Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Nhiều tòa nhà chọc trời, các khu bất động sản nhà ở và trung tâm thương mại cao cấp mọc lên trong thời gian qua đã đưa Hà Nội lọt vào danh sách những thành phố toàn cầu. Cùng với sự phát triển này là việc nhiều vùng đất nông nghiệp đang dần biến mất, môi trường lọt top 10 thành phố có bầu khí quyển ô nhiễm nhất thế giới.
Lúc này, việc nghỉ ngơi ăn uống ở nhà hàng, khách sạn và du lịch trong thành phố đối với người dân địa phương và du khách quốc tế đã không còn mấy thú vị. Xu hướng giờ đây là du lịch gắn với tự nhiên và thoát khỏi đô thị khi việc sống trong khu vực nội đô đối với nhiều người là một điều miễn cưỡng.
Hai lựa chọn được đưa ra là “lên núi” hoặc “xuống biển”. Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Phú Thọ kiêm Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội (Hanta) cho rằng, du lịch biển đang bùng nổ nhưng du lịch lên các vùng cao cũng là một lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt với những người trẻ thích trải nghiệm, khám phá và yêu thiên nhiên. Nhưng hình thức này thường khó để phục vụ số đông do thiếu thốn về hạ tầng, đường đi khó khăn…
Do vậy, bài toán đưa ra là cần làm thế nào để vừa có thể thoả mãn đam mê khám phá thiên nhiên, văn hoá của giới trẻ, vừa có thể phục vụ số đông khách du lịch, kể cả những người lớn tuổi muốn tìm một nơi khác biệt để cùng gia đình “đi trốn” mỗi cuối tuần.
Trao đổi với TheLEADER, ông Thản nhận định, du lịch ven đô sẽ là một trong những câu trả lời cho bài toán này bởi tiềm năng của nó lớn hơn nhiều so với du lịch biển. Du lịch ven đô có thể cung cấp một tổng hoà từ môi trường sinh thái đến di tích lịch sử, trải nghiệm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, văn hoá địa phương.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hanta, trong bán kính 50 - 70km kể từ nội đô đều có thể phát triển du lịch. Chính vì vậy, các địa phương và doanh nghiệp cần nhìn nhận được xu hướng về dã ngoại, du lịch trải nghiệm đang lên ngôi, từ đó có chiến lược khai thác và phát triển du lịch hiệu quả.
Một thực trạng được ông Thản chỉ ra là du lịch ven đô hiện nay hầu hết đều mang tính tự phát, kể cả Hà Nội và các tỉnh lân cận như Phú Thọ. Sản phẩm du lịch còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn kém và chưa đồng bộ nên chưa tạo được sức hút và mang lại nguồn lợi cao về kinh tế.
“Cần đa dạng hoá sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Phát triển du lịch ven đô có thể gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng dân cư, giúp các đơn vị dịch vụ tăng doanh thu để từ đó đóng góp vào ngân sách”, ông Thản nhìn nhận.
Tiềm năng du lịch ven đô là rất lớn nhưng theo chủ tịch Hanta, cần có chiến lược phát triển sản phẩm, phân bổ nguồn lực và trách nhiệm hợp lý cho cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư.
Cần đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu nhất cho khách như an ninh trật tự, viễn thông, khu vệ sinh, đường đi, ẩm thực địa phương, văn hoá dân gian và các sản vật địa phương… Ngoài việc tạo nên sự đồng bộ trong phát triển du lịch, phải tạo nên các quần thể để du khách có thể ở lại lâu hơn và có nhiều dấu ấn hơn.
Ông Thản cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp Việt hiện vẫn chưa đủ tầm để quan tâm phát triển du lịch ở các khu vực ven đô. Nếu có quan tâm thì cũng chưa đủ lực để đầu tư.
“Vì vậy cần có thời gian lan toả tiềm năng phát triển du lịch ven đô đến các địa phương và doanh nghiệp, dẫn dắt họ phát triển bền vững và xây dựng một tầm nhìn dài hạn”, ông Thản nhận định.
Lãnh đạo Hanta đề xuất dành khoảng 80% nguồn lực trong giai đoạn đầu để thay đổi nhận thức cho các cơ quan công quyền, cán bộ địa phương, cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư bởi khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề nhận thức.
Nhận thức để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến tiềm năng thành hiện thực và của cải, biến lợi thế thành lợi nhuận. Đặc biệt, cần có sự phối hợp, chia sẻ giữa các cơ quan công quyền với cư dân và các nhà đầu tư để chuyển đổi các vùng, địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch ven đô.
“Các cấp chính quyền cộng với cộng đồng dân cư và doanh nghiệp cần kết nối và gắn bó với nhau với sự tham vấn của các hiệp hội. Cần xây dựng văn hoá, kỹ năng và đạo đức làm việc cho không chỉ doanh nhân, nhân viên công sở mà còn cán bộ công chức và dân cư để có thể tạo ra một sản phẩm tổng hợp, đáp ứng nhu cầu và thu hút du khách”, ông Thản gợi ý.
Ngoài ra, chất lượng nhân sự cũng là một vấn đề cần được chú trọng. Sự hài lòng của khách hàng thường phản ánh chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này lại bắt nguồn từ văn hoá, kỹ năng của cán bộ, nhân viên, bắt nguồn từ công nghệ, môi trường đầu tư…
Để phát triển du lịch ven đô một cách đồng bộ và hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội đề nghị Nhà nước lắng nghe và thấu hiểu thị trường mà đại diện là các đơn vị lữ hành; lắng nghe những bất cập của cộng đồng dân cư và các đơn vị lưu trú để tháo gỡ khó khăn và nâng cao dần nhận thức, văn hoá, đạo đức, chất lượng sản phẩm, thái độ làm việc của cán bộ nhân viên.