Việt Nam Xanh

Kỳ III: Có một Y Tý với sương mù và mây trời là “đặc sản”

Việt Nam Xanh - 06:00, 14/08/2021 G8T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Nằm trên độ cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, dãy núi Nhìu Cồ San quê hương của người Hà Nhì là một trong những vùng đất có số ngày chìm trong mây mù và giá rét nhiều nhất trong năm ở Việt Nam.

Bởi hiếm khi được ánh mặt trời soi đủ cả ngày nên Y Tý còn được ví von với cái tên “vùng đất mù sương”. 

Lời tòa soạn:

Quần cư trong một thung lũng ở vùng biên giới, Y Tý là tên của  một xã cuối trời đất Việt thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi có những ngôi nhà trình tường trông như cây nấm mọc trên sườn núi của người Hà Nhì đen.

Có mặt ở Việt Nam cách đây hơn 300 năm trước, dân tộc Hà Nhì tụ cư ở Y Tý đã khai phá và bảo vệ vùng đất đai nơi địa đầu tổ quốc. Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này sẽ khám phá nơi được ví như thế giới cổ tích của người Hà Nhì này, từ kiến trúc trình tường độc đáo, cuộc sống cộng đồng ở các thôn Lao Chải, Chỏn Thèn, Ngải Thầu Thượng, Dìn Thàng, Hồng Ngài… đến hệ thống lễ, tết, hội phong phú như Tảo mộ, Khô Già Già, hội cầu mùa lớn nhất của người Hà Nhì đen… 

Những hình ảnh trong các phóng sự được chụp trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Không chỉ những ngôi nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì hay ruộng bậc thang tuyệt đẹp mới hấp dẫn bước chân những người yêu dịch chuyển, còn có một Y Tý với những ngày mà mù mây cũng là “đặc sản”. Cảm giác đó thật khó quên ngay lần đầu tiên khi có mặt ở Y Tý vào một ngày tháng Giêng năm 2007, tôi đã hít hà cái lạnh dưới 0 độ C trong không gian mù sương phủ kín thung lũng. 

Nép mình bên những mép núi, bản làng của người Hà Nhì như chốn bồng lai, thoát tục chìm trong sương mù ở Y Tý.
Nép mình bên những mép núi, bản làng của người Hà Nhì như chốn bồng lai, thoát tục chìm trong sương mù ở Y Tý. 

Bữa mù sương đó, bản làng ở Y Tý đẹp tựa mùa đông châu Âu, đó là chưa kể những ngày tuyết rơi gần đây. Bên bếp lửa nhà ông Chu Che Có, Trưởng thôn Lao Chải, tôi được nghe kể câu chuyện về tổ tiên của người Hà Nhì, vốn là tộc người Khương di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía Nam từ trước thế kỷ thứ III. Ông Có cũng như những người dân trong thôn vẫn sử dụng tiếng Quan Hỏa và nghĩa của cái tên Y Tý theo ngôn ngữ này cũng có nghĩa là “xứ mưa”, một cái tên giải thích rõ về nơi ẩm ướt với những đám mù, mây.

Một góc của thôn Chỏn Thèn lúc 17h45 chiều, khi sương mù bao phủ dày đặt khiến những thân cây ẩn hiện trong bảng lảng khói sương, vẽ nên vẻ trầm mặc của vùng đất…
Một góc của thôn Chỏn Thèn lúc 17h45 chiều, khi sương mù bao phủ dày đặt khiến những thân cây ẩn hiện trong bảng lảng khói sương, vẽ nên vẻ trầm mặc của vùng đất…
... vẻ đẹp bình dị của con người Y Tý trong sương mù và giá rét nơi góc chợ Y Tý.
... vẻ đẹp bình dị của con người Y Tý trong sương mù và giá rét nơi góc chợ Y Tý.

Những ngày sống chậm trên núi cùng người Hà Nhì đen ở Y Tý thực sự là những trải nghiệm đặc biệt với chúng tôi, một trong những nhóm phóng viên có thời gian “cắm bản” lâu nhất ở đây. Nơi mảnh đất ngút ngàn sương gió và mây trời ấy, những người Hà Nhì đồng tộc của ông Chu Che Có cả ngàn năm trước luôn chọn nơi cư trú của mình gần một nguồn nước, vừa đảm bảo cho sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. 

Buổi cuối chiều khi Y Tý chìm trong sương mù và cái lạnh giá như châm vào da thịt, con suối nhỏ là nơi những người phụ nữ Hà Nhì tập trung cho những sinh hoạt cuối ngày…
Buổi cuối chiều khi Y Tý chìm trong sương mù và cái lạnh giá như châm vào da thịt, con suối nhỏ là nơi những người phụ nữ Hà Nhì tập trung cho những sinh hoạt cuối ngày…
… thấp thoáng những ngôi nhà tường trình vuông vức cùng những lối đi, bờ rào đá đã xanh rêu như tô vẽ thêm vẻ trầm mặc của vùng đất luôn chìm trong giá rét, sương mù.
… thấp thoáng những ngôi nhà tường trình vuông vức cùng những lối đi, bờ rào đá đã xanh rêu như tô vẽ thêm vẻ trầm mặc của vùng đất luôn chìm trong giá rét, sương mù.

