Khám phá

Miếu Bà Chúa Xứ: Kiến trúc nhất nhì phố núi Châu Đốc

Khám phá - 06:06, 16/09/2023 G9T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Miếu Bà Chúa Xứ (TP. Châu Đốc, An Giang) không chỉ là nơi hành hương linh thiêng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn bởi kiến trúc độc đáo với các họa tiết trang trí tinh tế.

Nằm ở chân núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ là di tích nổi tiếng bậc nhất Nam Bộ. Cùng với sự linh thiêng vang danh xa gần, kiến trúc miếu Bà Chúa Xứ cũng là một phần thu hút du khách đến thăm. Nếu nhìn từ đỉnh núi Sam, ngôi miếu được thiết kế mặt hướng ra cánh đồng mênh mông, lưng tựa vào vách núi, nơi có sơn lăng Thoại Ngọc Hầu uy nghi ngự bên triền núi. Đó là thế đất “sơn thủy hội tụ” với “tả Thanh long, hữu Bạch hổ” và “tiền Chu tước, hậu Huyền vũ” mà các bậc tiền nhân khi đó đã chọn để xây ngôi miếu. Trải qua nhiều thay đổi về quy mô cũng như vật liệu, ngôi miếu vẫn giữ nguyên thế kiến trúc, quay lưng với cổng chính hướng ra con lộ rộng lớn chạy vòng quanh chân Núi Sam.

Chính điện của miếu là nơi thờ tượng Bà Chúa Xứ, mặt hướng về hướng Đông Bắc, xung quanh còn có bàn thờ Hội đồng ở phía trước, Tiền hiền và Hậu hiền thì đặt hai bên. Tất cả đã tạo nên một tổ hợp trọn vẹn sắc màu văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ cho miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch…
… hành hương đến cúng bái, tham quan.

Với bố cục kiểu chữ “Quốc”, miếu Bà Chúa Xứ có mái tam cấp ba tầng lầu, được lấy cảm hứng từ những cánh hoa sen đang nở, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các chi tiết chạm trổ, điêu khắc đều mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ tinh xảo. Câu liễn đối, hoành phi dát vàng son sáng chói và được lau chùi mỗi ngày cẩn thận, kỹ lưỡng.

Phần quan trọng nhất của miếu là tượng Bà Chúa Xứ. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà Chúa Xứ thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần), chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Tượng được tạc vào cuối thế kỷ 6, và rất có thể đây là một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo. Hai bên tượng Bà Chúa Xứ là Tiền hiền và Hậu hiền. Lân cận còn có bàn thờ Cậu, bàn thờ Cô, bàn thờ Linga bằng đá, tượng nữ thần bằng gỗ…

Các hoa văn, họa tiết thể hiện đậm nét nghệ thuật trên các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo, nhất là hệ thống liễn đối, hoành phi rực rỡ vàng son...

Ngày 2/9 vừa qua, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được Diễn đàn Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ công nhận là điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương, một giải thưởng do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ (GTTC India) trao tặng. Hơn 80 cá nhân và chủ thể đã xuất sắc vượt qua những tiêu chí khắt khe của Ban Tổ chức để nhận giải thưởng cao quý này. Trong số đó, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi nhận là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đưa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam trở thành một Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có dịp về Châu Đốc, sau khi thắp hương chiêm bái, bạn nên một lần trải nghiệm, khám phá nơi có kiến trúc độc đáo nổi tiếng ở An Giang và khắp Đồng bằng sông Cửu Long này, để thêm trân quý công trình mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng từ thời mở cõi.

Cổng chính miếu Bà Chúa Xứ núi Sam hướng ra con đường chạy vòng chân núi Sam.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, nhìn từ bên ngoài cổng, nơi được thiết kế vô cùng tỉ mỉ và tinh xảo…
… được thiết kế theo hình chữ “Quốc” trong chữ Hán với ngôi chính được kiến trúc hình khối tháp dạng “hoa sen nở” có mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh.
Góc mái vút cao lên trời xanh như mũi con thuyền đang lướt giữa ngàn mây.
Bạn đang đọc bài viết Miếu Bà Chúa Xứ: Kiến trúc nhất nhì phố núi Châu Đốc tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục