Bất động sản du lịch

Về Tiên Điền, thăm vườn họ Nguyễn của đại thi hào Nguyễn Du

Bất động sản du lịch - 06:30, 08/02/2020 G2T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Khu vườn họ Nguyễn ở Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là nơi xưa kia đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều, nay trở thành điểm đến văn hóa trong những ngày du xuân.

Thăm mảnh đất tiên của Nguyễn Du, tôi cũng như nhiều văn nhân, du khách yêu thích Truyện Kiều không khỏi bồi hồi giữa một không gian gồm nhiều quần thể, di tích được giữ gìn, tôn tạo tận hôm nay.

Chia thành 6 khu vực chính (bao gồm đền thờ cụ Nguyễn Nghiễm, đền thờ cụ Nguyễn Trọng, 2 ngôi nhà tư văn, khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du), Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Lối vào khu vườn xưa của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Trải qua hơn 400 năm lịch sử, những di sản văn hóa trong Khu di tích hiện được bảo tồn giúp hậu thế hiểu về truyền thống văn hóa, khoa bảng... của dòng họ Nguyễn, đặc biệt là những đóng góp của đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam. Tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn học giá trị, tiêu biểu nhất là kiệt tác Truyện Kiều.

Dù khu vực nhà xưa của Đại thi hào đã được tôn tạo nhưng còn đó mảnh vườn đất cát pha, rộng ba sào từ thời Nguyễn Du từng sinh sống. Trong vườn còn có nhiều tùng, phi lao, xoài... tỏa bóng khiến ta dễ liên tưởng đến các loại hoa và cây mà ông từng miêu tả trong Truyện Kiều, có trên dưới 100 loại cây và hoa tất cả.

Lối đi rêu phong phủ kín trong khuôn viên gia tộc họ Nguyễn.

Trong khu lưu niệm, ngoài nhà thờ tổ, tượng đài thi hào Nguyễn Du và bia mộ tổ, ngôi nhà của Nguyễn Du bảy năm đèn sách cũng được cất lại trên nền cũ. Nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng năm 1825 ngay trên chính mảnh vườn nhà cụ. Bên trong nhà là bàn thờ xây bằng vôi cát, bên trên có treo bức hoành phi đề 4 chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, tước trung hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 Càn Long. Nhà thờ được xây theo kiến trúc kiểu chữ Đinh có thượng điện, hạ điện không liền nhau. Qua thời gian, nhà thờ bị hư hại một số hạng mục, đến năm 1956 được tu sửa phục hồi hiện trạng.

Nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng ngay trên chính mảnh vườn nhà cụ.

Cạnh nhà thờ Nguyễn Du là bảo tàng, nơi trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du. Hiện bảo tàng trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du...

Khu nhà tư văn 1 và 2 của dòng họ Nguyễn là không gian bình thơ của người Tiên Điền từ xưa mỗi khi đến dịp lễ, Tết. Năm 1790 nhà tư văn bị cháy, người trong họ Nguyễn và quan viên trong huyện cung tiến dựng lại.

Khánh đá đặt trước nhà tư văn, nơi được dựng tại khu vườn của họ Nguyễn năm 1785, ban đầu là địa điểm tụ họp bình thơ, bình văn của các nhà khoa bảng trong vùng.

Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa mà đại thi hào Nguyễn Du cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã để lại cho quê hương, dân tộc và văn hóa thế giới, hàng năm tại Khu di tích thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, như: Kỷ niệm năm sinh, năm mất của Đại thi hào; tổ chức các cuộc bình thơ, bình Kiều, diễn Kiều; tọa đàm văn chương; trao đổi về điển tích Truyện Kiều; sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ và Ngày thơ Việt Nam…

Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Đình làng Chợ Trổ của xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ năm 1965 được Bộ Văn hóa chuyển về đặt trong vườn họ Nguyễn Tiên Điền để làm nhà trưng bày hiện vật tài liệu của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều du khách trong vùng du xuân chọn nơi đây làm không gian chụp những bức ảnh “Tết đoàn viên” cho gia đình…
…hay lựa chọn những nét tinh xảo của kiến trúc cùng nét rêu phong của đình Chợ Trổ để chụp những bộ hình hoài cổ.
Pho tượng đại thi hào Nguyễn Du đặt trước nhà trưng bày trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nguyễn Du.
Nghiên mực đại thi hào Nguyễn Du thường dùng lúc sinh thời.
Đĩa Mai Hạc có bút tích đại thi hào Nguyễn Du đề tặng thơ khi đi sứ sang nhà Thanh năm 1813.
Bộ đồ uống rượu đại thi hào Nguyễn Du từng dùng khi ở Tiên Điền.
Sách Nghi Xuân địa chí viết về Tiên Điền, quê hương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Cách khu tưởng niệm khoảng 1km là mộ đại thi hào Nguyễn Du. Ông rời quê hương ra đi năm 1802 và từ đó cho đến lúc mất, ông không về quê. Nguyễn Du mất ở Phú Xuân, mộ chôn ở cánh đồng Bầu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Bốn năm sau, con cháu đem hài cốt về Tiên Điền, chôn ngay trong vườn nhà, năm 1928 mới cải táng đến cánh đồng Cùng.


Bạn đang đọc bài viết Về Tiên Điền, thăm vườn họ Nguyễn của đại thi hào Nguyễn Du tại chuyên mục Bất động sản du lịch của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục