Trải nghiệm

Lãng du trên "cung đường vàng"

Trải nghiệm - 06:30, 14/09/2019 G9T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Những thửa ruộng bậc thang đầy sắc màu được “tạo hình” từ bàn tay cần cù của bà con các dân tộc Tây Bắc cả trăm năm trước và cho đến nay vẫn tiếp tục là nguồn sản sinh lương thực chính với họ.

LTS: Khi bông lúa nơi non cao chót vót trĩu nặng dần và chuyển màu vàng óng, bước chân “xê dịch” lại nhắc nhở những chuyến du lãng miền sơn cước. Dù chân bước đã mòn gót, thuộc từng điểm “ngắm lúa” từ “mâm xôi”, “đế giày” đến “cầu ba nhà”… mà đến mùa lúa, những thửa ruộng chín "treo" giữa mây ngàn ấy vẫn có một sức cuốn hút lạ kỳ. 

Cung đường thắm sắc lúa ngang qua các vùng miền Tây Bắc, nơi còn đó những nét văn hóa của bà con các dân tộc vùng cao như phiên chợ nồng men say hương lúa mới, những mái nhà lợp mái ngói gỗ Pơ mu hay vó ngựa đua của các kỵ sỹ chân đất.

Cùng bạn lãng du trên "cung đường vàng" Tây Bắc, Photo Travel tháng 9 sẽ lần lượt giới thiệu loạt phóng sự khám phá những điểm dừng chân thú vị mùa thu này.

Kỳ 1: Chiêm ngưỡng “trái tim vàng” ở Mù Cang Chải

Thửa ruộng đặc biệt ấy ở Mù Cang Chải không search tìm được trên Google và được nhóm chúng tôi ví như một “trái tim vàng” hiện lên trên những bậc ruộng lúa nối tiếp nhau. 

Đã ngang qua khắp các vùng lúa chín nhưng đây là lần đầu tôi được tận mắt chiêm ngưỡng một "kỳ quan" đẹp và đáng yêu đến thế. Vượt qua đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo nơi lưng trời Tây Bắc là vào địa phận huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nơi bao trùm cả một không gian của “những thửa ruộng trời”, mênh mang chỉ giới hạn bởi trời và đất.

Gần 700ha ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải tập trung chủ yếu ở 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Su Phình. Đây là những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất, đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ cuối năm 2007. 

Hơn thế nữa, cùng vịnh Hạ Long, “những thửa ruộng trời” này cũng vinh dự có mặt trong danh sách 50 điểm đến đẹp nhất thế giới theo bình chọn của trang du lịch CN Traveller. Đầu năm 2019, CN Traveller lại tiếp tục bình chọn ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào top "Những địa điểm sắc màu nhất trên thế giới".

Những thửa ruộng bậc thang đầy sắc màu này được “tạo hình” từ bàn tay cần cù của bà con các dân tộc Tây Bắc cả trăm năm trước và cho đến nay vẫn tiếp tục là nguồn sản sinh lương thực chính với họ. Bởi sự tạo hình độc đáo này, những thửa ruộng quyến rũ cứ thế hình thành mang những hình thù đặc biệt như mâm xôi, đế giày...

Ruộng bậc thang hình mâm xôi thì có nhiều, ở cả Mù Cang Chải lẫn Hoàng Su Phì nhưng “trái tim vàng” tôi may mắn chụp được thì chắc chỉ một. Khỏi phải nói cái cảm xúc đặc biệt khi lần lượt leo những “bậc thang” nơi chân ruộng, vượt những sóng lúa chín vàng trong nắng xiên khoai và rồi một “trái tim vàng” hiển hiện trước mắt, nơi đỉnh đồi hùng vĩ. 

"Trái tim vàng" hoàn hảo, được bao quanh bởi nhiều lớp ruộng bậc thang là tác phẩm của một nông dân người Mông nào đó và hẳn phải là một người rất lãng mạn ở xứ Mù mới kỳ công đẽo gọt thửa ruộng nhà mình đến vậy. 

Có thể còn có nguyên cớ khác cho kiệt tác nghệ thuật giữa đất trời này nhưng chắc chắn nó hình thành dưới bàn tay tài hoa của một người nông dân dân tộc Mông cần mẫn, tiếc là tôi đã không có duyên gặp nơi chân ruộng.

Quanh thửa ruộng bậc thang hình “trái tim vàng” đẹp nhất ấy, lại có một câu chuyện khác được trai gái các bản gần đó kể cho nhau nghe. Để dành tặng người yêu là một thiếu nữ dân tộc Mông trong bản, chàng trai chủ ruộng người Mông đã thao thức bao đêm ở thửa ruộng nhà mình, rồi kỳ công tạc nên “trái tim vàng” mời gọi ấy. 

Tôi cứ tin câu chuyện lãng mạn đích thực sẽ như vậy, bởi chỉ có tặng phẩm tình yêu mới làm nên kiệt tác lãng mạn thế giữa hùng vĩ đất trời Tây Bắc.

Thửa ruộng bậc thang hình trái tim ở xã Chế Cu Nha được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của người nông dân dân tộc Mông cần mẫn trong vùng. Đó là một “trái tim” vàng óng trong sắc nắng mùa thu đã như một kiệt tác nghệ thuật giữa đất trời Tây Bắc.
Từ giữa tháng 9, khi lúa đã chín vàng thì nơi đây tấp nập du khách đến để tận mắt thấy “trái tim vàng” hiện lên trong màu xanh của núi rừng và không khí mát lành của vùng cao.
Dưới bàn tay những người nông dân dân tộc Mông, trải qua hàng trăm năm những thửa ruộng bậc thang không chỉ phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của đồng bào dân tộc Mông mà còn ẩn chứa nhiều thông số về giá trị lịch sử, văn hóa.
Theo chị Hờ Thị Dê ở bản Dề Thàng (xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải) thì lúa gặt xong sẽ được đập lấy hạt, phơi ngay tại ruộng cho khô rồi đóng bao mang về nhà.
Hai người phụ nữ Mông khác thu hoạch lúa nếp trên những thửa ruộng bậc thang của gia đình ở Mù Cang Chải.
Nắng thu vàng rải trên những bông lúa nếp trĩu nặng sắp thu hoạch.
Các triền ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải mùa lúa chín cứ thế đan xen tạo nên những mảng màu khác biệt, xen kẽ và "tôn" nhau một cách âm thầm, họa thành bức tranh sống động của Tây Bắc.
Những dải ruộng bậc thang thậm chí kéo dài và cao lên tận mái từng ngôi nhà của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải.
Khi chờ gặt, những người phụ nữ Mù Cang Chải lại trở về với công việc thêu thùa và may vá trong những ngôi nhà nhỏ ở lưng chừng núi.

Ngô thu hoạch treo vàng ươm trước hiên nhà, bí ngô lăn lóc trên gác mái… là những hình ảnh bình dị dễ bắt gặp ở những bản làng của bà con dân tộc Mông trên “cung đường vàng” Mù Cang Chải


Bạn đang đọc bài viết Lãng du trên "cung đường vàng" tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục