Đèo Pha Đin ngoằn ngoèo hoang dại. Theo tiếng Thái, con đèo này gọi là Phạ Đin, nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Nước non hùng vĩ, sương giăng mù trời, vực sâu thăm thẳm, mây trắng bảng lảng, trời xanh trên cao, núi nhấp nhô thành lũy tạo nên một Pha Đin đầy cảm xúc. Con đèo dài hơn 32km này mang trong nó bài ca về tình người, về sự hy sinh thầm lặng của biết bao dân công, bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Pha Đin không hổ danh là tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc Việt Nam.
Đất Điện Biên dày đặc di tích, chứng tích lịch sử. Chúng ta không thể bỏ qua bảo tàng Điện Biên, đồi A1, D1, hầm Đờ Cát và trung tâm chỉ huy Mường Phăng. Những sự kiện lịch sử từ lâu được ghi lại trong sách giáo khoa, nhưng cảm xúc sẽ rất khác nếu bạn được tận mắt chứng kiến.
Dưới chân đồi D1, cuộc trò chuyện với chàng thanh niên làm ở tạp chí văn học nghệ thuật đem lại nhiều thi vị. Quê Hải Phòng nhưng mê sắc màu các dân tộc nên cậu rời Hải Phòng để gắn bó với Tây Bắc.
- Có khi nào cháu ân hận vì chọn Tây Bắc chưa?
Cậu trả lời với tất cả niềm tự hào:
- Chưa và cũng không bao giờ ạ. Ở đây, cháu được là cháu, được thỏa mãn với đam mê của mình.
Tây Bắc hấp dẫn bởi sắc màu các dân tộc vùng cao. Các cô gái Thái với chiếc áo bó sát, chiếc váy dài mềm mại như những bông hoa ban dịu dàng, e ấp. Họ càng đẹp và uyển chuyển hơn trong vũ điệu xòe hoa mà nhà văn Nguyễn Tuân từng miêu tả kỹ lưỡng. Ẩm thực của người Thái không quá nhiều thịt, không có nhiều dầu mỡ, các món rau rừng là lạ, hài hòa. Bữa ăn của người Thái gợi nhớ đến tất cả thiên nhiên cỏ cây của núi rừng Tây Bắc.
Người H’Mông như những chú đại bàng mạnh mẽ trên núi cao. Đàn ông H’Mông khéo léo làm được nhiều nông cụ. Đàn bà H’Mông cần cù đi đâu cũng có nắm sợi lanh trên tay. Mỗi chiếc váy của người phụ nữ Hơ Mông dệt ra là một tác phẩm nghệ thuật. Món ẩm thực quen thuộc của người Hơ Mông là mèn mén và thắng cố.
Điện Biên rất nổi tiếng về gạo. Ở đây từ lâu lưu truyền câu “Nhất Thanh, nhì Lò” để nói về thứ gạo thơm, hạt dài nhỏ bóng được thiên nhiên ưu đãi. Hạt gạo trồng trên cánh đồng Mường Thanh, được tưới bởi nước sông Nậm Rốm, được mầu mỡ từ bốn bề núi cao chăm bẵm tạo nên một chất lượng khác lạ chẳng giống nơi đâu. Bưng bát cơm nấu gạo Điện Biên, ngào ngạt mùi hương trên tay. Vị thơm ngọt của gạo như một thứ men say khiến ai cũng muốn thưởng thức ngay hương vị của đất, của trời, của dòng Nậm Rốm. Lạ cái chỉ có lúa trồng ở cánh đồng mường Thanh mới cho thứ mùi thơm ngạt ngào như thế. Cũng giống lúa ấy, mang đến nơi khác trồng, chất lượng gạo khác hẳn.
Tây Bắc dữ dội oai hùng, bí ẩn và xa xôi. Đến nhà tù Sơn La, ngắm cây đào Tô Hiệu lại nhớ đến Nguyễn Tuân. Năm 1958 nhà văn ưa xê dịch Nguyễn Tuân viết tùy bút “sông Đà” trong đó có thiên “cây đào cộng sản” sau khi đi thăm phế tích nhà tù Sơn La. Nhìn thấy cành đào rừng hoa phớt hồng do chim trời gió núi trồng mọc cạnh buồng giam xưa nên ông gọi là cây đào Tô Hiệu. Lăng kính của nhà văn tạo nên một hình tượng nghệ thuật trong văn chương và lan tỏa ra ngoài đời. Cây đào Tô Hiệu là sáng tạo của nhà văn Nguyễn Tuân và trở thành một hình tượng nghệ thuật đẹp về khí phách người cộng sản.
Chúng tôi đến địa phận huyện Bắc Yên, Phù Yên của Sơn La bằng quốc lộ 37. Xe ô tô đi trên mây, đi trong mây, đi dưới mây. Xe lượn vòng vèo trên sườn núi, đi theo hình xoáy ốc từ nhỏ đến lớn, từ trên cao rồi hạ thấp dần. Xóm làng tít tắp dưới xa hàng cây số mù mờ ẩn hiện. Đây là cung đường dành cho dân phượt đi “săn mây”. Chắc hẳn lúc còn sống, chàng ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập và ban nhạc “Bức tường” đã nhiều lần khám phá. Xe đi hàng giờ đồng hồ trong biển mây dày đặc. Lãng đãng, thấp thoáng những đỉnh núi xanh biếc, những nương ngô màu sắc hiện lên trong biển mây. Một Hạ Long trên cạn hiện hữu. Dòng sông Đà dữ dằn độc đảm uốn quanh. Tây Bắc còn bao điều chưa khám phá và chưa kịp hiểu hết. Tây Bắc là bài ca đợi dàn nhạc cùng tấu lên những nốt nhạc bổng trầm đẹp nhất.