Không giống những ngôi chùa mang đặc trưng Phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành có sự pha trộn cả kiến trúc chùa Trung Quốc, đền Nhật Bản và ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo các nước theo dòng Đại thừa như Thái Lan. Xây dựng từ năm 1964 bởi hòa thượng Thích Giác Đạo, được trùng tu, tôn tạo suốt hơn 10 năm qua, hiện chùa Minh Thành không chỉ là nơi các phật tử chiêm bái, lễ Phật mà còn thu hút rất đông du khách đến thăm và vãn cảnh.
Quần thể kiến trúc chùa Minh Thành được bố trí theo hình thức đơn giản của mandala. Một vòng tròn tượng trưng cho đóa hoa sen nở trọn và là căn bản của vũ trụ luận Mật giáo, chánh điện với hai tầng, cao 16m ở giữa. Tầng dưới gọi là Đại Bi đường, nơi tôn trí tượng Bồ tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (nghìn tay nghìn mắt) cao 7,5m. Đại Hùng Bửu điện ở tầng trên, vị trí trung tâm tôn trí Đức Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng cao 6m, nặng 16 tấn.
Trước sân chùa có bức tượng đá A Di Đà cao 7,5 m, nặng 40 tấn đặt giữa hồ Liên Trì sen hồng nở quanh năm. Trước hồ là lư hương bằng đồng, cao 4 m, nặng hơn 4 tấn và được xem như lư hương đồng lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, bảo tháp của chùa Minh Thành cao 9 tầng, thiết kế ấn tượng với màu sa chu tôn kính của nhà phật. Theo các sư thầy, bảo tháp được xây dựng từ trên đỉnh xuống chân tháp, ngược lại so với cách xây dựng thông thường.
Cùng với kiến trúc đặc biệt, chùa Minh Thành được bao bọc bởi một không gian xanh có diện tích khoảng 20.000 m2 thiết kế hợp lý từ cây cối, hồ nước cùng các tiểu cảnh tạo sự hài hòa, thoáng đãng, nhưng vẫn vẹn nét thanh tịnh nơi cửa phật tôn nghiêm.
Nếu từng ngất ngây với Phượng Hoàng Cổ Trấn hay những ngôi đền trên đất nước Nhật Bản, bạn hãy thử vãn cảnh chùa Minh Thành vào một chiều vàng nhạt nơi phố núi mờ sương để cảm nhận một sự bình an cho tâm hồn trong tiếng chuông chùa văng vẳng xa xăm.