Chưa có chuyến đi nào thực hiện các phóng sự lại được chuẩn bị kỹ càng như chuyến đi cá nhân ra đảo Lý Sơn. Kỹ và chi tiết bởi để đến “thiên đường biển” này phải di chuyển bằng nhiều phương tiện: Máy bay, ô tô, tàu cao tốc, siêu tốc trên biển, thuyền, xe máy, xe tự chế của ngư dân trên đảo... với quỹ thời gian eo hẹp.
Gần một giờ “bồng bềnh” trên chuyến tàu cao tốc rẽ sóng nước ra Lý Sơn, tôi có mặt ở huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi vào một cuối chiều. Không phải mùa du lịch, khách vắng, Lý Sơn được trả lại đúng không gian hoang sơ, thanh bình với màu ngọc bích xanh trong của biển.
Mang theo số báo mà các đồng nghiệp trước đó đã thực hiện về “Hải đội Hoàng Sa” tặng ông Phạm Quang Ri (60 tuổi), Trưởng Ban quản lý Âm linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa được nghe ông kể về những ngư dân mở cõi trên đảo.
Theo ông Ri, Cù lao Ré, tên gọi khác của hòn đảo biệt lập Lý Sơn xưa là nơi mà 15 vị tiền hiền thời Chúa Nguyễn ra mở đất, lập làng và hiện là 15 tộc họ lớn trên đảo. Đảo Lớn có 2 xã là An Vĩnh với 6 tộc họ lớn và An Hải với 7 tộc họ lớn. Người dân các tộc họ này chỉ bằng những chiếc thuyền câu mỏng manh, chèo tay những đã vượt trùng khơi làm nhiệm vụ tiên phong chinh phục biển Đông, trong đó có “dải cát vàng” Hoàng Sa cả mấy trăm năm trước.
Trước khi chia tay, ông Ri có lời khuyên tôi nếu chưa chinh phục đỉnh núi Thới Lới thì xem như chưa đến Lý Sơn. Thế là với mấy chiếc xe máy thuê của người dân trên đảo, tôi cùng những người bạn đồng hành ngược lên miệng “hỏa diệm sơn”.
Con đường thoai thoải chừng 7km từ cầu cảng Lý Sơn, xe chạy đủ vòng qua sườn phía đông hòn đảo là hướng lên ngọn núi cao gần 170m so với mặt nước biển. Trước khi lên đỉnh Thới Lới, có một trảng đất rộng, tương đối bằng phẳng là địa điểm dựng cột cờ Lý Sơn. Ở đó, một bên là núi non hùng vĩ, một bên là sóng vỗ dập dồn, xa xa là ngọn cờ chủ quyền của Tổ quốc tung bay trong gió biển.
Là ngọn núi lớn nhất trên đảo Lý Sơn, đỉnh Thới Lới vốn là miệng của một núi lửa đã tắt và hiện trở thành điểm check-in được giới trẻ yêu thích. Hồ nước ngọt trên đỉnh núi Thới Lới lọt thỏm ở miệng núi lửa ngưng hoạt động này cũng chính là nguồn nước cung cấp cho cư dân ở đảo Lý Sơn.
Cheo leo bên bờ hồ có một khối đá nghiêng nghiêng, tựa hình con trâu nằm nghỉ. Từ mỏm đá có tên hòn Trâu này, tôi phóng tầm nhìn ra xa, cánh đồng hành tỏi Lý Sơn nổi bật giữa biển trời trong veo cuối thu với nhiều tầng bậc, sắc màu. Và chỉ đứng ở mỏm trâu nằm này, một "vương quốc hành tỏi" với cánh đồng cát và thổ nhưỡng đặc biệt hòa trong gió biển mặn mòi mang lại hương vị đặc biệt cho thứ đặc sản Lý Sơn mà không nơi nào khác có được.