Trong những chuyến “lênh đênh” theo dọc dài đất nước, ấn tượng nhất trong tôi về cuộc sống trên những chiếc ghe, thuyền vừa là nhà ở, vừa là phương tiện mưu sinh phải kể đến chợ nổi Cái Răng, nơi gắn với cuộc sống của “dân thương hồ” và những người nương theo con nước mưu sinh trên phá Tam Giang.
Với “cần câu cơm” là những chiếc ghe, xuồng, “dân thương hồ” (người buôn bán trên sông) như ông Nguyễn Văn Hậu (53 tuổi) quanh năm lấy lênh đênh sông nước làm bầu bạn.
Dù bây giờ chợ nổi Cái Răng cùng ghe thương hồ không còn nhộn nhịp như xưa nhưng có thức giấc sớm, khi chú gà trống trên mui ghe cất tiếng gáy, mới chứng kiến một cuộc mưu sinh nhọc nhằn của ông Nguyễn Văn Hậu và bạn thương hồ.
Chợ nổi họp từ rất sớm nên ông Hậu cùng mọi người tất bật chuẩn bị ghe thuyền di chuyển ra khu vực họp chợ trên sông Hậu, đoạn dưới chân cầu Cái Răng. Nếu ngày xưa, chợ nổi là nơi chủ yếu ông trao đổi, mua bán các mặt hàng nông sản thì giờ hầu như muốn mua gì cũng có. Có chăng, cách mua bán độc đáo ở chợ nổi là vẫn còn đó, người bán như ông tung hứng hàng hóa một cách điêu luyện đến người mua. Trên mỗi ghe thuyền, cây sào dài, nơi người ta treo lên thứ mình đang bán, gọi là cây bẹo cũng không có gì thay đổi.
Tan chợ, các gia đình thương hồ lại trở về và khi cây bẹo nơi mũi thuyền tháo xuống, nó trở thành những “căn hộ di động” trên sông nước. Đó là nơi vui sống của nhiều thế hệ thương hồ bên những chậu hoa kiểng, vật nuôi, các tiện nghi... và cả xe gắn máy đậu trên mũi ghe, như chứng tỏ “đẳng cấp” của gia chủ.
Nếu những “căn hộ di động” trên sông nước chợ nổi Cái Răng là nơi sinh sống thế hệ thương hồ thì sự khốc liệt và dữ dằn của mẹ thiên nhiên từng biến vùng trời nước Tam Giang thành nơi khó sống với những câu chuyện huyền bí của ngư dân sống “lênh đênh” vùng đầm phá. Vùng đất rộng, lại ngập sâu trong nước, đầy sình lầy, sóng gió mặt nước bất trắc, thuyền bè đi ở Tam Giang dễ gặp nạn, từ đó mới lưu truyền câu ca: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.
Là nơi ba con sông lớn xứ Huế là sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu "hẹn hò" trước khi đổ ra cửa biển, phá Tam Giang được coi là hệ thống đầm phá nước lợ lớn nhất vùng Đông Nam Á. Vùng trời nước này cũng nổi tiếng là lắm tôm, nhiều cá, trong đó có nhiều loài hải sản quý như tôm, trìa, cá ong, cá nâu, cá dìa, cá dầy, cá chình… Nay thì nhiều dịch vụ du lịch, ẩm thực đã mọc lên bên bờ phá Tam Giang nhưng ở nơi đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này vẫn còn những mảnh đời mưu sinh nhọc nhằn trong cái khoang thuyền chật hẹp, giữa bốn bề không gian bao la khoáng đãng của trời nước. Bù lại, phá Tam Giang hào phóng ban tặng cho họ vô vàn những sản vật ngon và quý. Đặc biệt là cá nâu hình dáng như con cá chim nhưng chỉ nhỏ bằng khoảng ba ngón tay đem nấu cháo thì ngon chớ kể. Thịt cá ngọt thơm, bộ lòng có vị nhân nhẩn đắng nhưng theo dân gian đó là vị thuốc chữa chứng mất ngủ tốt không thuốc gì sánh bằng.
Lên chuyến đò gỗ, cũng là “ngôi nhà” giữa thiên nhiên kỳ thú của Tam Giang của anh Hồ Ngọc Minh, một ngư dân ở Cồn Tộc đã giúp chúng tôi thỏa “một chuyến lênh đênh”. Điệu nghệ “lách” đò qua hàng loạt nò sáo ken dày trên mặt nước, anh Minh khiến chúng tôi liên tưởng đi giữa vùng nò sáo thực giống trận đồ của anh em nhà Nguyễn Thị Tam Hùng ở vụng Lương Sơn trong Thủy Hử. Một khi không quen, khó tìm được lối ra, vào trên vùng sóng, nước.
Cũng trên chiếc đò bữa đó, anh Minh hướng dẫn chúng tôi giăng lưới, thả lừ và trong lúc chờ tôm, cua, cá, ghẹ… mắc bẫy, nhâm nhi lon Huda, bia riêng xứ Huế. Vài tiếng sau, cả một trời hải sản tươi sống đủ loại đã được bắt lên, nướng ngay nơi chúng sinh sống, một vùng mênh mang trời nước. Quả là một trải nghiệm thú vị khó quên, của một chuyến lênh đênh.