Trải nghiệm

Nước non Cao Bằng

Trải nghiệm - 23:30, 02/11/2018 G11T+7 - Phan Anh Loan

Người ta nói nước non Cao Bằng có lẽ không chỉ bởi qua thời gian mảnh đất này vẫn bao la nước trời trong vắt, núi non hùng vĩ mà còn là biểu trưng cho cái đẹp sơn hà xã tắc nơi biên giới.

Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu.

Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu.

Cao Bằng như một bức tranh thủy mặc. Bức tranh Cao Bằng có gam màu xanh mướt của núi đồi, của ruộng ngô, ruộng lúa; có gam màu xám của mỏ quặng, mỏ thiếc; lại có gam màu trắng của mây và sương. Cao Bằng thơ như một bài thơ theo thể tự do xen lẫn những vần lục bát. Bài thơ Cao Bằng câu dài câu ngắn, xuống dòng, ngắt đoạn như con đường quanh co khúc khuỷu, dốc dài dốc ngắn rồi bất chợt hiện ra những vần thơ lục bát dịu nhẹ của những cánh đồng mênh mang, những đồi núi lô xô. Non nước Cao Bằng đã được UNESCO thông qua nghị quyết chính thức công nhận là công viên địa chất toàn cầu với những danh lam thắng cảnh di tích nổi bật như khu di tích Pác Bó, thác bản Giốc, hồ Thang Hen hay vườn quốc gia Phia Oắc...

Từ thế kỷ XVI, theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên”, con cháu nhà Mạc đã lên đất Cao bằng gây dựng cơ đồ và tồn tại hơn 80 năm. Non nước Cao Bằng từ đó in dấu trong ca dao với tiếng khóc não nùng của người chinh phụ:

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Đường vào hang Pác Bó.

Đường vào hang Pác Bó. Ảnh P.A.L

Về với Cao Bằng là về đầu nguồn cách mạng, về với Pác Bó. Núi Các Mác xanh biếc cây rừng, sừng sững như bức tường thành che chắn cho khu căn cứ. Bên suối Lê Nin trong vắt, dưới tán cây Si là “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”. Băng qua con đường đá rêu phong và những lùm cây dại ta đến nơi “trông vời lưng núi, Khuổi Nậm rì rào, núi cao tầng mây” tận mắt nhìn thấy Hang Pác Bó với tấm phản nhỏ cập kênh trong không gian ẩm ướt, nơi Già Thu từng ở những ngày đầu tiên về nước. Pác Bó không chỉ là một di tích lịch sử đặc biệt mà còn là nơi sơn thủy hữu tình, phong cảnh chốn bồng lai cho con người hòa mình vào thiên nhiên.

Bản Giốc.

Bản Giốc. Ảnh P.A.L

Con đường đến động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc mới làm, uốn khúc quanh co trên những sườn đồi. Từ trên cao nhìn xuống, con đường như dải lụa trắng nổi bật trên nền của đồi núi xanh ngắt phơi mình dưới nắng sớm. Lô xô đồi núi nguyên sơ, không khí trong vắt không ô nhiễm khói bụi dù đây đó vẫn có việc khai thác mỏ thiếc. Xe vượt qua những con đèo mang tên Mã Phục, Khau Liêu để đến hang Ngườm Ngao. Theo tương truyền hang này ngày xưa rất nhiểu hổ sinh sống. Lại có ý kiến cho rằng tiếng nước chảy trong hang động nghe như hổ gầm nên gọi Ngườm Ngao.

Vào hang Ngườm Ngao.

Vào hang Ngườm Ngao. Ảnh P.A.L

Hang dài gần 3km với muôn vàn các hình thù kỳ lạ, măng đá từ dưới mọc lên, nhũ đá từ trên thả xuống tạo nên một mê cung khổng lồ đưa con người từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Cây san hô mọc giữa hang, bông hoa sen khổng lồ mọc ngược, cột đá đứng cô đơn như chống cả trời, nàng tiên ngồi chải mái tóc óng ả, màu sắc biến hóa kỳ ảo khôn lường, nơi óng ánh như ngọc bích, nơi vàng óng ả như hạt ngọc trời. Có lúc hang mở ra rộng mênh mông, lại có lúc hang chỉ còn 1 lối đi nhỏ hẹp. Phải chăng hang cũng như đời người, lúc vui sướng tận cùng, khi đau buồn bất tận?

Thác Bản Giốc.

Thác Bản Giốc. Ảnh P.A.L

Thác Bản Giốc được hình thành bởi con sông Quây Sơn. Dòng sông Quây Sơn bắt nguồn từ đất Trung Quốc, uốn lượn qua những cánh đồng, làng mạc, đến xã Đàm Thủy thì lượn quanh núi Cô Muông rồi bất ngờ sụt xuống độ cao trên 30m trên biên giới Việt – Trung tạo nên một cảnh quan diễm lệ rồi dòng Quây Sơn ấy quay lại phía đất Trung Quốc và mất hút vào nơi nào đó của đất Trung Hoa.

Dòng suối Lê Nin.

Dòng suối Lê Nin. Ảnh P.A.L

Thác Bản Giốc là thác lớn thứ 4 trên thế giới trong những con thác nằm ở đường biên giới hai nước, đây cũng là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đi đến thác Bản Giốc để khẳng định chủ quyền thiêng liêng lãnh thổ quốc gia, để cảm thấy mỗi tấc đất biên cương thấm bao máu, để hiểu lời răn dạy của tiền nhân trong Luật Hồng Đức “Kẻ nào bán ruộng đất ở biên cương cho người ngoại quốc thì xử chém”.

Đứng bên bờ sông, nhìn những dải lụa trắng xóa được dệt bởi những hạt nước li ti ào ào đổ trên một khoảng thung lũng rộng lớn, thấy khung cảnh vừa có sự dịu dàng e lệ của cô gái đẹp, lại có nét khỏe khoắn của chàng trai phong trần. Nhảy lên con phà đang cập bến để ra giữa dòng sông, tiến tới sát thác nước, những giọt nước li ti bắn vào quần áo mát lạnh, làn sương nước mờ ảo ngay giữa trưa nắng... Thật khó diễn tả nổi cảm xúc được đứng giữa trời đất nước non, tại thác bản Giốc, dưới chân là dòng nước trong mát của sông Quây Sơn, trên đầu là trời mây xanh cao và nắng gió nơi địa đầu để thốt lên hai tiếng tự hào: TỔ QUỐC.

Bạn đang đọc bài viết Nước non Cao Bằng tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục