Nếu có dịp đi trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một con đường ven biển được xếp vào loại đẹp nhất trên thế giới. Đó là đèo Hải Vân, “thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Hiếm có nơi nào trên thế giới lại có một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời kết hợp đủ các yếu tố biển cả, núi non, mây trời, gió lộng như đèo Hải Vân. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong cuốn “Xứ Đông Dương” đã thốt lên “Thật đắm say. Không có một cảnh thần tiên nào của Địa Trung Hải mà vừa đẹp mắt lại vừa hùng vĩ đến vậy... khung cảnh ở đây đủ khiến những kẻ muốn khám phá phải đi từ Pháp sang Viễn Đông để thưởng thức biết bao sự vật hấp dẫn và kỳ thú” .
Đèo Hải Vân nằm giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Xa xưa đèo Hải Vân thuộc châu Ô, châu Lý của vương quốc Cham Pa. Cho đến năm 1306 sau cuộc hôn nhân đặc biệt khi công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân, đèo Hải Vân trở thành ranh giới tự nhiên giữa Đại Việt và Cham Pa.
Đèo Hải Vân có độ cao khoảng 500 mét so với mặt nước biển. Nếu đi từ Huế vào, sẽ qua vịnh Lăng Cô với nước biển trong vắt và thiên nhiên mỹ lệ. Hãy mạnh dạn bỏ qua con đường hầm đường bộ vì tuy rút ngắn nhiều về mặt thời gian nhưng lại mất đi sự thưởng thức một cảnh đẹp tuyệt vời. Leo đèo Hải Vân sẽ được ngắm tất cả những gì đẹp đẽ của biển, của trời, của núi, của mây và của gió. Từ trên cao nhìn xuống, làng chài ven vịnh Lăng Cô như chốn bồng lai tiên cảnh. Mặt biển xanh ngắt, mênh mông. Những con thuyền như chiếc lá. Bờ cát trắng cong nghiêng trải dài bên mặt biển xanh ngắt. Dãy núi ăn ra vịnh Lăng Cô có dáng dấp như một con rồng đang vươn mình ra biển. Đầu rồng hướng ra khơi còn thân rồng uốn khúc chắn giữ đất liền. Một bức tranh khổng lồ của tạo hóa mà mỗi nét vẽ như không thể nào đẹp hơn.
Con đường đèo quanh co như dải lụa mong manh uốn lượn làm duyên với mây trời và gió núi. Càng lên cao, mây càng nhiều. Mây từ đâu về hội tụ dày đặc rồi lại tan ra, tan ra như trêu đùa khách phương xa lần đầu diện kiến. Du khách được chiêm ngưỡng vũ điệu của mây. Tất cả những yếu tố của gió, của mây, của biển khiến ta thấy như đang ở trên rặng núi An Pơ hay xứ sở Luân Đôn sương mù.
Cảm xúc dẫn dắt chúng ta qua hết cảnh đẹp này đến cảnh đẹp khác. Lạ kỳ thay một bức tranh thiên nhiên không trùng lặp. Dưới xa, thật xa kia là biển. Trên cao, thật cao kia là mây. Gần chúng ta là cây cối, là rừng, là đá. Có những tảng đá mồ côi được cắm sâu dười đất và nhô lên tua tủa như dao sắc. Lại có tảng đá to gù lên như một cụ rùa khổng lồ. Những tảng đá như những cột mốc của thiên nhiên, muốn truyền lại cho đời sau lời mách bảo về sự hùng vĩ, về vẻ đẹp gợi cảm cũng như sự hoang sơ tự ngàn đời.
Nếu phía Bắc của đèo ta được ngắm một làng chài của Vịnh Lăng Cô thì phía Nam ta được ngắm Đà Nẵng. Trong vũ điệu của mây la đà bay, cả thành phố Đà Nẵng, cả dãy Ngũ Hành Sơn và bán đảo Sơn Trà bỗng hiện ra hút vào tầm mắt, ngỡ như mình đang lạc vào xứ sở của cổ tích thần tiên. Trong khi cậu bé con 5 tuổi lần đầu được bố mẹ cho lên đèo Hải Vân cứ xuýt xoa “Con có thể cho mây vào túi không, con muốn mang mây về” thì mấy người lớn nhìn thấy những quả mâm xôi chín đỏ lại ồ lên sung sướng như nhìn thấy cả bầu trời tuổi thơ trước mắt. Thời gian như quay ngược trở lại với người giá và thắp lên ước mơ cho con trẻ.
Trên đỉnh đèo có Hải Vân Quan. Hải Vân Quan được xây dựng từ thời nhà Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn năm 1826. Ngắm Hải Vân Quan như thấy quá khứ xa xôi vọng về. Đâu rồi bóng kiệu đưa nàng Huyền Trân về đất Chiêm Thành? Nơi nào vua Lê Thành Tông đứng ngắm cảnh để rồi xúc cảm thốt lên “thiên hạ đệ nhất hùng quan”? Vị trí nào vua Minh Mạng từng ngắm để xác định đây là vị trí vô cùng trọng yếu về quân sự cần tăng cường phòng ngự? Đâu bóng dáng vua Thành Thái đi kinh lược phương Nam?
Lịch sử như vẫn đang cuồn cuộn chảy để ta cũng trở thành một trang hảo hán đầu đội trời, chân đạp đất với tất cả niềm tự hào về non sông gấm hoa. Với nắng, với gió, với mây, với biển và với những gì lịch sử đã đi qua, ta được thỏa mãn với niềm mê say khám phá. Cái gân guốc mạnh mẽ của đá núi, cái mênh mông của biển cả mây trời, cái e ấp mềm mại của hoa rừng và quả dại, cái chiều sâu bí ẩn của di tích lịch sử khiến cho ai dù sắt đá cũng phải tan chảy.
Không có máy ảnh nào, cũng chẳng có bàn tay kinh nghiệm nào của các nhà nhiếp ảnh có thể truyền tải hết cái đẹp và sự kỳ vĩ của những cảnh đẹp nơi đây vào những khung hình. Cảnh đẹp của Hải Vân không chỉ tĩnh mà còn động, không chỉ hùng vĩ mà còn diễm tình mỹ lệ như tên gọi của nó. Gánh hai đầu hai nền văn hóa lớn là văn hóa Đại Việt và văn hóa Cham Pa, đèo Hải Vân thực xứng với tên gọi "thiên hạ đệ nhất hùng quan".