Trải nghiệm

Một thoáng suy ngẫm: Liệu người trẻ có thể giải trí "già"?

Trải nghiệm - 15:45, 07/06/2024 G6T+7 - Xuân Nhàn

Một ngày đẹp trời, tôi quyết định thử làm khác đi - cho mình giải trí theo một cách khác bằng một loại hình nghệ thuật "già" - Múa rối nước. Để rồi, kết thúc vở diễn, trong lòng tôi là rất nhiều hỗn độn và suy tư.

"Lạch cạch lạch cạch…", chiếc xe máy cũ kỹ đang đòi đình công, muốn nghỉ hưu sau bao năm làm việc cần mẫn. Hà Nội giờ tan tầm đông đúc, một phút nhích lên được vài xăng-ti-mét, tiếng còi inh ỏi. Tôi đi trên đường, cảm nhận được từng hạt bụi đang bám trên da mặt. Mọi thứ đều ngột ngạt và chật chội. Ấy thế mà lạ thay, lòng tôi rộng mở niềm háo hức không tả nổi. Tôi đi xem múa rối nước! Tôi cứ thế chạy xe băng băng đến Nhà hát Múa rối Thăng Long, tọa lạc ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm. Nhà hát có tuổi đời biểu diễn múa rối hơn 30 năm nay nên đã tạo được thương hiệu trong lòng bao thế hệ khán giả.

Đến nơi, tôi ngạc nhiên vô cùng khi chứng kiến lượng lớn khách nước ngoài xếp hàng dài mua vé. Bất chợt tôi nhận ra, mình là người trẻ Việt hiếm hoi đứng trong hàng.

Múa rối nước - Một hình thức "giải trí đỉnh cao"

Hành trình bước vào thế giới nghệ thuật truyền thống là khoảnh khắc tôi được dẫn đi trên cung đường bắt đầu từ sự ngạc nhiên và kết thúc ở điểm bất ngờ. 50 phút diễn ra vở múa là cú lật ngược góc nhìn của tôi về múa rối nước và cách thụ hưởng sự giải trí trong loại hình nghệ thuật này.

Giải trí là nhu cầu cơ bản của con người trong đời sống ngày nay. Chúng ta xứng đáng trải nghiệm những cảm giác mới lạ khác trong vòng xoay 365 ngày. Giải trí là thế giới chứa đựng các tầng lớp ý nghĩa, bao gồm giải trí thông thường và giải trí "sâu". Giải trí thông thường gắn liền với cảm giác thỏa mãn, thích thú, đi đôi với nụ cười. Trong khi đó, giải trí "sâu" là những hoạt động hướng tới những giá trị sâu sắc về chân - thiện - mỹ, mang đến sự thăng hoa về cảm xúc. Thức giải trí "sâu" có thể chạm đến sâu thẳm tâm hồn. Sau những giây phút thưởng thức, tôi nhận ra múa rối nước không chỉ đáp ứng được nhu cầu giải trí cơ bản mà còn xứng đáng là một sự hưởng thụ ý nghĩa.

Một thoáng suy ngẫm: Liệu người trẻ có thể giải trí

Chú Tễu bước ra, mở đầu màn múa với bao tiếng cười. ẢNH: ANH DUY

Ngược dòng lịch sử dân tộc, múa rối nước xuất hiện vào khoảng thế kỷ X - XI, gắn liền với cuộc sống thôn dã ở đồng bằng Bắc Bộ và nền văn minh lúa nước. Xã hội phong kiến hình thành, giai cấp địa chủ đàn áp dân chúng, bóc lột sức người, sức của một cách tàn bạo, dã man. Những người nông dân sống trong thời kỳ đen tối, chịu nhiều áp bức. Trong thời kỳ ấy, nông dân đã tìm kiếm một thú vui để giải tỏa nỗi bất bình, như một cách để lẩn trốn thực tại. Loại hình nghệ thuật này là hình thức giải trí bình dân của người lao động bấy giờ. Đưa vào nhịp thở đương đại, múa rối nước đã và đang được các nghệ sĩ gìn giữ trọn vẹn và phát triển với nhiều tầng bậc cảm xúc và ý nghĩa.

