Khám phá

Châu Giang, “xứ nghìn lẻ một đêm” giữa miền Tây

Khám phá - 06:06, 26/08/2023 G8T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Ngoài những địa danh nổi tiếng như Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tà Pạ, làng Chăm Châu Giang ở xứ Bảy Núi còn được ví như “xứ nghìn lẻ một đêm” của miền Tây bởi sở hữu nhiều công trình kiến trúc tôn giáo hấp dẫn.

Ngoài những địa danh nổi tiếng như Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tà Pạ, làng Chăm Châu Giang ở xứ Bảy Núi còn được ví như “xứ nghìn lẻ một đêm” của miền Tây bởi sở hữu nhiều công trình kiến trúc tôn giáo hấp dẫn, đặc biệt là những thánh đường Hồi giáo. Toát lên vẻ đẹp huyền bí, tinh tế và tráng lệ, Mubarak là thánh đường khiến du khách ngỡ mình đi lạc vào vùng Trung Đông xa xôi khi đến thăm.

Như cánh chim thiên di, hàng trăm năm trước người Chăm đã tìm đến thượng nguồn sông Hậu để lập làng, định cư. Từ bến Châu Giang, các làng Chăm được phân bố dọc theo hai bên bờ sông Hậu và các nhánh sông Hậu với những ngôi nhà sàn bằng gỗ rất đặc trưng cùng hàng chục ngôi thánh đường lớn nhỏ nổi bật với kiểu kiến trúc mái vòm, bốn tháp ở bốn góc như các thánh đường của các nước Hồi giáo Trung Đông.

Nổi tiếng nhất với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi là Thánh đường Mubarak ở ấp Châu Giang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Mang vẻ đẹp huyền bí theo phong cách kiến trúc ở các nước Trung Đông, thánh đường do kiến trúc sư Ấn Độ Mohamed Amin trong lần xây dựng gần nhất vào năm 1965. Trước đó, Thánh đường Mubarak vốn được xây khá sớm, vào năm 1750 nhưng chủ yếu bằng gỗ lợp lá. Tính đến nay, thánh đường đã trải qua nhiều lần xây dựng, sửa chữa lớn và được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia về nghệ thuật kiến trúc năm 2011.

Qua phà Châu Giang trên sông Hậu, cách trung tâm TP. Châu Đốc tầm 3km, Thánh đường Mubarak nằm ngay phía bờ bên kia sông.
Trên nóc thánh đường là tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao.

Từ xa, thánh đường trông như ngôi đền cổ Ba Tư với màu sơn trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và màu xanh lục thể hiện niềm hạnh phúc, an lạc vĩnh hằng. Bên ngoài cổng chính là những hình vòng cung, tiếp đến là khoảng sân rộng, tòa thánh đường bên trong với 2 tầng tháp, trên nóc có tháp hình bầu dục và biểu tượng trăng lưỡi liềm, ngôi sao. Các vòm cửa có hình vòng cung nhọn đầu. Khung cửa in hoa văn viền cách điệu, những biểu tượng trăng lưỡi liềm theo lối kiến trúc cổ của đạo Hồi, khiến toàn bộ thánh đường trông như một tuyệt tác nghệ thuật. Theo quan niệm của đạo Hồi, trăng lưỡi liềm tượng trưng cho Âm lịch đạo Hồi (còn gọi Hồi lịch), biểu tượng ngôi sao thể hiện sự thành tâm, thành ý theo thánh Allah.

Chưa có cơ hội đến với thánh địa Mecca, địa điểm thiêng liêng với những người theo đạo Hồi thì bạn có thể ghé miền Tây, thăm Thánh đường Hồi giáo Mubarak. Nổi bật giữa miền quê sông nước, dường như ở mọi góc của khu thánh đường, du khách đều tìm ngay cho mình những góc chụp mới lạ trong khuôn hình. Phông nền trắng tinh khôi dưới ánh nắng mặt trời cùng các đường nét kiến trúc tinh xảo, mang vẻ cổ kính đầy huyền bí mang lại những bức ảnh khiến bạn ngỡ ngàng như đang lạc vào “xứ sở nghìn lẻ một đêm”.

Đến với cộng đồng người Chăm ở Châu Giang là như lạc bước vào một thế giới khác khi chứng kiến hình ảnh những người đàn ông trong trang phục truyền thống, đầu đội nón trắng, phụ nữ quấn khăn kín đầu, áo, váy dài đến gót chân. Những chiếc khăn mat’ra tạo nét duyên thầm của phụ nữ Chăm, đặc biệt là đôi mắt đầy quyến rũ, trắc ẩn đến nao long như cô gái có tên A Mi Na trong ảnh.
Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau khoảng 2,4m. Bên hông thánh đường, phía tay trái và tay phải, mỗi bên cũng có sáu vòm hình vòng cung nhọn đầu.
Nghĩa trang của người Chăm Hồi giáo ở Châu Giang được đặt sát với thánh đường, mai táng nhiều tầng, không phân biệt về mối quan hệ xã hội sang hay hèn qua những ngôi mộ to hay nhỏ, mà bình đẳng cho mọi người nằm xuống.
Trời vừa buông nắng, người dân theo đạo Hồi Islam ở Châu Giang đến Thánh đường Mubarak để kịp lúc 18 giờ, lần cầu nguyện trong ngày...
... kiến trúc thánh đường lấp lánh kỳ lạ lúc lên đèn và trông như những ngôi đền cổ Ba Tư của "xứ nghìn lẻ một đêm". Với người Hồi giáo, một ngày có 5 thời điểm làm lễ: Trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ.
Riêng khu vực thánh đường, chỉ có đàn ông mới được đến làm lễ, phụ nữ bị cấm tuyệt đối. Đến tháng ăn chay Ramadan thì phụ nữ mới được đến thánh đường. Trong không gian vừa huyền ảo, vừa trang nghiêm là buổi hành lễ của các tín đồ Hồi giáo...
... những người đàn ông trong trang phục truyền thống trong buổi lễ chiều trong Thánh đường Hồi giáo Mubarak.
Không gian bên trong Thánh đường Hồi giáo Mubarak được thiết kế rộng và có nhiều cửa ra vào cùng 8 cây cột chắc chắn được đặt cân đối, là nơi tập trung đông người đến cầu nguyện. Nơi hành lễ nằm ở phía bên trái thánh đường, được bố trí để các tín đồ luôn hướng về thánh địa Mecca khi cầu nguyện.
Bạn đang đọc bài viết Châu Giang, “xứ nghìn lẻ một đêm” giữa miền Tây tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục