Khi sân golf nằm trong hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng
Những năm gần đây, các sân golf được khánh thành tại Việt Nam đều mang điểm chung là gắn liền với các khu nghỉ dưỡng cùng hàng loạt dịch vụ “đính kèm” đẳng cấp tiêu chuẩn 5 sao. Có thể kể đến như Bà Nà Hill Gold Club của Sun Group; hệ thống Vinpearl Golf của Vingroup trải dài từ Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Nam Hội An đến Phú Quốc; hay FLC Samson Golf Links, FLC Halong Golf Club của FLC;... Đánh giá tổng quan cho thấy, nhiều khu nghỉ dưỡng có tỷ lệ khách tham gia các chương trình du lịch kết hợp với chơi golf khá cao.
Thay vì tâm lý đến chỉ để chơi golf, xu hướng kết hợp nghỉ dưỡng và tìm đến sân golf trong quần thể du lịch đã dần chiếm ưu thế. Theo đánh giá của giới chuyên môn, sự kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng và chơi golf đã đáp ứng đúng nhu cầu và trúng thị hiếu của người tiêu dùng. Chưa kể, mối quan hệ cộng sinh giữa hai thị trường này đã và đang tạo sức hút mạnh mẽ cho ngành công nghiệp không khói.
Đó cũng là lý do khiến Thái Lan, một đất nước có cùng điểm xuất phát với Việt Nam trong lĩnh vực golf, giờ đây đã trở thành thiên đường golf của châu Á. Mô hình sân golf kết hợp với bất động sản nghỉ dưỡng được coi là chìa khóa giúp thị trường golf ở Thái Lan có bước phát triển nhảy vọt. Ông Tanes Petsuwan – Phó Cục trưởng Tổng Cục du lịch Thái Lan từng phát biểu: “Thái Lan vượt trội trong việc cung cấp trải nghiệm golf một cách hoàn chỉnh, không chỉ dừng lại ở sự đa dạng của các sân golf với những tiện nghi được tiêu chuẩn hóa, mà còn là những trải nghiệm độc đáo văn hóa của các địa phương đã giúp Thái Lan mang lại sức hút đặc biệt, cạnh tranh với các nước trong khu vực và toàn cầu”.
Quay trở lại với tiềm năng của thị trường golf Việt Nam, có thể khẳng định xu hướng golf kết hợp với bất động sản nghỉ dưỡng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhận định về xu hướng này, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng chia sẻ: “Chúng ta hoàn toàn có tiềm năng cạnh tranh với các nước trong khu vực ở thị trường golf. Kết hợp với các bãi biển đẹp, các quần thể nghỉ dưỡng có hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh, cơ hội để ngành golf phát triển, góp phần thu hút và giữ chân du khách tại Việt Nam là rất lớn”.
Đặc biệt, công bố mới đây của Tổng Cục Du lịch cho biết, lượng khách quốc tế tới Việt Nam tính đến tháng 9 đạt 11,6 triệu lượt. Đây được coi là tiềm năng lớn cho thị trường golf. Còn, theo Công ty Tư vấn Knight Frank, số lượng những người siêu giàu Việt Nam đang tăng với tốc độ hàng đầu thế giới.
Với bối cảnh đầy thuận lợi như vậy, giới nghiên cứu đánh giá rằng, nhu cầu hưởng thụ các loại hình du lịch sang trọng kết hợp với golf chắc chắn là điều khó có thể thiếu trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp tại Việt Nam.
Cặp đôi hoàn hảo
Phân tích các lý do khiến xu thế golf kết hợp với nghỉ dưỡng đang trở thành chiến lược của các nhà đầu tư, ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam cho rằng, thị trường golf Việt Nam chưa hút được khách du lịch bởi hạn chế về cơ sở hạ tầng và chi phí cao. Đặc biệt, các nhà đầu tư hiện nay đều làm giàu từ bất động sản trước, sau đómới có tiền để đầu tư vào sân golf. Tuy nhiên, muốn duy trì vào bảo dưỡng được sân golf thì chi phí vô cùng đắt đỏ.
