Trải nghiệm

Kỳ 5: Lô Lô Chải - ngôi làng nơi "chóp nón" Tổ quốc

Trải nghiệm - 06:28, 16/11/2019 G11T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Từ chân núi Rồng nhìn lên lá cờ tung bay trong nắng gió là Lô Lô Chải, bản tiền tiêu nằm cách cột cờ Lũng Cú 1,4km và cách cột mốc 419 giáp ranh tỉnh Vân Nam của Trung Quốc chưa đầy 1km.

Trên bản đồ Việt Nam, đường biên giới Việt - Trung nếu hình dung là chóp nón với hai điểm thấp nhất là A Pa Chải (Điện Biên) và mũi Sa Vĩ (Móng Cái) thì đỉnh chóp nằm ở Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn).

Được xác định là điểm cực Bắc nơi địa đầu của Tổ quốc ở tọa độ 23021’75’’ vĩ độ Bắc, 105018’97’’ kinh độ Đông, Cột cờ Lũng Cú chính là “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”.

Từ Cột cờ Lũng Cú nhìn xuống, Lô Lô Chải bình yên nằm nép mình dưới chân núi Rồng với những nếp nhà trình tường còn nguyên vẹn, phủ mái âm dương.

Dưới chân ngọn cờ thiêng, Lô Lô Chải là một ngôi làng độc đáo, nơi quanh năm nhìn thấy lá cờ Tổ quốc có diện tích 54m2 kiêu hãnh tung bay trong gió. Dù chỉ có dân số khoảng vài nghìn cư trú tại huyện Đồng Văn nhưng người Lô Lô là dân tộc có công đầu khai khẩn đất đai nơi đây.

Theo tiếng Lô Lô, phiên âm Hán Việt của Lũng Cú là “Long Cư” có nghĩa là “nơi rồng ở” hoặc cũng có thể hiểu là nơi con rồng cháu tiên sinh sôi nảy nở. Theo các sử liệu ghi lại, có giả thiết cho rằng, địa danh Lũng Cú mang tên một thủ lĩnh đứng đầu dòng họ dân tộc Lô Lô có công khai khẩn đất hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất này.

Hiên ngang trên bầu trời là lá cờ Tổ quốc thiêng liêng có diện tích 54m (chiều dài 9m, chiều rộng 6m). Cô gái dân tộc Lô Lô hướng dẫn du khách thăm Cột cờ Lũng Cú nói rằng, nếu chạm được tay vào lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng là rất may mắn bởi ít khi lá cờ hạ xuống thấp ngang tầm với.
Dù đứng bất cứ nơi đâu ở thôn Lô Lô Chải cũng có thể nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên núi Rồng...
... như từ sau hàng rào đá của một ngôi nhà, nhìn xa xa là núi Rồng với ngọn cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong gió.

Là một trong chín thôn của xã Lũng Cú, Lô Lô Chải hiện có khoảng 100 hộ dân với khoảng 450 nhân khẩu bao đời nay sống trong những ngôi nhà trình tường với vách rất dày và thấp để giữ ấm cũng như chống gió lùa. Bao bọc xung quanh ngôi nhà là những hàng rào đá xanh, xếp xen kẽ rất công phu bảo vệ ngôi nhà. Nhiều ngôi nhà cổ ở đây được xây dựng đã gần 100 năm nhưng vẫn được gia chủ gìn giữ tương đối nguyên vẹn.

Sống trong điều kiện khắc nghiệt nơi biên viễn, khí hậu lạnh nên nhà của người Lô Lô nơi đây được trình tường với vách rất dày và thấp để giữ ấm và chống gió lùa. Bao bọc xung quanh ngôi nhà là những hàng rào đá xanh xếp xen kẽ rất công phu chạy dài bảo vệ ngôi nhà.

Với không gian kiến trúc độc đáo đó cũng như vị trí địa lý đặc biệt của Lô Lô Chải, một người Nhật là ông Ogura Yasushi đặc biệt yêu mến cao nguyên đá Đồng Văn đã chọn nhà bà Dỉu Dỉ Chiến làm quán Cà phê Cực Bắc. Đến và nhâm nhi ly cà phê ở mảnh đất cuối trời cực Bắc của nước Việt, phóng tầm mắt ra xa là Cột cờ Lũng Cú với quốc kỳ Việt Nam phấp phới trong gió là một trải nghiệm khó quên.

Ngoài ra, đến Lũng Cú bây giờ là hàng loạt các homestay của người dân tộc Lô Lô, nơi có thể nhìn ngắm trọn vẻ đẹp của Cột cờ Tổ quốc từ xa. Ăn một bữa lẩu no nê do chủ nhà nấu để lấy sức sau một ngày phượt, du khách có thể làm một chuyến khám phá nhỏ quanh làng để thấm không khí yên bình khi mặt trời lặn, rồi trở về bên bếp lửa, nhâm nhi tách trà, cà phê nóng. Từ đây, nếu lắng nghe kỹ, bạn có thể nghe được tiếng lá cờ khổng lồ đang bay phần phật từ phía xa.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, Lô Lô Chải đã trở thành thôn văn hóa du lịch cộng đồng với những homestay đậm chất Cao nguyên đá Đồng Văn, được thiết kế, sửa lại từ chính nền tảng sẵn có của những ngôi nhà cổ của người Lô Lô...
... thậm chí, biển chỉ đường các điểm lưu trú ở bản Lô Lô Chải trong hành trình của các tour trong và ngoài nước cũng rất chuyên nghiệp và bắt mắt khi du khách đến tham quan, trải nghiệm Cột cờ Lũng Cú ngày càng đông.
Nhà trình tường đắp đất và những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu của các cô gái Lô Lô Hoa… chính là nét đặc trưng văn hóa người Lô Lô ở bản. Nhà trình tường thường cao 1 - 2 tầng, là sự kết hợp tuyệt vời của đất (tường nhà), gỗ (cột nhà, cánh cửa, cửa sổ) và đá (lát hiên, lát sân, hàng rào).
Nhiều ngôi nhà cổ nơi đây được xây dựng đã gần 100 năm vẫn còn được gia chủ gìn giữ tương đối nguyên vẹn.
Quán cà phê Cực Bắc là điểm đến nổi tiếng nhất thôn, được đông đảo du khách check-in khi đến Lũng Cú. Người gây dựng cơ sở này là ông Yasushi Ogura, người Nhật. Phải lòng vùng cực Bắc Lũng Cú, ông tâm niệm làm một mô hình cà phê với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng cho đồng bào bản địa. Trước cổng quán cà phê là gốc đào cổ đơm hoa đỏ thắm vào xuân và lúc lỉu quả mùa hè...
... và quán cà phê độc nhất vô nhị này đã nhanh chóng nổi tiếng, trở thành điểm check-in của du khách.
Cùng với không gian kiến trúc độc đáo, du khách có thể ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng trang phục của phụ nữ Lô Lô Hoa ở bản Lô Lô Chải. Đó là những bộ váy áo đa sắc, cầu kỳ về đường thêu, sinh động về kiểu cách.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ 5: Lô Lô Chải - ngôi làng nơi "chóp nón" Tổ quốc tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục