Trải nghiệm

Miền giáo đường mùa lễ Thánh

Trải nghiệm - 06:30, 19/12/2020 G12T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Đã hơn 2000 năm từ khi Chúa Hài đồng giáng trần trong hang đá Bethlehem, vượt qua ý nghĩa tôn giáo, Giáng sinh với người ngoại đạo là dịp đặc biệt để ghé thăm những giáo đường nổi tiếng.

Khi hàng triệu ánh đèn màu lung linh thắp sáng, tiếng chuông ngân vang và dàn kèn đồng hòa tấu rộn ràng là thời khắc mọi người hướng về những ngôi thánh đường nổi tiếng của người Công giáo.

Là nhà thờ công giáo lớn nhất Đà Lạt, Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari còn mang tên gọi khác là nhà thờ Con Gà bởi trên thánh giá có uốn hình một con gà bằng hợp kim, nhẹ, rỗng.
Dù đã gần một thế kỷ trôi qua nhưng bạn phải ngỡ ngàng bởi sức hút từ mái vòm lộng lẫy và tháp chuông cao 47m của nhà thờ Con Gà.

Lên Tây Nguyên mùa Vọng, đặc biệt là Thành phố ngàn hoa Đà Lạt, có một điểm hành hương không một du khách nào bỏ mang tên Nhà thờ con Gà. Còn có tên gọi chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari, nhà thờ lớn nhất Đà Lạt này cũng là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, cổ xưa nhất do người Pháp để lại.

Mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu thời Trung cổ, đặc biệt biểu tượng chú gà trống, Totem và là linh vật cổ của người Gô-loa, thủy tổ nước Pháp đầy kiêu hãnh, ưỡn ngực trên thánh giá cách mặt đất 47m trên tháp chuông nhà thờ. Chú gà được làm bằng hợp kim, nhẹ, rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đồng đặc biệt, dài 0,66m, cao 0,58m và quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió.

Với người ngoại đạo, Noel là dịp đặc biệt để dạo chơi cùng bạn bè nơi giáo đường thì với những con chiên, đó không chỉ là lễ hội mà còn là khoảnh khắc thiêng liêng gửi trao niềm tin và hạnh phúc đến mọi người.
Ngoài chức năng là một nhà thờ tôn giáo, nhà thờ Con Gà cũng là điểm tham quan hấp dẫn với những gốc thông già vây quanh, càng làm khung cảnh thánh đường thêm phần huyền ảo.
Bên ngoài thánh đường cũng được trang hoàng chào đón giáo dân cũng như khách phương xa tận hưởng một mùa Giáng sinh An lành.

Với kiến trúc, lịch sử đặc biệt cùng vị trí trung tâm thành phố, nhà thờ Con Gà là điểm đến của nhiều du khách, đặc biệt vào dịp Giáng sinh. Ở đây, bạn sẽ chiêm ngưỡng những sắc màu rực rỡ và tận hưởng một đêm Giáng sinh đầy ý nghĩa.

Ngoài ra, Đà Lạt còn rất nhiều nhà thờ nhỏ đẹp nữa như Nhà thờ Cam Ly, Nhà thờ Du Sinh, Nhà thờ Mai Anh - Domaine de Marie… mang nét đặc trưng riêng biệt, rất đáng để ghé thăm. Đây cũng là nơi bạn có thể chụp những bức ảnh đẹp như ở châu Âu và mua các món đồ lưu niệm đặc sắc cho người thân, bạn bè.

Nằm trên đường Trần Phú, nhà thờ Con Gà Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Chính thức khởi công vào 9 giờ sáng Chủ nhật ngày 19/7/1931, công trình được xây suốt 11 năm và chia làm 3 giai đoạn, được thiết kế theo “kiểu mẫu” của các nhà thờ Công giáo Rôma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman…
… với nặt bằng theo hình chữ thập (giống thánh giá) có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Giữa cái lạnh của Đà Lạt dịp Giáng sinh, lữ khách ngỡ mình lạc giữa châu Âu xa lắc bởi hình ảnh nhà thờ cổ kính, tháp chuông cao vút mọc sát bên đường.

Ở Tây Bắc, phải kể đến nhà thờ đá Sapa (Lào Cai), biểu tượng của Thành phố sương mờ. Xây dựng năm 1935 (thế kỉ 20), đây là công trình do chính những kiến trúc sư người Pháp thiết kế và hiện cũng được coi là dấu ấn duy nhất còn vẹn nguyên của họ trên đất Sapa.

Ở Tây Bắc, nhà thờ Đá Sa Pa xây dựng từ năm 1895 cũng là nơi ghi dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại nơi đây. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, du khách được chiêm ngưỡng màn sương mù dày đặc và nhà thờ đá thoắt ẩn, hiện trong sương. Không khí Giáng sinh cũng ngập tràn xung quanh nhà thờ với hàng triệu ánh đèn màu lung linh, hay những hang đá trang trí để đón chờ ngày Chúa sinh ra đời.
Bên trong nhà thờ là giáo đường có 32 ô cửa kính màu, vẽ hình các mầu nhiệm mân côi, các Thánh và chặng đường Thánh Giá.

Điểm nhấn của nhà thờ chính là kiến trúc đá. Chỉ với hỗn hợp của cát, vôi và mật mía, các khối đá liên kết lại với nhau một cách vững chãi. Ngoài ra, với thiết kế kiểu Gotic La Mã cổ, nhà thờ có mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… mang hình chóp, tạo sự bay bổng và thanh thoát giữa đất trời Sa Pa.

Mùa Giáng sinh, nhà thờ đá càng lộng lẫy khi những cây thông được trang trí đủ sắc màu, kim tuyến lấp lánh viền trên thân những cây sa mộc, hoa mận, hoa đào... Bên trong nhà thờ, những ngày này du khách có cơ hội tham gia lễ cầu nguyện cùng người dân xứ đạo bản địa, hay chụp những bức ảnh Giáng sinh ấm áp. Đó cũng là khi bạn bỏ lại sau lưng những ồn ào phố thị và nhà thờ đá Sapa mang lại những trải nghiệm không khí Giáng sinh khó quên.

Nhà thờ có lối kiến trúc Gotic La Mã, thể hiện qua những mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn... mang hình chóp cách điệu.
Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía.
Từ tháng 5/2006, Giáo xứ Sa Pa chính thức có linh mục quản nhiệm sau gần 60 năm không có cha xứ. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến Sa Pa. Đến đây dịp gần Giáng sinh, bạn có thể chứng kiến tận mắt những buổi tập của Ca đoàn chuẩn bị mừng đêm Noel.

Mùa Vọng đã bắt đầu, chỉ thêm vài hôm nữa, các giáo đường sẽ thắp sáng, tháp chuông ngân vang và Giáng sinh rộn ràng khắp chốn. Khi đó, hãy cùng người thân của mình, hành hương về miền giáo đường mùa lễ thánh, nơi cảm nhận trọn vẹn một không khí linh thiêng, an lành những ngày chuyển giao năm cũ, năm mới.

Bạn đang đọc bài viết Miền giáo đường mùa lễ Thánh tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục