Lời tòa soạn:
Gobi, sa mạc lớn nhất châu Á với diện tích 1.300.000km2 và từng được mệnh danh là “vùng đất khó sống nhất hành tinh” bởi những núi cát khổng lồ, bão cát sa mạc và các toán cướp rình rập.
Tuy nhiên giờ đây, sa mạc Gobi lại là điểm đến trong mơ của bất cứ du khách nào. Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này bắt đầu với hành trình về Đôn Hoàng tìm lịch sử "Con đường tơ lụa", sau đó lần lượt ngang qua Minh Sa - cồn cát hát giữa vùng sa mạc khô cằn và suối Nguyệt Nha - viên ngọc ẩn mình trên sa mạc cát; thăm Mạc Cao - “Động ngàn Phật” trên sa mạc và là chùa hang đá lớn nhất Trung Quốc; dừng chân nơi ải tây oai hùng của Vạn Lý Trường Thành là Gia Dục Quan - Pháo đài của 99.999 + 1 viên gạch…
TP. Đôn Hoàng hiện thuộc địa phận ở phía Tây tỉnh Cam Túc và phía Đông sa mạc Taklamakan, nơi tự nhiên và lịch sử cùng hòa quyện.
Tới TP. Lan Châu (Trung Quốc) sau chặng bay dài Hà Nội - Quảng Châu - Lan Châu, tôi ngủ lại một đêm ở Thủ phủ này của tỉnh Cam Túc để hôm sau bay tiếp gần 2 giờ nữa, đến Đôn Hoàng. Vùng đất phía Tây Bắc, điểm khởi đầu của “Con đường tơ lụa” nổi tiếng nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Suốt trong mười thế kỷ (từ thế kỷ IV đến XIV), ốc đảo Đôn Hoàng là cửa ngõ quan trọng và phát triển không ngừng nhờ vị trí địa chiến lược của mình.
Từ thế kỷ III (trước Công nguyên), Đôn Hoàng là nơi sinh sống của người Nguyệt Thị (Yuezhi), Ô Tôn (Wusun) và Hung Nô (Xiongnu). Sang thế kỷ II (trước Công nguyên), Trương Khiên, một nhà du thám nổi tiếng người Trung Quốc sau hai lần đến nơi này đã ghi chép những thông tin giá trị về lịch sử và địa lý của vùng đất này, đưa Trung Quốc đến khám phá châu Âu mà khai sinh “Con đường tơ lụa” sau này.
Cũng trong thời gian này, Trung Quốc được biết đến là quốc gia có nguồn tơ, lụa phong phú nhờ khám phá phương pháp trồng dâu nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ và dệt lụa. Lái buôn Trung Quốc trên lưng những con lạc đà mang theo thứ hàng hóa đặc biệt này rong ruổi đường thiên lý vạn dặm đến bán cho giới quý tộc từ Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Azerbaijan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Địa Trung Hải và tận châu Âu.
Đến thời Hán, khi kinh đô còn đóng ở Lạc Dương (nay thuộc Tây An, tỉnh Thiểm Tây), người Trung Quốc đã mở một con đường thương mại dài hơn chục ngàn cây số xuyên qua vùng Tây Bắc từ Tây An đến Đôn Hoàng. Phía Đông giáp Trung Nguyên, phía Tây giáp Tân Cương, khi ấy Đôn Hoàng được coi là yết hầu của “Con đường tơ lụa” và thành Đôn Hoàng xưa là điểm dừng chân đặc biệt của những lái buôn này trên đường thiên lý vạn dặm. Họ chuẩn bị những chú lạc đà khỏe nhất cùng thực phẩm, nước uống và người bảo vệ cho hành trình đầy nguy hiểm, vượt các sa mạc cát. Là cửa ngõ đến Trung Á, thành Đôn Hoàng trở thành một trung tâm thương mại, nhập khẩu vào những thứ như thuốc men, đồ gia vị, rượu, thảm, gỗ trầm... và xuất khẩu lụa, đồ sứ...
Có một điều đặc biệt ở Đôn Hoàng là tôi có thể chiêm ngưỡng hình ảnh phi thiên, nữ thần mây nước và thường ngao du dưới cây bồ đề, lấy nước trong hồ, ao, đầm làm nhà ở bất kỳ đâu, cả ở trung tâm lẫn vùng ven của thành phố. Phi thiên hay người dân ở đây gọi là thần thiên nhạc, biết ca biết hát, nhan sắc rất đẹp, đem lại hạnh phúc và những điều may mắn cho nhân gian. Đó là lý do dễ hiểu khi các họa sĩ xưa thường vẽ vô số những hình tượng phi thiên trên các bức bích họa ở Đôn Hoàng. Phải chăng, họ mong ước phi thiên có thể che chở cho các thương nhân và lữ khách khi đi qua vùng sa mạc hoang vu đầy trắc trở và hiểm nguy này.
Hơn 1.000 năm đã trôi qua, phi thiên cũng không còn và "Con đường tơ lụa" xưa chỉ còn những dấu tích lẫn trong bụi cát sa mạc. Đôn Hoàng, với những tòa thành cổ, phi thiên, những thương nhân lạc đà leng đi trong gió, bụi sa mạc và những gì phồn hoa của thành phố một thời vẫn sống mãi. Họ chính là gió, là cát sa mạc, là những bức tranh cổ ngàn năm không bao giờ phai nhạt, đang tồn tại xung quanh khi du khách ghé thăm./.