Khám phá

 Khúc giao mùa giữa đại ngàn Pù Luông

Khám phá - 06:06, 09/09/2023 G9T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Không còn những tia nắng chói chang của mùa hạ, thay vào đó, những giọt nắng thu đã nhẹ nhàng buông trên bông lúa trổ đòng, nếp nhà sàn người Thái nép mình bên núi...

Pù Luông vào khúc giao mùa là sự chuyển giao của mây trời đại ngàn và của những thửa ruộng bậc thang trải dài vô tận.

Cách Hà Nội khoảng 180km, Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa bàn các huyện Bá Thước và Quan Hóa (Thanh Hóa) nên sở hữu những cánh rừng rậm xanh rì cùng suối thác tuyệt đẹp, tạo thành một cảnh quan núi rừng kỳ vĩ và hoang sơ. Điểm đến nằm giáp ranh nơi biên giới Việt - Lào này mang vẻ đẹp huyền ảo khiến nhiều người ví như thiên đường giữa đại ngàn xứ Thanh.

Pù Luông theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh cao nhất của làng, với độ cao khoảng 1.700m. Có diện tích 17.662ha, gồm rừng, núi, suối, thác, hang động, xen lẫn những bản làng yên bình, thửa ruộng bậc thang nối tiếp, Pù Luông là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc Thái, Mường từ bao đời nay. Đó chính là lý do nhiều du khách đến đây thường đi bộ trên những cung đường nhỏ trong các bản làng, hòa mình vào thiên nhiên và tận hưởng không khí trong lành còn thơm mùi cây cỏ.

Vào những ngày giao mùa nắng mưa khá thất thường, ngày mới ở Pù Luông là cảm nhận mở mắt thấy núi, với tay chạm mây.
Những ngày này, đến với Pù Luông, du khách được chiêm ngưỡng màu xanh mướt, căng tràn sức sống của mùa lúa trổ đòng trên những thửa ruộng bậc thang.
Pù Luông cũng có nhiều khu nghỉ dưỡng sang chảnh để du khách lựa chọn như Pù Luông Natura với thiết kế tiểu cảnh check-in ấn tượng, được ví như tiểu Bali của Việt Nam.

Một trong những cung đường đẹp ở Pù Luông chính là ngang qua các Bản Đôn, Kho Mường và Bản Hiêu… Bản Đôn là một trong số ít bản lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, kiến trúc nhà sàn độc đáo. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Thái, nằm ở trung tâm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Bao quanh Bản Đôn là hệ sinh thái ruộng bậc thang tuyệt đẹp cùng những nếp nhà sàn bình dị nép mình bên sườn núi khiến nơi đây được nhiều du khách ưu ái ví như "Sa Pa thu nhỏ giữa xứ Thanh". Trong buổi sương mai, Pù Luông càng huyền ảo với mây, sương, khói phủ khắp các ngọn đồi, thung lũng. Đứng bất kỳ góc nào ở Pù Luông, bạn sẽ ngỡ như đang chạm tay tới mây trời, ảo diệu.

Người ta thường nhắc, nhớ đến Pù Luông bởi mùa lúa chín vàng và thường muộn hơn so với các điểm ngắm lúa khác như Mù Căng Chải hay Hoàng Su Phì. Theo bà con dân Thái ở đây, còn khoảng hơn tháng nữa, mùa vàng của họ mới bắt đầu. Với tôi, có lẽ không cần đợi ngày lúa chín để được cảm nhận vẻ đẹp muôn màu của những thửa ruộng bậc thang. Những ngày đầu tháng 9 đến Pù Luông, đã có cả một bảng màu xanh mướt mắt chào đón, ở nơi được mệnh danh là "thiên đường" giữa đại ngàn xứ Thanh này.

Những con đường uốn lượn quanh ruộng bậc thang xanh mướt ở bản Đôn, xã Thành Lâm, Bá Thước.
Bà con các dân tộc Thái, Mường ở Pù Luông làm du lịch một cách chuẩn chỉ, đồng bộ. Những căn bungalow ở đây được thiết kế theo phong cách của người Thái bản địa, đó là các chất liệu đá, gỗ lá cọ, mành tre mộc mạc nên khác biệt hẳn so với một số vùng bị bê tông xâm lấn quá mức như là Sa Pa.
Đến Pù Luông bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp như tranh vẽ của những thửa ruộng bậc thang kéo dài.  
Bungalow với view liền sát ruộng bậc thang lại gần gũi với gần 70 hộ dân người Thái Đen bản Đôn.
Từ các Bungalow đến các homestay bản địa đều thiết kế theo hướng gìn giữ hài hòa kiến trúc bản địa với nhà sàn cổ, guồng nước, nông cụ của người Thái đen.
Pù Luông Natura là một trong số các Bungalow đẹp nhất Việt Nam được nhiều du khách yêu thích khi sở hữu tới 2 bể bơi vô cực, nơi mà màu lúa, màu nước và màu mây, núi tạo nên những khuôn hình ảo diệu.
Hình thức ở Bungalow ngày càng được ưa chuộng với không gian yên tĩnh và gần gũi thiên nhiên, lý tưởng cho chuyến nghỉ dưỡng bên gia đình và người thân. Đặc biệt khi đêm về, Pù Luông chìm vào tĩnh lặng, tiếng côn trùng rả rích.
Bạn đang đọc bài viết  Khúc giao mùa giữa đại ngàn Pù Luông tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục