Trải nghiệm

Đến Khánh Hòa khám phá vẻ đẹp mê hồn vùng đất Vạn Ninh

Trải nghiệm - 23:30, 06/10/2018 G10T+7 - Theo Hoài Duy/Tạp chí Du lịch

Vạn Ninh có khung cảnh thiên nhiên đầy mê hoặc với điểm khởi đầu là mũi Đại Lãnh có bãi biển với cát trắng phau, hàng dương xanh rì...

Huyện Vạn Ninh nằm ở phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa, được biết đến với nhiều thắng cảnh đẹp như: vịnh Vân Phong, biển Đại Lãnh, đảo Điệp Sơn, đảo Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm. Vạn Ninh - Vân Phong cũng được cả nước biết đến như một địa chỉ du lịch nhiều tiềm năng trong tương lai.

Một góc đảo Điệp Sơn.

Một góc đảo Điệp Sơn.

Vạn Ninh có khung cảnh thiên nhiên đầy mê hoặc với điểm khởi đầu là mũi Đại Lãnh có bãi biển với cát trắng phau, hàng dương xanh rì. Từ Đại Lãnh, du khách di chuyển bằng đường bộ dọc theo quốc lộ 1A đi Đầm Môn, Vạn Thạnh, ngang qua thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ) nổi tiếng với trái dừa xiêm Tuần Lễ ngọt dịu, thanh mát. Từ con đường Đầm Môn đi ngang qua Bãi Cát Thấm, Hòn Gầm với biển xanh, cát trắng sóng vỗ rì rào quanh năm. Đến xã Vạn Thạnh du khách được tham quan toàn bộ bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong. Nơi đây nổi tiếng với địa danh Mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam.

Từ vịnh Vân Phong, du khách có thể thuê dịch vụ tàu, ghe tham quan, thưởng ngoạn các điểm du lịch nổi tiếng như: Xuân Đừng, bãi Ông Nghi, Hòn Lớn, làng chài Khải Lương, khu dân cư thôn Ninh Tân (hay còn gọi là Bãi Tranh). Đặc biệt điểm du lịch đảo Điệp Sơn, đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút nhiều du khách. Nơi đây cuốn hút bởi vẻ đẹp hoang sơ của rừng và biển và đặc biệt là con đường xuyên biển giữa đại dương độc đáo nhất Việt Nam. Khi thủy triều xuống du khách có thể đi bộ trên con đường dưới mặt nước, dài khoảng 700m nối liền đảo Điệp Sơn lớn với đảo Điệp Sơn nhỏ. Ngoài ngắm con đường dưới biển, du khách còn được trải nghiệm các dịch vụ: câu cá, lặn biển, chèo thuyền thúng hoặc thăm làng chài Điệp Sơn.

Một góc đảo Hòn Lớn (vịnh Vân Phong).

Một góc đảo Hòn Lớn (vịnh Vân Phong).

Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, người dân huyện Vạn Ninh đã khai thác thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Với diện tích trên 40.000ha mặt nước biển, ngư dân thả nuôi hơn 10 loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, trai lấy ngọc, ốc hương, vẹm xanh, cá mú, rong sụn...

Được thiên nhiên ban tặng, Vạn Ninh được mệnh danh là xứ trầm hương tuy không còn nhộn nhịp như xưa nhưng người dân nơi đây vẫn còn duy trì việc chế tác các sản phẩm từ cây gió bầu tập trung tại Vạn Thắng như: quạt trầm, chuỗi hạt, vòng trang sức, tượng phật, cùng với nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn như: nhang không tăm, nhang nụ… góp phần duy trì, quảng bá tôn vinh những giá trị nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.

Nông nghiệp cũng là ngành kinh tế quan trọng của huyện, với tổng diện tích trên 10.000ha, mỗi năm nông dân trong huyện đã sản xuất 9.462ha cây trồng hàng năm, tổng sản lượng hơn 50.000 tấn. Công trình hồ chứa nước Hoa Sơn cũng cấp nước tưới cho 750ha cây trồng khu vực Tu Bông, góp phần mang lại màu xanh cho vùng đất bạc màu tại xã Vạn Khánh. Vùng đất bạc màu Dốc Đá Trắng nay đã được phủ một lớp áo xanh bạt ngàn của cây tỏi, hành, không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân mà còn đa dạng cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.

Vùng đất giàu tiềm năng về khoáng sản, đặc biệt là sản lượng đá granite tập trung ở Vạn Thắng và Xuân Sơn đã khai thác, chế biến các sản phẩm như đá xuất khẩu, đá mỹ nghệ, đá chẻ, góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Người dân Vạn Ninh nuôi lồng bè tôm hùm.

Người dân Vạn Ninh nuôi lồng bè tôm hùm.

Để khai thác tiềm năng về kinh tế địa lý của Vân Phong nói riêng, huyện Vạn Ninh nói chung, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh.

Lợi thế về vị trí địa lý, những thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi, cùng với “bước ngoặt” thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, sẽ mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Vạn Ninh.

Bạn đang đọc bài viết Đến Khánh Hòa khám phá vẻ đẹp mê hồn vùng đất Vạn Ninh tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục