Trải nghiệm

Mùa xuân thăm đất Cổ Loa

Trải nghiệm - 23:30, 19/03/2019 G3T+7 - Phan Anh Loan - Hoàng Hà

Cổ Loa là vùng đất xen lẫn huyền thoại và hiện thực. Sau bao dâu bể can qua, lịch sử còn lưu lại 3 vòng thành với chiều dài khoảng 16km dẫu chẳng còn nguyên vẹn. Những vòng thành ấy giờ xen lẫn và bị cắt đoạn bởi làng, bởi xóm.

Cách trung tâm thủ đô Hà nội khoảng 15 km, có một quần thể di tích lịch sử đặc biệt. Đó là di tích Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh Hà Nội, nơi có tòa thành cổ nhất, có cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ.

Sự xuất hiện của thành Cổ Loa ghi dấu Hà Nội lần đầu tiên trở thành một đô thị trung tâm về chính trị, xã hội và quân sự. Không nổi tiếng như cố đô Hoa Lư hay kinh thành Huế dù Cổ Loa từng hai lần được chọn làm kinh đô trong hành trình dài dặc của lịch sử nước Việt. Cổ Loa lặng lẽ như dành riêng cho những người muốn hiểu sâu về lịch sử nước Việt không chỉ qua những trang sách. Về Cổ Loa không phải để đi tìm những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà về Cổ Loa để hiểu về lịch sử dân tộc và ngẫm ngợi suy tư cho những bài học từ quá khứ tiền nhân để lại.

Đền Thượng

Đền Thượng

Đất Cổ Loa dày đặc di tích. Cũng vì thế nên bước vào quần thể di tích Cổ Loa, một cảm giác hư thực xáo trộn lòng khách tham quan. Có quá nhiều huyền thoại. Huyền thoại nào cũng đẹp và hấp dẫn xen lẫn bi lụy đau thương. Không biết ngày xưa, có thật một nàng Mị Châu, một chàng Trọng Thuỷ? Có thật không những áo lông ngỗng, ngọc minh châu, giếng ngọc để giờ đây mỗi khi đọc lại truyện xưa tích cũ cứ thổn thức lòng người?

Cổ Loa là vùng đất xen lẫn giữa huyền thoại và hiện thực. Theo truyền thuyết và lịch sử ghi lại thì khi sau khi đánh thắng giặc Tần khoảng thế kỷ III TCN, Thục Phán lên ngôi vua với niên hiệu An Dương Vương. Cổ Loa được chọn làm kinh đô nước Âu Lạc. Cũng từ đó bao trí tuệ thông minh, bao tài năng sức lực, bao tảo tần kiên trì được phát huy để có một tòa thành với 9 vòng xoáy ốc.

Sau bao dâu bể can qua, lịch sử còn lưu lại 3 vòng thành với chiều dài khoảng 16km dẫu chẳng còn nguyên vẹn. Những vòng thành ấy giờ xen lẫn và bị cắt đoạn bởi làng, bởi xóm. Những ngôi nhà dân đã chồng lấn xóa dần dấu tích xưa nhưng vẫn không khó để ta nhận ra những vòng thành đất được hình thành cách ngày nay hàng ngàn, hàng ngàn năm. Cổ Loa có khác chi một kinh thành Tơ roa của người Việt?

Ảnh minh họa - nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa - nguồn ảnh: Internet

Những dũng sĩ Hécto, Asin, Agamennông hay Ôđixê là huyền thoại đẹp trong tác phẩm Iliát và Ôđixê của Hôme, nhưng một kinh thành Tơroa là có thật. Cũng giống như Cổ Loa là có thật giữa những huyền thoại oai hùng và bi tráng, đẹp mà đau thương của những An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy, Cao Lỗ...

Một Cổ Loa với ba vòng thành cùng hàng trăm mũi tên đồng tìm thấy trong những di chỉ khắp đất Cổ Loa cho thấy tài năng sáng tạo và trí dũng vô song của người dân Việt trong buổi hồng hoang của lịch sử. Cổ Loa là sự kết hợp của một kinh thành với một quân thành, giữa với một thị thành với một quân cảng trên bờ sông Hoàng xưa. Cổ Loa vừa là trung tâm chính trị, quân sự, lại vừa là trung tâm kinh tế và trung tâm luyện kim thời cổ đại.