“Một sân golf trung bình một năm mất khoảng 600 nghìn USD đến gần 2 triệu USD để bảo trì, bảo dưỡng. Nếu sân golf là một điểm nhấn của cả quần thể du lịch, giúp cảnh quan đô thị đẹp hơn thì nó sẽ là yếu tố quan trọng làm tăng giá trị của đất. Điều đó đồng nghĩa chủ đầu tư có thể kiếm lời từ việc bán biệt thự, resort, thuê phòng,… Còn nếu chỉ nguồn thu tiền từ kinh doanh golf thì tự bản thân nó không đủ nuôi nó. Ví dụ như sân golf ở Quy Nhơn, Quảng Ngãi hay sân golf Mũi Né, Phan Thiết đều gặp khó khăn về tài chính. Nhưng nếu biến sân golf thành một phần của bất động sản, nhà đầu tư có thể cân bằng được chi phí và thu lãi”, ông Vũ nói.
Rõ ràng, để cân bằng được bài toán lợi ích kinh tế, chính nhà đầu tư bỏ vốn vào sân golf cũng buộc phải tìm kiếm hướng kinh doanh mới. Và việc biến sân golf thành “nam châm” cho các dự án bất động sản được các chủ đầu tư đặc biệt quan tâm. Ông Mark Seigel, Giám đốc Điều hành giải Golf Asian đã có một ước tính lạc quan rằng, du lịch nghỉ dưỡng kèm theo golf có thể mang lại doanh thu 200 - 300 triệu USD hằng năm cho Việt Nam nếu được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp.
Ở khía cạnh khác, theo ông Thân Thành Vũ, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với golf sẽ tạo ra rất nhiều lợi thế. Ông Vũ cho rằng: “Khi du khách tới điểm nghĩ dưỡng, họ có thể ở lại vài tuần. Ví dụ ra hội chợ Bà Rịa - Vũng Tàu, họ vừa muốn chơi casino, vừa muốn có nhà hàng để ăn, có trung tâm để mua sắm, có biển để tắm và có sân golf để chơi. Golf đi kèm các tiện ích dịch vụ khác sẽ tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Trong khi ở đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gòn, 90% khách đánh golf xong sẽ về nhà, nên nhu cầu nghỉ dưỡng khá thấp, thì ở Bình Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Vĩnh Phúc, sân golf gắn với quần thể nghỉ dưỡng lớn sẽ tạo thuận lợi cho các khách từ xa đến. Sân golf phát triển thì các giá trị xung quanh sẽ tăng lên. Mô hình sân golf kết hợp với nghỉ dưỡng không chỉ có lợi về mặt kinh tế cho dự án mà còn mang lại lợi ích về mặt giá trị nghỉ dưỡng cho khách thay vì sân golf đứng độc lập”.
Như vậy, trên góc độ của nhà đầu tư, việc biến golf trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái nghỉ dưỡng là chiến lược để tìm kiếm lợi nhuận và phát triển bền vững. Còn ở góc độ người tiêu dùng, sự kết hợp của hàng loạt dịch vụ, tiện ích sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách và thu hút khách.
“Các sân golf được khánh thành ở Việt Nam gần đây đều gắn với các khu nghỉ dưỡng cùng nhiều dịch vụ đẳng cấp tiêu chuẩn 5 sao, hướng tới mục đích hấp dẫn các khách du lịch chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng, đặc biệt tại khu vực dọc bờ biển miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang). Nhiều khu vực nghỉ dưỡng ở khu vực này có tỷ lệ khách tham gia các chương trình du lịch kết hợp chơi golf cao. Và Việt Nam được nhiều tổ chức chuyên ngành golf và truyền thông quốc tế đánh giá, xếp hạng là điểm đến du lịch golf hấp dẫn". - Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam - “Sân golf ngày nay gắn liền với các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Nó là giá trị gia tăng cho các khu nghỉ dưỡng, giúp kéo khách du lịch quốc tế đến với các vùng du lịch của Việt Nam. Kể cả những vùng trước đây không ai biết đến, chỉ có nắng gió và cát trắng, thì nay, khi các sân golf mọc lên cùng các khu nghỉ dưỡng, khách du lịch kéo đến, lưu trú, ăn uống, mua sắm,... tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động. Thay vì một đồi cát trống không, giờ đây ta có một vùng xanh mướt mắt, có khách sạn, resort, có khách du lịch, người dân có việc làm,... đây quả thật là mô hình mang lại nhiều lợi ích cho xã hội”. - Luật sư Trần Duy Cảnh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam - |