Du lịch luôn được coi là một ngành mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hầu hết các khu vực, quốc gia trên thế giới. Ngành này cũng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi du lịch được phát triển không bền vững, nó có thể gây ra những hệ quả đáng quan ngại với môi trường sinh thái. Đặc biệt là khi hoạt động du lịch được tổ chức trái phép, vượt qua những rào cản pháp lý hay đạo đức, hòng phục vụ cho lợi ích của của một nhóm người. Du lịch một cách vô trách nhiệm và thiếu tính bền vững gây ảnh hưởng không nhỏ tới người dân sinh sống trong khu vực, cũng như hệ động thực vật xung quanh.
Hãy tìm hiểu xem du lịch không đúng cách có thể tác động xấu tới thiên nhiên như thế nào.
Gây ra ô nhiễm không khí
Có lẽ đây là một trong những vấn đề không mong muốn nhưng chưa có cách giải quyết của ngành du lịch. Phần lớn khách du lịch di chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng các phương tiện tạo ra khí thải như ô tô, máy bay, tàu hỏa… trong khi các phương tiện này lại là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Càng đông khách du lịch thì người ta lại càng cần phát triển mạng lưới giao thông. Cùng với đó, không khí càng bị ảnh hưởng xấu đi.
Người ta ước tính, do sự phát triển của du lịch quốc tế, khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không chiếm tới 60%. Ngoài ra, xe khách có trang bị điều hòa cũng là phương tiện không thể thiếu trong việc chuyên chở du khách. Sau khi tham quan điểm du lịch dưới trời nắng gắt hay giá buốt, chắc hẳn ai cũng muốn ngay lập tức được trở lại xe với điều hòa mát lạnh hay ấm áp. Giống như một vòng tròn không có điểm dừng, du lịch càng phát triển thì nhu cầu phương tiện càng cao, nhưng kéo theo đó là nguy cơ ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng.
Dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn
Trái ngược với những khu du lịch nghỉ dưỡng thường đề cao sự yên tĩnh, thư thái thì các điểm du lịch ở trung tâm thành phố lại thường rất ồn ào, tấp nập suốt từ sáng sớm tới đêm khuya. Âm thanh do du khách gây ra, tiếng nhạc, tiếng từ các phương tiện giao thông đương nhiên sẽ tạo ra sự ồn ào không nhỏ. Không chỉ có cư dân sinh sống trong khu vực mà ngay cả các loài động vật hoang dã (nếu có) cũng muốn “phát điên”.
Chẳng thế mà rất nhiều thành phố lớn, nơi đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, phải ban hành các điều luật để giảm tình trạng ồn ào do hoạt động du lịch tạo nên. Chẳng hạn như, Prague (Cộng hòa Séc), nơi mỗi năm đón 5-6 triệu lượt du khách tới thăm, đã phải thuê một đội “chống xung đột” để tuần tra các khu vực đông đúc nhất mỗi đêm. Các nhân viên an ninh này có nhiệm vụ yêu cầu du khách phải tôn trọng thời gian yên tĩnh ban đêm của thành phố, bắt đầu từ 22h trở đi.
Khách du lịch vô ý thức xả rác bừa bãi
Có một thực tế nực cười mà cũng rất chua xót là nhiều điểm du lịch mất khách vì rác thải, trong khi đối tượng xả rác lại chính là khách du lịch. Vô số điểm tham quan du lịch nổi tiếng, cả ở trong nước lẫn trên thế giới, đã phải chứng kiến tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi làm hỏng cảnh quan tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm biển. Người ta ước tính, các con tàu du lịch ở vùng biển Caribê thải ra tới 70.000 tấn rác thải mỗi năm. Nếu số rác thải này không được xử lý triệt để mà bị ném ra biển, hàng trăm, hàng ngàn loài động thực biển sẽ phải đối diện với nguy cơ bị nhiễm bệnh, đột biến gen hay tuyệt chủng.
Ngay cả những nơi tưởng phải rất sạch sẽ như đỉnh Everest cũng đang bị rác thải đe dọa nghiêm trọng. Nhiều nhà leo núi cho biết, trên đường chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới này, họ đã gặp không ít bình oxy rỗng, giấy rác, thiết bị cắm trại… bị những người đi trước bỏ lại. Thậm chí, một số con đường mòn ở dãy Himalaya và dãy Andes còn được đặt biệt danh "Đường mòn giấy vệ sinh" hay "Đường mòn nước có ga”, nhằm châm biếm tình trạng rác thải bị vứt ra bừa bãi ở những con đường đó.
Nước thải từ các điểm du lịch gây ô nhiễm môi trường tự nhiên
Sự xuất hiện ồ ạt của quán cà phê, nhà hàng… dẫn tới lượng nước thải bị đổ ra môi trường là rất lớn. Nước thải nếu không được xử lý an toàn sẽ dẫn tới hàng loạt hệ lụy nguy hiểm mà điều con người hay nhắc tới nhất là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Nước thải bẩn làm ảnh hưởng tới chất lượng nước cung cấp cho con người cũng như hệ động thực vật trong khu vực, làm mất cân bằng hệ sinh thái thủy sinh, gây ra bệnh tật và thậm chí có thể “xóa sổ” cả một giống loài.
Ô nhiễm thẩm mỹ
Nhiều cơ sở du lịch được xây dựng một cách tự phát, không theo quy hoạch thiết kế nào đang là mối lo ngại của nhiều nhà quản lý cũng như người dân sống trong vùng du lịch. Các thiết kế “mạnh ai người nấy làm” có thể làm hỏng vẻ đẹp tự nhiên, nói một cách khác là ô nhiễm thẩm mỹ.
Ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên
Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch bền vững sẽ luôn được xem xét tới những yếu tố đi kèm như hệ sinh thái, nguồn nước, hệ động thực vật… Một khi du lịch được phát triển quá nhanh và quá “sức” so với hạ tầng khu vực, nó sẽ gây ra tác động ngược tới hệ sinh thái. Chẳng hạn, nếu nhu cầu nước sạch dùng để đáp ứng cho khách du lịch, hoạt động của khách sạn, bể bơi, duy trì sân golf… là quá lớn so với khả năng cung ứng tại địa phương, nhiều khả năng sẽ thiếu nước để hệ động thực vật địa phương duy trì sự sống. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch không bền vững cũng có thể tạo áp lực với các ngành thực phẩm, năng lượng ở địa phương.
Làm suy thoái hệ sinh thái
Bất cứ hệ sinh thái nào cũng đều có sự cân bằng tự nhiên vô cùng khéo léo. Sự tồn tại của một loài động, thực vật nào đều có ý nghĩa nhất định trong mạng lưới đó. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch một cách xô bồ và liên tục thường làm rối loạn sự cân bằng này và có thể gây ra thảm họa với hệ sinh thái. Loạt khách sạn xây quá sát biển, thậm chí lấn biển, hay được hình thành trong vùng lõi của rừng đều tác động lớn tới thiên nhiên. Ở nhiều nơi, thảm xanh tự nhiên đã bị phá hủy để nhường chỗ cho khu nghỉ mát hay khách sạn lộng lẫy. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược dài hơi và bền vững, các hoạt động này sẽ dẫn đến mất rừng, xói mòn đất, triệt tiêu sự sống của động thực vật, làm thay đổi dòng hải lưu, làm bẩn bờ biển và phá hủy môi trường sống…
Các hoạt động khác tưởng chừng không gây hại như đi bộ, lặn biển thực tế cũng gây ra nhiều tác động xấu tới thiên nhiên. Trong khi hoạt động đi bộ có thể chà đạp tới sự sống của thực vật, thì lặn biển, du lịch bằng tàu biển hay việc thu hoạch san hô để bán… lại làm hỏng nhiều rặng san hô và gây ra suy thoái hệ sinh thái.