Những màn múa rối tạo ra tiếng cười, mang đến niềm vui bằng việc bày trí một bữa tiệc thịnh soạn từ thanh âm đến hình ảnh. Âm nhạc giữ vai trò chủ đạo trong việc thổi hồn cho từng chuyển động, nhịp điệu, biểu cảm của chú rối. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lời hát, tiếng trống, tiếng sáo, tiếng mõ, tù và ốc cho đến cả những tiếng động nho nhỏ đầy tinh tế như tiếng nước róc rách, tiếng cá nhảy. Vở múa chủ yếu sử dụng làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ cùng hình ảnh lung linh và màn khói huyền ảo.

Múa rối có được chất giải trí bằng việc tận dụng âm nhạc, hình ảnh vào từng chi tiết của vở diễn. Dù có thể khán giả khi theo dõi không hiểu được hết các tầng nội dung nhưng "cái hay của múa rối nước nằm ở việc không cần phải lời lẽ nhiều. Thay vào đó, bằng động tác, bằng âm nhạc, bằng cách thể hiện câu chuyện độc đáo, người xem có thể hiểu được về cơ bản 70-80% câu chuyện", NSƯT Bạch Quốc Khanh, người góp phần vào sự sáng tạo, đổi mới trong các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Múa rối Thăng Long giãi bày.

Một thoáng suy ngẫm: Liệu người trẻ có thể giải trí

Những làn điệu dân ca Bắc Bộ vang lên, đưa người xem vào thế giới đậm chất nghệ thuật (ẢNH: ANH DUY)

"Thay bằng việc cho rằng múa rối không phù hợp với hơi thở của cuộc sống đương đại thì các bạn thử xem xét góc nhìn ngược để thấy quá khứ trong loại hình nghệ thuật này. Nó lưu giữ rất nhiều nét độc đáo của văn hóa, của âm nhạc, của mỹ thuật. Nó chứa đựng nhiều thứ hay ho hơn so với các cái tiêu chí mà các bạn trẻ cho là giải trí thông thường như bây giờ. Đó là thứ giải trí nghệ thuật đỉnh cao", lời chia sẻ của NSƯT Bạch Quốc Khanh khiến tôi có những suy tư, và tò mò nhiều hơn về hình thức "giải trí nghệ thuật đỉnh cao" này .

Múa rối không đơn thuần chỉ mang đến niềm vui mà còn truyền tải các giá trị văn hóa và tinh thần dân tộc Việt. Vở diễn đi sâu khai thác những cảnh đời đã xa so với thời đại. Nét lạc quan của người dân lao động trong mọi hoàn cảnh cuộc sống thể hiện ở nụ cười của tất cả con rối. Những chi tiết ấy giúp người xem có dịp nhìn lại, rút ra những bài học cho riêng mình. Dù nhịp sống ngoài kia có hối hả và áp lực, trong vở múa, con người được sống trọn trong vẻ đẹp của làng quê thanh bình, những thanh âm nhẹ nhàng xoa dịu tâm hồn. Từ những thông điệp đa tầng nghĩa, múa rối nước đã vượt xa giải trí thông thường, chứa đựng hồn cốt dân tộc và những bài học đắt giá từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Một thoáng suy ngẫm: Liệu người trẻ có thể giải trí

Các nghệ sĩ múa rối nước chào khán giả khi kết thúc buổi diễn (ẢNH: ANH DUY)

Cần nhiều nỗ lực để múa rối nước gần gũi với đời sống người trẻ

"Bản thân mình chưa bao giờ nghĩ xem múa rối có thể giúp mình giải trí được. Nếu lựa chọn giữa xem múa rối 50 phút và phim hài 1 tiếng 30 phút thì mình chọn phim. Phim hài giúp mình giải trí nhiều hơn dù có thể nó không có quá nhiều điều đặc biệt trong nội dung. Mặc dù múa rối làm tốt hơn trong việc truyền tải văn hóa nhưng mình vẫn cho rằng xem múa rối sẽ không thể giúp mình giải trí được", L.P.T - sinh viên Học viện Ngoại giao chia sẻ. T không phải là người duy nhất có sự lựa chọn này. Ngày nay, thế hệ trẻ thường có xu hướng giải trí bằng các phương tiện công nghệ số như điện thoại, máy tính, ưa chuộng các nội dung nhanh chóng và tiện lợi.

