“Chúng tôi đi ngang qua đây, thấy hàng trăm ngàn tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) nằm xếp chồng như mái ngói đẹp mắt quá, cảnh tuyệt đẹp. Chụp vài tấm ảnh thấy ngỡ ngàng luôn. Ước gì được làm một tour tham quan trong đó”, nhóm 4 bạn trẻ đến từ Cần Thơ đã dừng xe và cho biết.
Ruộng dừa cạn, cánh đồng hoa oải hương hoặc mỏm đá cheo leo, hay “selfie” ở tọa độ hơi mạo hiểm của những tòa cao ốc là những góc ảnh đã quá quen với các “phượt thủ”. Thời gian gần đây, dân phượt đã rỉ tai nhau về một địa nơi “check-in” không đụng hàng và thậm chí còn lâu mới có đối thủ cạnh tranh đó là “cánh đồng pin điện mặt trời”. Giới mộ điệu có thể săn lùng “n cái đẹp” trong cùng một khung hình
Đến Tịnh Biên để trải nghiệm “trang trại điện mặt trời”
Trên tỉnh lộ 948 đang được nâng cấp, từng đoàn xe du lịch chở khách từ TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận vẫn nối tiếp nhau vào các khu du lịch rừng Tràm Trà Sư, Lâm viên Núi Cấm, đồi Tức Dụp sau khi cúng Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Đây dường như là một tour du lịch khép kín không thể thiếu khi đến vùng Bảy Núi. Cánh đồng pin điện mặt trời là một điểm nằm trên trục tham quan mà du khách không thể bỏ lỡ.
Điện mặt trời không còn là một khái niệm mới mẻ khi ở Việt Nam cũng đã có hàng chục nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Nhưng “trang trại pin” lại thu hút giới mộ điệu bởi vị trí tọa lạc ở một nơi đẹp miễn chê. Thấp thoáng phía xa xa là Núi Cấm linh thiêng mờ ảo trong sương khói.
Bao quanh nhà máy điện là những đồng lúa ruộng xanh bát ngát. Trên nền trời bao la, từng đàn chim cò xứ núi trắng phau thả sức bay liệng hoặc thản nhiên đứng trên những tầng pin như cũng muốn tham quan, tất cả đã những nét chấm phá tuyệt vời cho không gian hữu tình và trù phú.
Người dân địa phương phấn khởi cho rằng, bấy lâu nay, họ nghĩ đơn giản mấy trăm ngàn tấm pin này là để thu nắng rồi phát điện chứ mấy ai ngờ rằng “cánh đồng pin” lại bỗng dưng nổi tiếng khi hấp dẫn nhiều du khách đến chiêm ngưỡng.
Không chỉ là điện mặt trời
Huyện Tịnh Biên có trên 2.400 giờ nắng/năm rất thích hợp để đầu tư Nhà máy điện mặt trời. Sao Mai Solar PV1 tại xã An Hảo (giai đoạn I, có công suất phát điện 104MW, diện tích 120ha. Giai đoạn II, sẽ có công suất 106MW, với diện tích xây dựng khoảng 160ha) được ví như “thành phố ánh sáng” có tổng công suất phát điện 210MW, trải rộng trên 275ha sẽ là đô thị “văn minh” nơi vùng Thất Sơn vì chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt và sản xuất.
“Kết hợp độc đáo giữa điện mặt trời và nông nghiệp sạch. Dưới tầng pin là công viên hoa đủ sắc màu, xen kẽ với các loại thảo mộc. Sẽ có con đường uốn lượn vòng quanh Nhà máy điện để cho khách tham quan.
Ngoài ra, còn có khu bảo tồn động vật hoang dã đặc trưng của Bảy Núi. Trong đó, có mô hình tái hiện lại cặp rắn hổ mây vô tình hữu ý lạc vào khuôn viên của dự án đã được nhóm kỹ sư Ấn Độ bắt được trong quá trình thi công Nhà máy. Thời gian gần đây, đã có khá nhiều Cty lữ hành liên hệ để làm tour tham quan theo yêu cầu của khách”, ông Châu Hoàng Minh - Giám đốc Ban Quản lý dự án du lịch Điện mặt trời An Hảo phấn khởi cho biết.
Du khách sẽ được trải nghiệm với các thiết bị công nghệ, đồ điện gia dụng, điện lạnh hoàn toàn được vận hành bằng điện mặt trời. Bài học thực tế đầy sức thuyết phục ấy có trong tour tham quan ở cánh đồng pin, giúp mọi người hiểu và nhận thức được việc ứng dụng năng lượng xanh vào cuộc sống và du lịch thân thiện.
Biến đất khô thành cánh đồng năng lượng và định hình trở thành khu du lịch độc đáo đã đánh thức tiềm năng kinh tế vùng biên là những đóng góp tích cực của nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, tái cơ cấu thị trường du lịch để vượt qua giai đoạn khó khăn đến từ cách thức đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú.
Bởi sau khủng hoảng thì du lịch sẽ phục hồi một cách nhanh khi bị nén lại một thời gian. Vì vậy, cần chung tay kích cầu thị trường du lịch ngay từ bây giờ là cách làm của các doanh nghiệp du lịch trong thời gian này nhằm đón mùa cao điểm của du khách khi mùa hè sắp đến.