Lời tòa soạn:
Gobi, sa mạc lớn nhất châu Á với diện tích 1.300.000km2 và từng được mệnh danh là “vùng đất khó sống nhất hành tinh” bởi những núi cát khổng lồ, bão cát sa mạc và các toán cướp rình rập.
Tuy nhiên giờ đây, sa mạc Gobi lại là điểm đến trong mơ của bất cứ du khách nào. Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này bắt đầu với hành trình về Đôn Hoàng tìm lịch sử "Con đường tơ lụa", sau đó lần lượt ngang qua Minh Sa - cồn cát hát giữa vùng sa mạc khô cằn và suối Nguyệt Nha - viên ngọc ẩn mình trên sa mạc cát; thăm Mạc Cao - “Động ngàn Phật” trên sa mạc và là chùa hang đá lớn nhất Trung Quốc; dừng chân nơi ải tây oai hùng của Vạn Lý Trường Thành là Gia Dục Quan - Pháo đài của 99.999 + 1 viên gạch…
Cam Túc là một trong những tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc. Thủ phủ của nó - Lan Châu là một thành phố 3,6 triệu dân có hơn 2.000 năm lịch sử và từng là điểm trung chuyển trên “Con đường tơ lụa” huyền thoại. Là nơi tập trung đầy đủ tinh túy ẩm thực của Tây Bắc Trung Quốc nên trước khi ngược lên Đôn Hoàng - điểm khởi đầu của “Con đường tơ lụa”, tôi đã kịp điểm qua món ăn không thể bỏ lỡ này ở Lan Châu.
Vốn được xem là một trong những nghệ thuật ẩm thực đặc sắc nhất của người Trung Quốc, mỳ sợi làm theo cách truyền thống không chỉ là một món ăn ngon mà còn được biết đến như một môn nghệ thuật thực thụ. Dù món ăn này có bán ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc nhưng thưởng mỳ kéo Lan Châu ở chính nơi sản sinh ra nó luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ.
Đây là loại mỳ được kéo bằng tay, sợi dày và dai. Món mì khi ăn có nhiều cách nhưng thường được chan nước dùng, ăn kèm với thịt bò, củ cải đỏ, rau mùi, hành tây. Không chỉ ăn ngon, chứng kiến cảnh kéo mỳ trong lúc chờ cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị ở mỗi quán ăn trên phố hay trong các nhà hàng. Với đôi bàn tay thoăn thoắt của đầu bếp, thực khách ngồi chờ món ăn có cơ hội chiêm ngưỡng hàng loạt các công đoạn như nhào bột, kéo dài sợi bột, tung hứng trên không...
Được Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc bình chọn là "Đệ nhất mỳ Trung Hoa", giờ thì món "mỳ sợi Lan Châu" có ở khắp mọi nơi trên đất nước. Tuy nhiên, nếu trải nghiệm món ăn ở nơi mang tên của món mỳ, bạn được người Lan Châu chia sẻ thêm rằng, mỳ thịt bò Lan Châu chính thống phải có những đặc điểm riêng biệt. Thứ nhất là trong (nước dùng trong và thơm), hai là trắng (củ cải trắng muốt và ngọt), ba là đỏ (màu đỏ tươi của dầu ớt), bốn là xanh (màu xanh của ngò gai và tỏi non).
Và quả thực, sau khi ăn một bát mỳ thịt bò ở Lan Châu, bạn sẽ thấy mỳ sợi ở những nơi khác không là gì cả. Đây cũng là món ăn mà có nhiều khảo cứu cho rằng, vào cuối thế kỷ 13, Marco Polo khi đến Trung Quốc đã mang mỳ sợi về Ý sau chuyến đi tới phương Đông kéo dài 25 năm của mình./.