"Mình thường nghe nhạc hoặc vẽ tranh và làm đồ thủ công. Mình cảm thấy các hình thức giải trí này không yêu cầu bản thân phải sử dụng quá nhiều năng lượng, do đó sẽ giúp mình cảm thấy thoải mái hơn sau một khoảng thời gian học tập và làm việc căng thẳng", H.T.N - một sinh viên khác cho biết.

Các nền tảng mạng xã hội đã làm tốt trong việc cung cấp những thông tin nhanh, ngắn gọn, cần thiết, khiến cho giới trẻ cảm thấy thích thú và thỏa mãn. Trong khi đó, múa rối thực chất là một loại hình giải trí nhưng lại ít được chọn lựa.

Bạn H.T.N sau khi tham gia xem một buổi múa rối nước đã nhận định: "Mình đã thay đổi suy nghĩ về vấn đề này khá nhiều. Ban đầu mình nghĩ giải trí trên mạng xã hội là đủ, vì mình có thể tìm xem các hoạt động văn hóa truyền thống trên các nền tảng này. Tuy nhiên, mình đã nhận ra giá trị thực sự của việc trực tiếp tham gia các chương trình và hoạt động này. Mình nghĩ việc truyền bá các hoạt động văn hóa truyền thống là rất cần thiết, trong thời đại mà mạng xã hội đang dần lấn át các hoạt động giải trí truyền thống trong thế giới của các bạn trẻ".

"Trẻ hóa" nghệ thuật "già"

Những từ như "giữ gìn", "phát huy" được nhắc tới nhiều mỗi khi chúng ta nói đến một loại hình nghệ thuật truyền thống. Múa rối nước là một trong số đó. Nhưng điều đó chưa đủ sức nặng để chạm đến phần sâu thẳm của tâm hồn người nghe. Có lẽ, đúng như nhà triết học Gớt cho rằng: "Lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi". Không phải thông qua từ ngữ trên những trang giấy trắng, tất cả sẽ tuyệt vời hơn nếu được trải nghiệm thực tế tại một không gian đậm chất giải trí nghệ thuật.

Đồng thời, múa rối nên thực sự bước vào đời sống của giới trẻ thông qua các phương tiện công nghệ hoặc cách thức truyền thông tươi mới hơn.

Không những thế, giới trẻ có xu hướng thích những hoạt động trải nghiệm như tham gia các sự kiện, những cuộc hội thảo. Bằng việc tổ chức những buổi như thế có thể giúp các bạn trẻ thấy được tính ứng dụng của múa rối nước vào cuộc sống cũng như sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Hơn nữa, múa rối nước là thứ nghệ thuật giải trí "sâu". Để có thể cảm thụ được một vở diễn múa rối nước hay đến độ nào, người xem ít nhiều phải có một sự hiểu biết nhất định về văn hóa, lịch sử. Họ không thể tới đó với một tinh thần nghèo nàn và hờ hững hay kỳ vọng về một hình thức giải trí như thông thường, mang đến chỉ những tiếng cười. Tới đây, tôi cảm thấy xúc động biết bao khi nhớ lại hình ảnh người nước ngoài xếp hàng dài mua vé vào xem và cách họ trân trọng một nền văn hóa khác biệt với dân tộc của họ.

Vở diễn kết thúc, những tràng pháo tay vang lên giòn rã. Tất cả mọi người trong khán phòng đều đứng dậy vỗ tay trong sự trân trọng đặc biệt cho vở diễn múa rối nước. Các nghệ sĩ bước ra, cùng hòa vào bầu không khí, vẫy tay và cúi chào khán giả với khuôn mặt hạnh phúc và rạng rỡ. Một sự giao cảm đầy xúc động. Trong lòng tôi không khỏi rạo rực khi nghĩ tới việc nhất định sẽ rủ thêm rất nhiều người bạn của mình cùng đi xem thêm nhiều lần nữa. Tôi không muốn một ngày nào đó trở nên vô cảm trước một nét văn hóa quá đỗi sâu sắc này và đáng tự hào này của dân tộc mình. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nhưng nhiều cánh én, thì hoàn toàn có thể cùng nhau "trẻ hóa" nghệ thuật vốn đã có tuổi đời rất lâu năm và quý giá này./.

Bạn đang đọc bài viết Một thoáng suy ngẫm: Liệu người trẻ có thể giải trí "già"? tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục