Khu trưng bày tượng gỗ dân gian ở làng Ốp (Plei Ốp), TP. Pleiku với 54 tượng gỗ hiện trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng thu hút du khách ghé thăm trong những ngày ở Gia Lai. 14 tượng thú, 4 tượng đồ vật, 36 tượng người được sắp đặt thành 7 khu vực phía bên phải nhà rông làng Ốp khiến nơi đây trở thành không gian mang kiến trúc đặc trưng, phản ánh đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng dân tộc Bana và Jrai bản địa.
Được quy hoạch thành làng văn hóa - du lịch đầu tiên ở Pleiku, làng Plei Ốp với khu tượng gỗ dân gian trưng bày tại nhà rông hiện trở thành điểm đến dành cho những du khách muốn tìm hiểu văn hóa bản địa của đồng bào mà không phải đi quá xa thành phố.
Tác giả của những bức tượng gỗ này là các nghệ nhân người dân tộc Bana và Jrai, những người có nhiều trải nghiệm sống và vốn hiểu biết văn hóa về dân tộc mình. Để tạc nên những bức tượng gỗ vừa có hồn lại vừa gần gũi với đời sống sinh hoạt của dân làng, họ chỉ sử dụng các dụng cụ đơn giản như đục, rìu, rựa, dao… Ở mỗi bức tượng như tượng mẹ ôm con, mang gùi, các loài chim, thú, người ôm mặt buồn... đều ẩn chứa tình cảm của người nghệ nhân với tác phẩm của mình. Đó cũng là lý do khiến du khách như được chứng kiến đời sống hằng ngày của những cư dân nơi đại ngàn ở vườn tượng gỗ làng Ốp.
Người Bana, Jrai chiếm hơn 44% dân số ở Gia Lai và từ nhiều năm nay, Plei Ốp là nơi giữ được những nét đặc trưng của một làng Jrai bản địa. Đây là lợi thế để dân làng Plei Ốp phát triển du lịch cộng đồng, tăng thu nhập và giữ gìn, quảng bá văn hoá dân tộc Jrai. Hiện 6 nhà hàng và 7 nhà sàn trong làng đón du khách đều được làm bằng tre, gỗ, theo đúng kiến trúc nhà ở của người Jrai. Đây cũng là nơi mà các món ẩm thực bản địa của người Jrai như cơm lam, gà nướng, lá sắn xào cà đắng, thịt heo rừng nướng trong ống lồ ô... được chế biến phục vụ thực khách.
Ngày cuối tuần nếu có dịp đến Plei Ốp, các nghệ nhân của làng sẽ tổ chức đánh cồng chiêng đón du khách với những bài trầm hùng. Cùng những điệu xoang uyển chuyển của trai gái trong làng, bạn vừa có dịp thưởng thức ẩm thực Jrai, vừa cùng họ trải nghiệm một không gian văn hoá, nghệ thuật đặc trưng của người dân bản địa Tây Nguyên trong vùng.