Lời tòa soạn:
Gobi, sa mạc lớn nhất châu Á với diện tích 1.300.000km2 và từng được mệnh danh là “vùng đất khó sống nhất hành tinh” bởi những núi cát khổng lồ, bão cát sa mạc và các toán cướp rình rập.
Tuy nhiên giờ đây, sa mạc Gobi lại là điểm đến trong mơ của bất cứ du khách nào. Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này bắt đầu với hành trình về Đôn Hoàng tìm lịch sử "Con đường tơ lụa", sau đó lần lượt ngang qua Minh Sa - cồn cát hát giữa vùng sa mạc khô cằn và suối Nguyệt Nha - viên ngọc ẩn mình trên sa mạc cát; thăm Mạc Cao - “Động ngàn Phật” trên sa mạc và là chùa hang đá lớn nhất Trung Quốc; dừng chân nơi ải tây oai hùng của Vạn Lý Trường Thành là Gia Dục Quan - Pháo đài của 99.999 + 1 viên gạch…
Minh Sa - Cồn cát hát
Là một phần của sa mạc Gobi, núi cát Minh Sa chỉ cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng chừng 5km, chạy dọc theo con đường tơ lụa bắt đầu từ Trường An và kéo dài tới Constantinopolis.
Trước chuyến du thám, vùng sa mạc này làm sống dậy trong tôi âm thanh của gió, cát, những đoàn lạc đà cần mẫn đi giữa vùng đất hoang vu và quạnh hiu trong trang viết của nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo khi ông mô tả trong tác phẩm “Những cuộc du hành”. Đến khi gặp Trương Ngọc, người “hoa tiêu” lạc đà của mình ở núi cát Minh Sa, tôi mới biết thêm rằng, Gobi chính là vùng đất khắc nghiệt đến mức tiền nhân của anh từng “đặt chân đến sa mạc và không trở về”, không biết bởi bão cát hay những toán cướp sa mạc trong miền thăm thẳm ấy.
Minh Sa được coi là một trong tám “đại hoàng cảnh” của Đôn Hoàng. Nó còn có tên gọi khác là Cồn cát hát. Tương truyền bão cát nơi đây đã chôn vùi cả một đạo quân, và tiếng khóc của những binh sĩ tử trận vẫn còn vang vọng đến ngày nay. Câu chuyện mang tính tâm linh này có lẽ được thêu dệt từ những âm thanh của gió cát, lúc nhẹ nhàng, khi cuồng nộ.
Để thực hiện chuyến du thám của mình, tôi mua vé tham quan giá 100 nhân dân tệ và thêm khoảng chừng ấy nữa cho vé cưỡi lạc đà. Ngoài ra, tôi phải chuẩn bị cho mình các vật dụng cần thiết cho hành trình như kính, khăn mũ trùm đầu và cổ, kem chống nắng, túi bọc giày tránh cát… Tất nhiên, một chú lạc đà khỏe mạnh và một hoa tiêu giỏi là không thể thiếu.
Lạc đà 2 bướu Bactria duy nhất chỉ có ở Gobi. Được mệnh danh là “chúa tể sa mạc”, lạc đà không chỉ làm nhiệm vụ chuyên chở, mà còn là động vật rất có ích với cuộc sống của người dân. Lông của chúng được dùng dệt vải và thảm, sữa là đồ uống bổ dưỡng, phân khô có thể dùng làm chất đốt, da làm giày…
Dù được Trương Ngọc hướng dẫn tỉ mỉ nhưng để leo lên lưng những chú lạc đà quỳ gối đón khách, tôi phải loay hoay mãi mới xỏ được vào chỗ để chân. Và khi tôi đã yên vị trên chiếc ghế ràng buộc qua hai bướu như chiếc bành voi, chú lạc đà, theo lệnh của Ngọc, từ trạng thái quỳ đứng thẳng dậy, khiến tôi – người lữ khách lần đầu cưỡi lạc đà – được phen ngây ngất, lắc lư.
Viên ngọc ẩn mình trên sa mạc cát
Từ trên lưng lạc đà, núi cát Minh Sa hiện ra như một bức họa tuyệt đẹp với những đụn cát tự nhiên uốn lượn đủ mọi hình dáng, trải dài hút tầm mắt. Ở mỗi điểm dừng chân, tôi có dịp trải nghiệm đi bộ trên cát ngắm sa mạc bao la hay leo núi, tham gia các môn thể thao mạo hiểm như trượt cát, lái mô tô… Rời lưng lạc đà khi đã gần chính ngọ, tôi theo Ngọc tiếp tục “lội” sâu vào sa mạc cát thăm suối Nguyệt Nha, một ốc đảo bé nhỏ gần 2.000 năm tuổi.
Giữa vùng sa mạc khô cằn, suối Nguyệt Nha như mảnh trăng lưỡi liềm màu xanh rơi xuống giữa bạt ngàn cát trắng. Là ốc đảo tự nhiên duy nhất của sa mạc Gobi mênh mông, Nguyệt Nha cũng chính là nơi dừng chân lấy nước, chuẩn bị cho chuyến đi dài đến Trung Á trao đổi tơ lụa và hàng hóa của các thương khách xưa. Bên bờ suối có một ngôi chùa lớn, theo lối kiến trúc truyền thống Trung Hoa từ thời nhà Hán, đồ sộ mọc lên giữa sa mạc hoang vu.
Hơn 2 tiếng cưỡi lạc đà giữa bao la bốn bề gió cát, sa mạc Gobi xứng đáng là giấc mơ của bất kỳ kẻ lữ khách nào. Với tôi, giấc mơ đó đã thành hiện thực.