Thật là thiếu sót khi nhắc “tứ Bình” ở Khánh Hòa mà không nói đến Bình Ba, hòn đảo lớn nhất vịnh Cam Ranh, nơi cách đất liền khoảng 20km. Dưới sự quản lý của quân đội, Bình Ba giữ được vẻ hoang sơ, tĩnh lặng riêng có của mình trong nhiều năm. Gần đây, khi được phép, du khách đã có thể đặt chân lên hòn đảo nơi đầu sóng này, tất nhiên người nước ngoài vẫn chưa thể đến đây.
Từ cảng Ba Ngòi, khoảng hơn 1 giờ lênh đênh trên biển bằng tàu gỗ là đến Bình Ba. Nếu đi bằng tàu cao tốc mất chỉ tầm 20 phút, với giá vé 100 ngàn đồng. Lên đảo, tôi được ông Bảy Hộ, một cư dân gốc nơi đây nhiệt tình chỉ dẫn các điểm nên đến trên đảo theo sơ đồ do ông tự vẽ. Ông Bảy cũng không quên giải thích với tôi cái tên hòn đảo, nơi mà tổ tiên ông, một trong 3 ngư dân Bình Định “dạt” tới đây để tránh bão, thấy vùng vịnh này biển êm lạ kỳ, nên đặt tên đảo là Bình Ba, nghĩa là chắn sóng nhưng cũng mang hàm ý ba người Bình Định đến đây.
Cũng theo ông Bảy Hộ, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ nên khi đến Bình Ba, ngoài các bãi tắm, không nên bỏ lỡ những rặng núi bao quanh đảo, nơi có những hòn đá tảng nhiều hình thù bởi gió biển bào mòn. Trên đỉnh núi cao nhất là một quán cà phê có view rất đẹp, nơi tôi đã đặt máy ảnh chụp toàn cảnh đảo Bình Ba và vịnh Cam Ranh với bạt ngàn bè nuôi tôm hùm như thành phố nổi trên biển.
Trở về từ đỉnh núi, rẽ trái ngay sau khu nhà nghỉ của ông Bảy chừng 100m là bãi Nồm, cát trắng mịn, nước trong xanh, có chỗ nổi lên những tảng đá ngầm, nơi đa số người dân địa phương, du khách tắm biển và thưởng hải sản vào buổi tối ngay trên bãi tắm.
Sáng hôm sau, bãi Chướng lại là nơi lữ khách như tôi dậy sớm đón bình minh trên đảo Bình Ba. Đây là nơi có đường chân trời rộng, địa hình đồi núi đá được gió bào mòn rất đẹp. Khi mặt trời lên, viền trong ánh nắng mai là bãi cát lấp lánh trong làn nước trong xanh và những bãi san hô chết dạt vào bờ.
Đến Bình Ba nếu bỏ qua món tôm hùm thì coi như chưa đặt chân lên hòn đảo mà ông Bảy Hộ cũng như người Khánh Hòa nằm lòng câu: “Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh”. Ở “đảo tôm hùm” có nhiều loại và mức giá khác nhau cho đặc sản này. Đắt nhất có thể lên đến hơn 2 triệu đồng/kg, loại tôm hùm bông vớt từ bè nuôi lên và chế biến trực tiếp. Một số loại khác được đánh bắt hay tôm hùm xanh có mức rẻ hơn từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/kg.
Chế biến tôm hùm ở đảo cũng không quá cầu kỳ. Chỉ cần hỏa lò được quạt rực hồng, những con tôm hùm đặt lên từ màu xanh chuyển sang màu đỏ ngói vô cùng bắt mắt là có thể thưởng thức được rồi. Do mình tôm khá dày nên người dân ở đây thường cắt dọc theo mình tôm để nướng cho chín đều. Muốn thêm vị béo, chỉ cần yêu cầu chủ nhà thêm chút phô mai, hoặc bơ phết đều lên phần thịt tôm khi nướng.
Từ một hòn đảo quân sự, Bình Ba giờ đã trở thành điểm đến của rất đông du khách, được thả mình trong những làn sóng trong xanh nhất của biển, thưởng thức loại tôm hùm thượng hạng nhất. Còn nếu chưa đến đây, bạn nên ấp ủ kế hoạch phải đến Bình Ba một lần trong đời. Nơi đó, giữa vịnh Cam Ranh xanh ngắt, đẹp đến mê hồn là hình ảnh của những chiếc thuyền câu màu xanh gần hòn đảo nhỏ Bình Ba khiến ta dễ liên tưởng đến chiếc thuyền của chàng Robinson trong cuộc phiêu lưu của mình.