Lời tòa soạn:
Nằm gọn trên cao nguyên Pleiku phía Bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 - 800m so với mực nước biển, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 với tên gọi bắt nguồn từ chữ Jrai, dân tộc có số dân đông nhất ở đây.
Mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) là thời gian lý tưởng nhất để đến Gia Lai, khám phá vẻ đẹp của đại ngàn Tây Nguyên với những ngôi nhà sàn lọt thỏm giữa vẻ đẹp hoang dã của núi, của rừng, hòa mình vào nhịp cồng chiêng đậm chất sử thi của người Jrai.
Loạt điểm đến Photo Travel giới thiệu từ kỳ này trên cung đường “Lãng du theo hoang dã của đại ngàn” bắt đầu với núi lửa Chư Đăng Ya - “Củ gừng dại” quyến rũ ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên; Minh Thành, ngôi chùa được ví như một “tiểu” Nhật Bản ở phố núi; cao nguyên bạt ngàn cà phê mùa mọng quả hay loài cỏ dại, mọc thành từng cụm lớn với màu hồng trải rộng cả trăm héc-ta dưới tán thông cổ thụ, có dáng bon sai ở xã Glar…
Không có nhiều thời gian ở lại Gia Lai nên xuống sân bay Pleiku là tôi tìm ngay đến địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Sở dĩ chọn Chư Đăng Ya là số 1 trong danh sách những điểm đến ở phố núi bởi ngọn núi lửa vừa lọt Top những cảnh quan đẹp nhất thế giới, từ Cuộc thi ảnh phong cảnh 2020 do Agora tổ chức.
Hóa ra, muốn lên đỉnh “Củ gừng dại”, nếu đi bộ cũng mất chừng gần tiếng đồng hồ cho khoảng 2km dốc núi. Theo đó, du khách sẽ phải chinh phục con đường đất, dốc cao hun hút để lên đỉnh núi, nơi ngắm trọn vẹn vẻ đẹp thơ mộng của lòng chảo. Với những ai thích mạo hiểm, leo núi, đây là một cung đường đáng để trải nghiệm khi chinh phục “Củ gừng dại”.
Với cả chục ký máy trên lưng, tôi chọn cuốc xe ôm của anh chàng người Jrai làng Ploi lagri bản địa, với giá 50.000 đồng cả hai chiều lên xuống. Dù “lễ hội hoa dã quỳ” tổ chức tháng 11 hàng năm đã qua, nhưng theo chàng trai Jrai này thì cuối tuần rất đông các phượt thủ và những người yêu thích du lịch tìm về làng anh, chinh phục đỉnh Chư Đăng Ya.
Cuối mùa, không còn những thảm dã quỳ nở nhuộm vàng óng ả hai bên đường dẫn tới chân núi nhưng từ đỉnh “Củ gừng dại”, trong mắt tôi chỉ trọn một vùng trời Gia Lai với những mảng màu xanh của cây cối, đất đỏ bazan và sắc vàng của những bông hoa dã quỳ cuối mùa.
Chư Đăng Ya có miệng núi hướng lên trời và quanh miệng núi ấy là một vùng đất đỏ rộng lớn. Nham thạch của núi lửa đã tạo nên những lớp đất bazan phì nhiêu màu mỡ, mang lại cho Chư Đăng Ya nhiều sản vật độc đáo. Điểm nhấn suốt cung đường chạy quanh ngọn núi là những ô ruộng, trồng dong riềng, ngô, khoai hòa cùng các loài hoa dại như cúc quỳ, hay cỏ đuôi chồn.
Mỗi mùa, Chư Đăng Ya mang vẻ đẹp riêng. Mùa mưa, Chư Đăng Ya bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn và dong riềng. Mùa khô, cả trăm khoảng đồi, sườn núi, ven đường, bờ ruộng phủ kín loài hoa vàng như rót mật khiến địa danh nổi tiếng này của Gia Lai được coi là “thủ phủ” của hoa dã quỳ.
Giữa bạt ngàn gió mùa khô, đứng trên miệng núi lửa có hình phễu, tôi và người bạn đồng hành chỉ kịp thốt lên hai từ “tuyệt đẹp”, với những bụi dã quỳ khiêm nhường, cỏ đuôi chồn hoang dại và cả những cánh đồng rộng lớn bao la ngay dưới chân mình.