Hình ảnh những toà lâu đài, biệt thự nguy nga xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn thuộc ngoại thành Hà Nội một mặt phản ánh việc buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền địa phương, nhưng mặt khác lại cho thấy đang tồn tại nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng ven đô.
Những năm trước, giới nhà giàu Hà Nội lên cơn sốt tậu trang trại ven đô như một căn nhà thứ hai. Thú vui của nhiều người khi đó là mỗi dịp cuối tuần rủ thêm vài gia đình, bạn bè, người thân rời bỏ Thủ đô náo nhiệt về trang trại cùng trồng rau, câu cá vui thú điền viên.
Tuy nhiên, “mốt” sắm trang trại thời đó cũng chỉ rầm rộ được một thời gian ngắn. Hiện nay, ngoài những người dân tuổi đã cao, muốn tìm một nơi xa thành phố để nghỉ dưỡng lâu dài thì ít ai còn giữ được thú vui này.
Chị Mai ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, gia đình chị cũng tậu một cơ ngơi có đủ vườn cây, ao cá trên Sóc Sơn. Ban đầu, chị thực sự rất hào hứng với việc cuối tuần cả gia đình bạn bè lại kéo nhau về ngôi nhà tại vùng ngoại ô, vui thú vui thôn dã.
Tuy nhiên, cái khó nhất là phần lớn thời gian gia đình chị ở Hà Nội, một tháng về đôi ba lần, ngôi nhà bỏ đấy không ai chăm sóc. Mỗi dịp về nhà lại vất vả lau dọn nhà cửa như "hành xác" nên nhanh chán.
"Về lâu dài, chị vẫn mơ đến một căn nhà thứ hai ở ven đô như một sự thanh lọc tâm hồn thực sự thư giãn và thưởng thụ", chị Mai chia sẻ.
Nhu cầu của các chị là một sản phẩm nghỉ dưỡng vừa “lánh xa bụi trần” nhưng vẫn phải đảm bảo những tiện ích, dịch vụ hàng đầu để có thể thực sự thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi.
Một số chủ đầu tư đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu và triển khai những khu biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp ở xung quanh Hà Nội.
Những năm gần đây các dự án ven đô và trong bán kính khoảng 60km quanh Hà Nội đang có xu hướng tăng. Có thể kể đến những dự án như The Melody Villas, Top Hill Villas, Flamingo Đại Lải hay các dự án ở Ba Vì, Tam Đảo.
Thực tế cho thấy, các dự án này luôn được sự quan tâm rất lớn từ phía khách hàng là những người đầu tư và có nhu cầu nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, khách hàng vẫn ưa chuộng mua biệt thự trong khu nghỉ dưỡng vì được tận hưởng không gian nghỉ dưỡng thoải mái và thư giãn với các tiện ích đẳng cấp.
Mặt khác, khi lựa chọn các bất động sản nghỉ dưỡng "chuẩn" về pháp lý, của các chủ đầu tư uy tín, nhà đầu tư không phải "nơm nớp" lo sợ rủi ro mua phải đất rừng, đất nông nghiệp hay khả năng dự án có thể bị cưỡng chế thu hồi.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cùng với tầng lớp người giàu tăng mạnh, nhu cầu nghỉ dưỡng và sở hữu các bất động sản ven đô, ngôi nhà thứ hai để nghỉ ngơi của người dân đang tăng cao.
Trước thực tế khu vực trung tâm thành phố bị quá tải, môi trường ô nhiễm, không gian sống chật chội, cư dân sinh sống tại đây đang có xu hướng dịch chuyển về các vùng ven đô để sinh sống, nghỉ dưỡng hoặc về sống mỗi dịp cuối tuần.
Mặt khác, do hệ thống giao thông kết nối với trung tâm các thành phố lớn với các khu vực vùng ven đang càng thuận tiện, tạo điều kiện cho các bất động sản nghỉ dưỡng ven đô phát triển mạnh.
Tiềm năng phát triển còn rầt lớn, tuy nhiên theo vị chuyên gia này, nếu không tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền, người dân rất dễ gặp rủi ro về pháp lý do mua phải đất rừng, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi không được phép giao dịch như hàng loạt các công trình, dự án nghỉ dưỡng bị thanh tra chỉ rõ sai phạm trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, khi đầu tư một cách đơn lẻ, việc quản lý các tài sản ven đô, những ngôi nhà thứ hai này như thế nào cũng là câu hỏi khiến nhiều người phải đau đầu.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô muốn phát triển cần đáp ứng được tất cả các nhu cầu của người dân như tận hưởng cuộc sống; lợi nhuận từ việc cho thuê ổn định, lâu dài. Nếu các chủ đầu tư làm được điều này, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô sẽ phát triển rất mạnh, thậm chí không thua kém các sản phẩm nghỉ dưỡng biển.
Theo ông Đính, so với các biệt thự nghỉ dưỡng ven biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, cách xa các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, một năm người dân chỉ đi vài lần thì bất động sản nghỉ dưỡng ở vùng ven có ưu thế hơn hẳn bởi chỉ cách thành phố một giờ di chuyển, thuận tiện cho công việc, cuộc sống.
Ước tính của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, với thời gian di chuyển khoảng 90 phút cả đi lẫn về, mỗi năm người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần/năm.
Do đó, chỉ phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm. Trong khi đó, tỷ lệ số lượng sản phẩm nghỉ dưỡng này trong khoảng cách 60 - 100 km trên số lượng bất động sản nội đô mới chiếm dưới 1%.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills cũng cho rằng, thực tế cho thấy, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang ngày càng tăng cao. Trong tương lai, hạ tầng phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng phía Bắc tăng trưởng nhanh chóng.
Với sự cải thiện đáng kể về tình hình hoạt động khách sạn thời gian gần đây, sự thành công của biệt thự nghỉ dưỡng này chỉ còn là vấn đề về ý tưởng sản phẩm, thiết kế, cảnh quan và cách thức vận hành.
Từ trước đến này, các nhà đầu tư Hà Nội thường có xu hướng đầu tư nhiều vào khu vực miền Trung, Nam, chưa mặn mà nhiều với bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Tuy nhiên, với những tiềm năng sẵn có và nhu cầu lớn như hiện nay, xu hướng của các nhà đầu tư đang và sẽ thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.