Đến Cổ Loa đâu chỉ có ngắm Loa Thành để thấy rõ tài năng trí tuệ của ông cha. Đến Cổ Loa ta có thời gian thong thả vào đền thờ An Dương Vương, nhân vật chính làm nên huyền thoại thành Cổ Loa và lẫy nỏ thần nhưng vì mất canh giác mà mất nước trong bi lụy đau thương.

Trong ngôi đền Thượng thờ An Dương Vương, người ta không chỉ chú ý đến bức tượng An Dương Vương được đúc bằng đồng nặng 255 kg mà thú vị ở chỗ còn có một ban thờ thần Kim Quy, vị thần gắn liền với truyền thuyết đắp Loa thành và chế tạo lẫy nỏ từ móng của thần Kim Quy. Những tấm bia đá cổ có niên đại từ thế kỷ XVII là hiện vật quý đối với các nhà sử học.

Men theo bở ao hình bán nguyệt, ta thăm đền Cao Lỗ, vị tướng quân có tài chế tạo lẫy nỏ thần giúp vua chống giặc. Nàng Mỵ Châu “trái tim lầm chỗ để trên đầu” cũng được dành cho sự thương cảm. Dù chỉ là một am thờ nhỏ cũng đủ nói lên một chuyện tình ngang trái. Ngắm bức tượng nàng Mỵ Châu cụt đầu vốn là một tảng đá nguyên khối được người dân đưa về mới thấy lịch sử thật công bằng.

Lịch sử để lại cho ta bài học về sự cảnh giác khi số phận giảnh cho người Việt ở ngay liền kề với một nước lớn luôn có mộng bá vương từ đời này qua kiếp khác. Lịch sử luôn tri ân ghi nhớ những người có công với đất nước và dành sự thương cảm cho người lỡ lầm lạc như nàng Mỵ Châu.

Ít ai để ý cũng chính đất Cổ Loa này hơn một ngàn năm sau sự bi hùng của An Dương Vương, có một người anh hùng đã lãnh đạo người Việt quật khởi vùng lên, làm nên một Bạch Đằng lưu danh sử sách, giảnh lại độc lập cho dân tộc, như Ngô Thì Sĩ đánh giá “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”

Người anh hùng đó là Ngô Quyền. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, ông chọn Cổ Loa làm nơi đóng đô, phục hồi lại nước Việt. Trên cùng một mảnh đất huyền thoại, có một An Dương Vương xây Loa Thành cao, gương lẫy nỏ bắn một lần nhiều mũi tên tiêu diệt quân địch; lại có một Ngô Quyền lội sông sâu, chôn cọc sắt đâm thủng thuyền giặc, tiêu diệt quân Nam Hán mở ra trang mới cho lịch sử dân tộc. Lịch sử có những điều thú vị như thế. Đến Cổ Loa đâu chỉ để nhắc nhở nhau về bài học cảnh giác mà đến Cổ Loa còn thấy dâng trào niềm tự hào về một dân tộc anh hùng bất khuất, trí thông minh sáng tạo trong chiến tranh và trong hòa bình.

Trong tiết mưa xuân nhè nhẹ, nhìn những em học sinh đến tìm hiểu di tích Cổ Loa thấy tràn ngập một niềm hoan hỉ. Dòng chảy lịch sử vẫn tiếp nối. Bài học lịch sử từ thực tế mà các em có hôm nay sẽ giúp nhiều cho các em ngày mai. Vẫn là ngôi đền bình dị mái cong như bao ngôi đền, đình khác trên đất Việt, vẫn không khí hư thực huyền ảo bao trùm, ta thấy lòng thanh thản, tâm trí ta như được rửa sạch để với với cốt lõi của chữ NHÂN trong giá trị con người.

Bạn đang đọc bài viết Mùa xuân thăm đất Cổ Loa tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục