Vùng đất xanh của chốn thiên đường
Tháng 8 Thu về, nắng vàng ươm như mật. Vòm trời cao hơn, xanh hơn. Mây trắng bồng bềnh nối đuôi nhau lang thang trên bầu trời rộng như hút hồn người vào cõi mênh mông.
Mỗi khi trời đất sang Thu, lòng tôi lại háo hức ước được hóa thành cánh chim, bay qua những đỉnh núi cao mờ đến với Bắc Sơn - một “vùng đất xanh” nổi tiếng.
Cách Hà Nội 160km về phía Bắc, thung lũng Bắc Sơn là một vùng đất trù phú với nhiều cảnh sắc đẹp mê hồn người. Những ngày Thu đến đây, cả đất trời như đang khoác lên mình tấm áo xanh của mạ non, của nhựa sống tràn trề.
Lần này ngược lên Bắc Sơn, tôi tiện xe dẫn theo 3 - 4 người bạn nữa. Trước chuyến đi, mấy người bạn cứ phàn nàn mãi về việc chưa tìm được chỗ ăn chốn ngủ thuận lợi. Tôi bảo, cứ kệ đi, vì ai lên Bắc Sơn cũng chỉ tập trung vui chơi thỏa thích thôi.
Đến khi thấy mặt trời chuyển đỏ, nằm chếch vạt cây, thì túm lấy đuôi con ngựa, con trâu, bò… gì cũng được, để chúng dẫn về chỗ nghỉ. Chẳng may gặp lúc đêm khuya, bí quá thì cứ tạt vào nhà người dân nào đó xin dừng chân không cần e ngại. Bởi người Bắc Sơn lúc nào cũng sẵn sàng mời khách tới nhà ngắm hoa, thưởng rượu và dễ dàng coi khách như anh em huynh đệ một nhà.
Người nào ưa tiện lợi, ngại nếp sống đơn sơ bản địa, thì tìm nhanh các nhà nghỉ quanh trung tâm giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/đêm. Hay lựa chọn homestay làng Quỳnh - là các mái nhà sàn bình dị của người Tày 80.000 - 100.000 đồng/đêm. Ngoài ra, Bắc Sơn còn một chốn lưu trú rất thú vị khác là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn. Hàng trăm mái nhà sàn ở đây hài hòa với núi non, đồng ruộng trông rất tiên cảnh.
Nói thế để nhắc bạn bè, bây giờ Bắc Sơn không chỉ có cấy cày, làm ruộng, chỉ có bản làng đơn sơ như trước, mà người dân còn biết chú trọng đến các dịch vụ phục vụ khách phương xa, chứ chuyến này đi tôi đã có sắp xếp cả rồi. Nơi dừng chân đêm nay sẽ là căn nhà sàn mái thấp của anh Hường - một người anh họ xa.
Anh Hường nhỏ người, nhưng lại thích mặc mấy bộ đồ màu tối dáng rộng cho tiện lao động nên trông càng nhỏ thó. Anh theo xe hàng dưới xuôi lên đây làm ăn từ lúc 17 tuổi, rồi lấy vợ, ở lại Bắc Sơn sinh cơ lập nghiệp. Nhiều năm xa quê, anh vẫn giữ nguyên cách nói ngọng chữ L và N của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng vì thế tôi mới dám khẳng định mình đã gặp đúng người.
Anh đón xe tôi từ đường lớn rồi dẫn về bản nhỏ. Đường vào nhà anh quanh co, nhưng rất sạch. Từ ngoài vào trong tuyệt đối không thấy cọng rác nào. Trâu bò nhốt đầy, nhưng chẳng thấy mùi hôi. Căn nhà anh dựng ngay cạnh nhà bố vợ. Đơn sơ, giản dị vì mọi đồ đạc đều được tối giản tiết kiệm, kể cả điện.
Nửa giờ sau, vợ anh - một cô gái người Tày truyền thống búi vội vạt tóc dài sai con gái lớn 8 tuổi bưng lên một mâm toàn cao lương mĩ vị miền đồng rừng: Bánh dày ngải, bánh chưng đen, xôi cẩm, cơm lam, điểm đĩa lợn quay mắc mật vàng giòn. Còn anh mải lúi húi trong buồng tìm mãi mới ra một vại rượu cỡ 5 lít, giới thiệu đây là “thứ nước” uống vào chỉ khỏe không say. Rượu này có mùi thơm ngọt như chế đường vào đầu lưỡi và mát như gió núi thổi trong cổ họng, càng uống càng mềm môi.
Trong bóng đêm cô tịch của núi rừng và trong tiếng kèn lá réo rắt, chủ và khách nhẹ nhàng nhấp chén rượu đẫm hương núi rừng. Rồi bố vợ anh, một ông cụ hiền từ kể chuyện: “Chúng tôi đến thung lũng này cũng là ngẫu nhiên thôi. Cứ nơi nào chưa có người thì đến. Nơi nào có đất canh tác, có cây ăn được thì đến. Ở nơi giọt mồ hôi rơi xuống mới mọc lên cây lúa, thì siêng năng là bản chất của mỗi con người để tồn tại.
Ngày thằng con rể tôi mới đến đất canh tác còn hơi thiếu, nên vợ chồng nó phải cực nhọc vỡ đất ở lưng chừng núi làm ăn. Phải tận dụng những cơn mưa rào đầu tiên của mùa Hạ và nắng chưa kịp gay gắt để dẫn nước về các thửa ruộng.
Nhưng bây giờ các chú thử nhìn quả đồi quanh nhà này xem, trước kia chỉ có cây tạp và đồi trọc, giờ lúa xanh um. Bên cạnh vườn đồi là ao cá, chuồng gà. Không khí trù phú, yên bình vô cùng”.
Anh tôi tiếp lời: “Đó mới chỉ là công đoạn đầu tiên thôi. Từ khi gieo hạt lúa xuống đất núi đến lúc bưng bát cơm ăn còn phải trải qua quá trời cực nhọc. Khấn hết tất thảy những vị thần linh cần khấn. Cầu xin hết tất cả những vị thổ thần đáng phải cầu xin.
Vất vả thế, nhưng anh vẫn hy vọng vài năm, hoặc vài chục năm nữa, đám trẻ nhà này lớn lên, dân cư nơi này đông đúc rồi cuộc sống ổn định, bền vững hơn ông, hơn cha nó ngày xưa. Vậy sẽ chẳng còn đứa nào phải xa quê nữa”.
Quả thật, tâm sự của hai người đàn ông lớn tuổi vừa rồi khiến tôi khá để tâm. Một người cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này thì đã hiểu rồi, nhưng người còn lại thì…
Tôi hỏi có lần nào anh nghĩ sẽ đưa vợ con về lại miền xuôi không. Anh nhìn tôi, đáy mắt như vừa uống cạn cả trăng đêm nói rằng: “Anh không nghĩ gì. Nơi nào hợp đất thì sống. Bởi đất khó tính và bí ẩn vô cùng. Mọi công sức sẽ trở nên vô nghĩa lý nếu như không hiểu hay không thành tâm với đất. Gần 20 năm khai hoang, giờ Bắc Sơn cũng là nhà anh. Ở đâu có gia đình, ở đó là quê hương”.
Bắc Sơn - Xanh như một giấc mơ
Từ mờ sớm, con gà trống choai đã trèo lên mái gáy vang cả đất trời. Gáy to như thế thần rừng còn thức nữa là chúng tôi.
Tôi tỉnh dậy, thấy người quả đúng khỏe khoắn, sảng khoái dù đêm qua uống với anh say bí tỉ. Bước ra sân đã thấy vợ con anh bưng đồ ăn sáng lên. Mỗi người được giao nhiệm vụ phải ăn hết một tô cơm to để còn có sức leo lên đỉnh Nà Lay đón bình minh.
Nghe dân tình kháo nhau rằng, đến Bắc Sơn nếu chỉ đi trên những con đường lớn quanh thị trấn, thì chẳng thể nào biết được vẻ đẹp hút hồn của thung lũng phía dưới. Chỉ đến khi leo lên đỉnh Nà Lay (cao hơn 600 m so với mực nước biển) mới thật sự choáng ngợp.
Một giờ đi bộ qua nghìn bậc đá cheo leo, thung lũng rộng lớn được bao quanh bởi núi non trùng điệp nhuốm màu huyền ảo hiện ra trước mắt. Từng cơn sóng mạ non chảy giữa bốn bề núi mây trắng bồng bềnh.
Từ trên cao đưa mắt nhìn xuống lòng thung là tầng tầng lớp lớp các thửa ruộng mơn xanh. Giữa những mảng xanh bất tận lại được điểm thêm những con sông uốn lượn mềm mại theo địa thế đất. Đôi chỗ, bản làng đan xen tạo nên khoảng không thơ mộng đúng kiểu núi ôm nhà, nhà vây quanh ruộng. Ngắm nhìn kỳ quan được tạo nên từ sức lao động bền bỉ và tài hoa của con người Bắc Sơn dưới ấy, lòng tôi rưng rưng.
Anh Hường giới thiệu, thung lũng Bắc Sơn là kết tinh của sự sáng tạo, đức tính cần cù và kỹ năng canh tác nông nghiệp tuyệt vời của con người. Người ở đây vốn rất giỏi trong việc khai hoang vỡ đất. Bắt đầu từ việc phát cây, dọn cỏ, rồi cuốc cày san gạt, cuối cùng là đắp bờ giữ nước, cần mẫn chắt chiu từng hạt vàng trong sỏi đá. Họ không chỉ vẽ lên một bức tranh kỳ vĩ giữa núi rừng, mà còn ghi dấu sự tồn tại và chinh phục để sống hòa hợp cùng thiên nhiên.
“Ruộng ở đây là công trình lâu dài, có khi từ đời này sang đời khác, đời này làm chưa xong, đời sau làm tiếp”, anh Hường nói.
Dưới nắng sớm chan hòa, tôi háo hức ôm máy ảnh ra chụp, nhấm nháp cái vẻ đẹp mê hồn của buổi bình minh theo từng cú bấm máy. Trong khuôn hình, tôi thấy Bắc Sơn thật rực rỡ, thật tươi mới y như chú công đang xòe đuôi chuẩn bị tung cánh vút lên. Những hoa văn trên mảnh kim bào của con công ấy như những vì sao xanh đỏ ẩn hiện giữa dòng sông mây chảy bồng bềnh trên cánh đồng xanh. Tâm hồn tự nhiên lâng lâng như trở về giấc mơ tuổi thơ với cánh đồng, khói bếp, những bữa cơm dung dị mà tràn đầy yêu thương.
Ở chơi với gia đình anh đến chiều, thì chúng tôi xin phép về thành phố. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói và nụ cười hiền hậu của vợ anh: “Lần sau lên chơi lại ở nhà chị nhé”.
Vâng, chắc chắn rồi, chúng em sẽ trở lại. Nhưng không làm một khách du lịch như bây giờ, mà là một người dân địa phương trong mùa lúa chín vàng, mùa thóc đầy bồ ở một ngày không xa. Biết đâu bén duyên em cũng sẽ coi Bắc Sơn là nhà như anh Hường nhà chị!