Ngay giữa thôn Lao Chải là con suối nhỏ, nơi nguồn nước trong lành chảy suốt ngày đêm từ trên núi xuống và chúng tôi thực khó quên bữa rau núi của bà Hà So Bớ, vợ ông Chu Che Có. Sau khi đã ăn hết quả su su, bà Bớ nhổ cây cải Mèo nơi góc vườn “đãi” chúng tôi. Chỉ chặt gốc mang ra con suối để nước xối qua, bà cho nguyên cây cải mèo vào xoong và lấy thứ nước suối trong vắt ấy luộc cho chúng tôi bữa canh rau núi mang hương vị thật khó quên. 

Những người phụ nữ Hà Nhì lầm lũi trong trong làn hơi trắng sữa, mù đặc với chiếc gùi có sợi dây tết bằng lông đuôi ngựa quàng trên trán để vận chuyển những bao tải lúa và rau rừng về bản…
Những người phụ nữ Hà Nhì lầm lũi trong trong làn hơi trắng sữa, mù đặc với chiếc gùi có sợi dây tết bằng lông đuôi ngựa quàng trên trán để vận chuyển những bao tải lúa và rau rừng về bản…
… trên cung đường từ rừng già về bản toàn đường đất dốc, trơn trượt đôi khi họ phải sử dụng ngựa thồ.
… trên cung đường từ rừng già về bản toàn đường đất dốc, trơn trượt đôi khi họ phải sử dụng ngựa thồ.

Để phù hợp với cuộc sống nơi các làng bản nép mình bên những mép núi, trong sương mờ, trang phục phù hợp cũng chính là căn cứ để các nhà nghiên cứu dân tộc học phân biệt người Hà Nhì đen ở Y Tý với người Hà Nhì hoa các nơi khác. Người Hà Nhì đen ở Y Tý mặc trang phục màu chàm đen và quần áo của đàn ông thường chỉ có một màu, cúc cài trước ngực. Y phục của phụ nữ áo cổ tròn, phần cuối vạt trước và sau cắt lượn hình tam giác cân. Bộ trang phục đẹp nhất là những chiếc mũ vải của trẻ em. Chúng được trang trí bằng những đồng xu nhôm, có làm quả bông các loại chỉ mầu, làm tua rua đầu quả bông.  Vừa có tính chất để làm đẹp lại vừa có tính chất trừ tà ma.

Sương trắng mịt mờ phủ kín các lối đi nhỏ, nối các ngôi nhà trình tường với nhau khiến cho những kẻ lãng du rất dễ lạc bước nhau.
Sương trắng mịt mờ phủ kín các lối đi nhỏ, nối các ngôi nhà trình tường với nhau khiến cho những kẻ lãng du rất dễ lạc bước nhau.

Trong những trang phục ấy, thay bằng cõng trên lưng nặng trĩu những chiếc gùi, phụ nữ Hà Nhì đen ở Y Tý lại đeo gùi với một sợi dây tết bằng lông đuôi ngựa quàng trên trán để gùi củi, rau rừng thuận tiện, đi được mọi địa hình.
Những ngày lang thang ở xứ trình tường, những đống củi xếp ngăn nắp bắt gặp bên hông những ngôi nhà gây ấn tượng mạnh với chúng tôi.

Vào những tháng cuối năm trên cao nguyên của sương mù và giá rét này, giữa lớp học của các em nhỏ ở Y Tý là một đống lửa lớn đốt lên tránh cái lạnh khắc nghiệt.
Vào những tháng cuối năm trên cao nguyên của sương mù và giá rét này, giữa lớp học của các em nhỏ ở Y Tý là một đống lửa lớn đốt lên tránh cái lạnh khắc nghiệt.

Ở cái xứ mù mây, giá rét này, củi không còn đơn thuần là chất đốt đun nấu nữa, đó còn là chất liệu sưởi ấm, chống lại cái lạnh giá của những ngày mù mịt, ẩm ướt. Để có đống củi lớn bên hiên nhà, những người phụ nữ Hà Nhì đen như bà Hà So Bớ và con gái phải mất bao tháng ngày cần mẫn thu lượm trong rừng. Khối củi xếp quanh nhà cũng là một phần thước đo phẩm hạnh của người con gái Hà Nhì khi các chàng trai tìm hiểu, kén chọn. Bởi thế mà ông Chu Che Có bảo tôi, nếu muốn tìm hiểu cô gái Hà Nhì nào ở bản của ông, nhất là tính chịu thương, chịu khó cứ nhìn vào những khối củi đun xếp quanh nhà của họ.

Bốn bề là núi cao, cao nguyên Y Tý có những ngày có cả “đại dương mây” khi tiết trời trở lạnh. Cả thung lũng rộng lớn chỉ sau một đêm đã nằm gọn dưới những lớp mây, biến những đỉnh núi cao thành những hòn đảo nhỏ trong biển mây trắng xóa.
Bốn bề là núi cao, cao nguyên Y Tý có những ngày có cả “đại dương mây” khi tiết trời trở lạnh. Cả thung lũng rộng lớn chỉ sau một đêm đã nằm gọn dưới những lớp mây, biến những đỉnh núi cao thành những hòn đảo nhỏ trong biển mây trắng xóa.
Bạn đang đọc bài viết Kỳ III: Có một Y Tý với sương mù và mây trời là “đặc sản” tại chuyên mục Việt Nam Xanh của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục