Có hay không sự dư thừa nguồn cung?
Quý II/2018 là quý thứ ba liên tục nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm so với các quý trước. Công ty Cổ phần Bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA) dự báo, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cuối năm 2018 không có nhiều biến chuyển so với các quý trước. Theo dự báo, trong thời gian tới, nguồn cung biệt thự biển hạn chế, nguồn cung condotel khá dồi dào nhưng lượng tiêu thụ không khởi sắc. Các chủ đầu tư chú trọng tạo ra điểm nổi bật, lợi thế cạnh tranh cho dự án để thu hút người mua.
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sau một thời kì tăng quá nóng, đến thời điểm hơn nửa năm nay tại nhiều địa phương ít có dự án mới được tung ra thị trường. Phần khác, pháp lý cho sản phẩm condotel đến nay vẫn chưa rõ ràng nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý khách hàng, nhà đầu tư; ngân hàng cũng đang thực hiện các biên pháp siết chặt nguồn vốn vào bất động sản, tăng lãi suất cho ngay mua nhà ở... nên tác động không nhỏ đến thị trường.
Tại buổi Tọa đàm “Bất động sản nghỉ dưỡng – Kênh đầu tư sinh lời vượt trội”, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, cầu về du lịch tăng đòi hỏi khu vực bất động sản nghỉ dưỡng phải tăng trưởng theo để đảm bảo cung cấp dịch vụ lưu trú. “Đầu tư vào phân khúc nghỉ dưỡng không có chuyện cung vượt quá cầu, khả năng bão hòa còn lâu mới xảy ra… Mức tăng có thể vượt dự đoán của chúng ta rất nhiều lần”.
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), nhận định thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm ngoái và đầu năm nay đã phát triển hơn cả mong đợi. Các chủ đầu tư đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án quy mô lớn hơn, trải rộng khắp các tỉnh, thành có lợi thế du lịch biển.
Trong đó, các sản phẩm sẽ tiếp tục được tiếp thị dưới nhiều hình thức khác nhau. Các công cụ tài chính mới sẽ tiếp tục được thử nghiệm. Hàng trăm dự án nghỉ dưỡng ra đời, đưa ra thị trường hàng ngàn căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp ở các loại hình khác nhau.
Đặc biệt, ông Chiến cho rằng những tháng sắp tới nhu cầu bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tăng cao nhờ các công cụ như condotel, hometel, timeshare... Dự báo năm 2018, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bất động sản tên tuổi, có thể các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng giá rẻ sẽ bước vào cuộc đua chất lượng sôi động hơn.
"Quan sát cho thấy dòng vốn vẫn đang tiếp tục được đổ vào các địa điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hay Sa Pa, Hạ Long... Thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới và được đầu tư tích hợp nhiều hạng mục tiện ích. Nguồn cung mới sẽ khiến thị trường cạnh tranh hơn", ông Chiến cho biết thêm.
Bên cạnh đó, bất động sản và du lịch luôn có sự phát triển cộng hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau và cùng chịu ảnh hưởng vào khá nhiều chính sách chung của Nhà nước. Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trong những năm gần đây và bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ đồng hành, vừa đáp ứng vừa kích thích nhu cầu du lịch. Ngành du lịch đang cần rất nhiều căn hộ nghỉ dưỡng. Do đó, trong trung hạn không có khả năng xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng.
Nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn trong vòng 5 năm tới. Do vậy, để phát triển dài hạn phân khúc này, các nhà đầu tư cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh của thị trường.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MIK cho biết thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch tại Việt Nam sẽ còn phát triển đột phá trong tương lai. Để làm được điều đó, cần sự vào cuộc của cả nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.
Ở tầm vĩ mô, cần có chiến lược phát triển du lịch dài hạn, từng bước định vị Việt Nam trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng mới của châu Á, biến Việt Nam thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách, thay vì Bali, Madives hay Phuket. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thực hiện những chương trình quảng bá du lịch lớn nhằm từng bước thay đổi tư duy của khách quốc tế khi cho rằng “đi du lịch Việt Nam vì giá rẻ”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm du lịch cũng cần chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo chuẩn quốc tế để hướng đến đối tượng khách cao cấp hơn với khả năng chi tiêu cao thay vì chạy theo số lượng.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, các chủ đầu tư cần đưa ra những sản phẩm, dịch vụ đặc biệt để giữ chân du khách như các khu nghỉ dưỡng tích hợp, đồng thời cũng cần đi ra nước ngoài nhiều hơn để học hỏi, cần kết hợp với các nhà đầu tư quốc tế để có được các tiêu chuẩn quốc tế và da dạng hoá các sản phẩm trong chính khu nghỉ dưỡng của mình.