tại Đà Lạt, thiên đường nghỉ dưỡng ở phía Nam, lượng khách du lịch cũng tăng cao kỷ lục.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Lâm Đồng, năm 2017, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đột biến so với 2016, tăng 7,8%. Tính đến giữa tháng 11/2017, Đà Lạt đã đón 5.850.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước. 6 tháng đầu năm 2018, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây đạt khoảng 3,38 triệu lượt, tăng 9,6% so cùng kỳ 2017. Trong đó, lượng du khách quốc tế hơn 245 nghìn lượt, tăng 19,8%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng núi với tiềm năng vô cùng lớn nhưng lại chưa được khai thác nhiều. Sự hấp dẫn của phân khúc này ngoài các lợi thế về tự nhiên, văn hóa lịch sử thì còn là nét đẹp bản sắc văn hóa vùng miền. Đây sẽ là một lĩnh vực hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới và nếu khai khác tốt sẽ không thiếu khách.

Vì sao tăng nhiệt?

So với bất động sản du lịch biển, xây dựng bất động sản nghỉ dưỡng núi có địa hình hiểm trở, khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà tiềm năng khai thác rất lớn trong vấn đề cảnh quan, môi trường,...

Thực tế cho thấy, từ nửa cuối năm 2016 trở lại đây, thị trường đã có biến chuyển dần sang đầu tư bất động sản trên vùng núi với các dự án được mệnh danh “đi tắt, đón đầu” tại các địa bàn như Bà Nà ( Đà Nẵng ), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sapa (Lào Cai),… với mức vốn đầu tư "khủng" lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Một điểm khác biệt so với bất động sản biển, đó là các chủ đầu tư "lên núi" đa phần là các "ông lớn" có tiềm lực tài chính mạnh.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện đã hỗ trợ cho hoạt động du lịch, di chuyển của người dân. Một số dự án hạ tầng giao thông khác đang được triển khai để dọn đường đón du khách như tuyến cao tốc Lào Cai - Sapa dự kiến hoàn thành năm 2019, dự án sân bay Lào Cai trong quy hoạch của UBND tỉnh cũng kỳ vọng khởi công trước năm 2020...

Không gian trên núi xanh mát, thoáng đãng. Ảnh: Internet.

Không gian trên núi xanh mát, thoáng đãng. Ảnh: Internet.

Nhờ hạ tầng phát triển, Sapa đã thu hút hàng loạt chủ đầu tư bất động sản tên tuổi nhập cuộc. Trong số những doanh nghiệp bất động sản tìm đến Sapa, phải kể đến Sun Group. Tháng 2/2016, Tập đoàn này đã khánh thành hệ thống cáp treo lên Fansipan. Đây là hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới lần đầu tiên có mặt tại châu Á. Hiện “thỏi nam châm” này không chỉ hút khách đến Sapa và hiện thực hóa giấc mơ chinh phục “nóc nhà Đông Dương” cho đông đảo người dân, mà còn mở ra bước ngoặt quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Chưa dừng lại ở đó, Sun Group sắp hoàn thành tổ hợp khách sạn 5 sao quy mô lớn tại thung lũng Mường Hoa, Khách sạn 5 sao Mgallery, đầu tư Khu công viên văn hóa Sapa rộng 118ha, Khách sạn 5 sao Accor…

Một trong những dự án nghỉ dưỡng trọng điểm là Sapa Jade Hill của Trường Giang Sapa Group, được xem là tiên phong trong phát triển quần thể nghỉ dưỡng núi tại Việt Nam.

Ngoài những dự án "khủng" trên, hiện Sapa còn có trên 30 dự án liên quan đến du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái đang được triển khai rầm rộ, như Khu du lịch sinh thái Tả Phìn rộng 27ha (hơn 450 tỷ đồng), Resort Sencoin (178 tỷ đồng), Khách sạn Sapa Indochina International (170 tỷ đồng), Indochina Spa & Resort, Khách sạn 5 sao Quốc tế Đông Dương…

Bên cạnh đó, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng núi đã đi vào hoạt động mang chuẩn 5 sao cũng mặc dù cũng chưa nhiều, có thể kể đến như Dalat Eden Resort (Đà Lạt), Flamigo Đại Lải (Vĩnh Phúc),… nhưng điều đó cũng cho thấy một tín hiệu tốt về loại hình này.

Bà Nà Hill (Đà Nẵng). Ảnh: Internet.

Bà Nà Hill (Đà Nẵng). Ảnh: Internet.

Tại Đà Lạt, sau thời gian dài lắng xuống, thị trường bất động sản đã sôi động trở lại. Nguyên nhân do được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông đã kéo theo thị trường bất động sản thu hút được sự quan tâm của khách hàng và nhiều nhà đầu tư.

Nhiều chủ đầu tư lớn trên thị trường bất động sản đã thể hiện tham vọng tiến về Đà Lạt. Điển hình là nhiều dự án nhà ở, trung tâm thương mại, khu nghĩ dưỡng có quy mô lớn như khu đô thị Nam Đà Lạt hay khu phức hợp nghỉ dưỡng rộng hơn 250ha tại hồ Tuyền Lâm, hay như sự kiện mới đây nhất, chủ đầu tư STC Corporation vừa chính thức trình làng thành phố Đà Lạt dự án Hometel đầu tay Sungarden Đà Lạt tọa lạc tại số 2 Nam Hồ, Thành phố Đà Lạt…

Đánh giá cao về tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng núi, ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Cùng với các khu nghỉ dưỡng ven biển, bất động sản nghỉ dưỡng ở vùng trung du, miền núi đang tạo sự đa dạng phong phú trong chuỗi sản phẩm trên thị trường. Khung cảnh thiên nhiên độc đáo và bản sắc dân tộc mang đến sự khác biệt cho du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh miền núi. Bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi vừa có lợi thế kép quảng bá du lịch địa phương, vừa là điểm đến hấp dẫn đối với khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng".

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản nghỉ dưỡng núi: "Cơn gió lạ" tại chuyên mục Chuyển động của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục